Bầm tím là một loại tụ máu của mô, xảy ra khi các mạch máu nhỏ dưới da bị vỡ và rò rỉ máu vào các mô xung quanh, khiến vùng da đó đổi sang màu xanh, tím đặc trưng. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng, chủ yếu là gây đau nhẹ hoặc mất thẩm mỹ và sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vết bầm tím cũng có thể trở thành dấu hiệu của một trình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy vết bầm tím có dấu hiệu bất thường, tốt nhất là nên gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời. Dưới đây là 10 lý do khiến cơ thể dễ bị bầm tím mà bạn cần lưu ý.

1. Va chạm, tập luyện thể thao ở cường độ cao

Nếu bạn là người vụng về, thường xuyên bị té ngã, va chạm thì việc cơ thể thường xuất hiện các vết bầm tím là điều dễ hiểu. Ngoài ra, việc luyện tập thể thao hoặc làm việc tay chân ở cường độ cao cũng có thể khiến các mạch máu nhỏ bị tổn thương, gây xuất huyết dưới da và hình thành nên các vết bầm tím.

Va chạm, tập luyện thể thao ở cường độ cao
Va chạm, tập luyện thể thao ở cường độ cao dể gây bầm tím trên cơ thể (Ảnh: Internet)

2. Thiếu vitamin

Một nguyên nhân phổ biến khác khiến làn da dễ bị bầm tím là do thiếu vitamin, tiêu biểu là vitamin C và vitamin K. Nguyên nhân là do vitamin C không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất collagen mà còn giúp cho thành các mạch máu vững chắc hơn. Trong khi đó, vitamin K lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Do đó, việc thiếu hụt vitamin C và vitamin K có thể khiến mạch máu dễ bị tổn thương hoặc làm rối loạn đông máu, khiến da dễ bị bầm tím hơn bình thường.

Thiếu vitamin
Thiếu vitamin là một nguyên nhân phổ biến khác khiến làn da dễ bị bầm tím (Ảnh: Internet)

3. Tuổi tác

Tuổi tác, đúng hơn là quá trình lão hóa, là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể xuất hiện các vết bầm tím. Khi chúng ta già đi, khả năng sản sinh collagen trên da giảm, làn da trở nên mỏng hơn và lớp mỡ dưới da cũng không còn dày như bình thường. Điều này khiến các mạch máu dưới da mất đi lớp bảo vệ vững chắc và dễ tổn thương hơn. Bấy giờ, chỉ một va chạm nhẹ cũng có thể làm xuất hiện vết bầm tím.

Tuổi tác
Vấn đề tuổi tác là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể xuất hiện các vết bầm tím (Ảnh: Internet)

4. Tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời

Tắm mình dưới ánh nắng mặt trời có thể mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian quá lâu cũng mang đến nhiều tác hại. Không chỉ gây cháy nắng, thâm, sạm,…tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể khiến da trở nên mỏng và dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến dễ bị bầm tím hơn. Để đảm bảo làn da được bảo vệ toàn diện trước tác hại từ tia cực tím, hãy sử dụng kem chống nắng kết hợp với việc che chắn bằng mũ, kính râm và quần áo chống nắng khi ra ngoài, đặc biệt là trong thời gian dài và ở những nơi có ánh nắng mạnh.

Tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời
Tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời có thể khiến da trở nên mỏng và dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến dễ bị bầm tím hơn (Ảnh: Internet)

5. Sử dụng steroid

Sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài có thể làm suy yếu da và mạch máu, dẫn đến dễ bị bầm tím. Mặc dù điều này có thể gây khó chịu nhưng đó không phải là lý do để bạn có thể tự ý ngưng sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được tư vấn.

thuốc corticosteroid
Sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài có thể làm suy yếu da và mạch máu, dẫn đến dễ bị bầm tím (Ảnh: Internet)

6. Thuốc làm loãng máu hoặc thuốc giảm đau

Dễ xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể đôi khi là do tác dụng phụ của một số loại thuốc làm loãng máu và thuốc giảm đau. Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen hoặc thuốc chống đông máu, kháng sinh,…có thể làm suy yếu khả năng đông máu, dẫn đến dễ bị bầm tím. Như đã nói trước đó, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với thói quen dùng thuốc của bạn.

Thuốc làm loãng máu hoặc thuốc giảm đau
Các vết bầm tím trên cơ thể đôi khi là do tác dụng phụ của một số loại thuốc làm loãng máu và thuốc giảm đau (Ảnh: Internet)

7. Số lượng tiểu cầu trong máu thấp

Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng cho quá trình đông máu và số lượng tiểu cầu thấp có thể dẫn đến bầm tím thường xuyên hoặc chảy máu. Nguyên nhân khiến số lượng tiểu cầu trong máu thấp có thể bao gồm các vấn đề về tủy xương, rối loạn tự miễn dịch, nhiều loại nhiễm trùng, thuốc men và các vấn đề sức khỏe khác.

Số lượng tiểu cầu trong máu thấp
Số lượng tiểu cầu trong máu thấp có thể dẫn đến bầm tím thường xuyên hoặc chảy máu (Ảnh: Internet)

8. Gan bị tổn thương

Gan bị tổn thương cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng cơ thể dễ bị bầm tím. Nguyên nhân là do gan giữ vai trò là giải phóng các protein cần thiết cho quá trình đông máu. Do đó, khi gan bị tổn thương, lượng protein cần thiết cho quá trình đông máu bị suy giảm, dẫn đến dễ bị bầm tím.

Gan bị tổn thương
Gan bị tổn thương cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng cơ thể dễ bị bầm tím (Ảnh: Internet)

9. Rối loạn chảy máu

Các bệnh lý về máu như bệnh máu khó đông hoặc bệnh von Willebrand có thể gây ra tình trạng đông máu bất thường và tăng khả năng bầm tím. Rối loạn chảy máu di truyền là do đột biến ở các gen kiểm soát quá trình sản xuất protein cần thiết cho quá trình đông máu. Rối loạn chảy máu mắc phải thường do các tình trạng bệnh lý khác gây ra, chẳng hạn như bệnh gan hoặc ung thư.

Rối loạn chảy máu
Rối loạn chảy máu có thể gây ra tình trạng đông máu bất thường và tăng khả năng bầm tím (Ảnh: Internet)

10. Ung thư

Bị bầm tím bất thường, không rõ nguyên nhân đôi khi là triệu chứng của ung thư máu. Một số loại bệnh bạch cầu hoặc u lympho có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các tế bào máu bình thường, dẫn đến dễ bị bầm tím. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu hoặc các bệnh ung thư khác và lo lắng về nguy cơ của mình, hãy trao đổi với bác sĩ.

Ung thư
Bị bầm tím bất thường, không rõ nguyên nhân đôi khi là triệu chứng của ung thư máu (Ảnh: Internet)

Bạn có thể quan tâm:

Xem thêm

4 cách tra cứu lịch cúp điện 2023 trên zalo, app EVN đơn giản, chính xác nhất

Mùa hè 2023 được dự đoán là thiếu điện trên toàn quốc, vì vậy lịch cúp điện đã được EVN thông báo chi tiết cho khách hàng. BlogAnChoi sẽ hướng dẫn bạn cách tra cứu lịch cắt điện theo khu vực của bạn một cách đơn giản, chính xác nhất trên điện thoại, website.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận