Huế luôn là chủ đề mà các thi sĩ, nhạc sĩ lựa chọn để sáng tác trong thi ca Việt Nam. Bởi vì đây không chỉ là một vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, nhiều di sản và lễ hội độc đáo mà còn mang trong mình vẻ đẹp trầm lắng, dịu dàng và bình yên, con người xứ Huế dễ thương, mến khách khiến Huế trở nên đặc biệt và thu hút. Hôm nay các bạn hãy cùng theo chân Việt Đăng Di bỏ túi kinh nghiệm du lịch Huế 2022 này nhé!

Huế ở đâu?

Huế là một tỉnh nằm ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, thuộc Bắc Trung Bộ. Đây là thành phố nằm ở trung tâm của đất nước, có vị trí địa lý: phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị và Biển Đông; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp tỉnh Quảng Trị và tỉnh Saravane của Lào; phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và giáp tỉnh Sekong của Lào.

Huế mùa nào đẹp?

Đến Huế mùa nào đẹp nhất? (Ảnh: Internet).
Đến Huế mùa nào đẹp nhất? (Ảnh: Internet).

Mùa du lịch Huế từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, đẹp nhất là những tháng đầu năm, tiết trời mát mẻ. Với những du khách yêu núi, biển, thích ngắm bình minh và hoàng hôn, thời điểm nên đi là tháng 6-8 khi mặt trời đẹp nhất trong năm, nước biển xanh nhất.

Huế không hẳn có mùa khô, mà chỉ có mùa mưa và mùa ít mưa. Mùa ít mưa thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng nực và oi bức. Khoảng tháng 9 đến tháng 1 năm sau là mùa mưa, trời lạnh. Đặc biệt, từ tháng 10 đến tháng 11 cũng chính là mùa bão, mưa to tưởng như không dứt.

Mùa xuân kéo dài từ cuối tháng 1 đến tháng 3, thời tiết lúc này rất đẹp, trời có nắng nhẹ, đôi khi se se lạnh. Từ tháng 4 đến tháng 7, mùa hè nắng nóng. Huế vào hè có sắc vàng của hoa điệp, hồng của hoa đào; sắc tím của bằng lăng… Tháng 8, thành phố vào thu. Đây là mùa đẹp nhất trong năm.

Chuyến đi đến Huế 3 ngày 2 đêm của mình vào tháng 5 nên thời tiết khá là nóng. Vì vậy các bạn nhớ mang kem chống nắng, ô, nón, kính râm, áo khoác để chống lại cái nóng gay gắt của miền Trung nhé.

Huế có những điểm tham quan nào?

Cổng Ngọ Môn

Địa điểm tham quan đầu tiên của mình khi đến Huế là Cổng Ngọ Môn. Vì mình đã tham quan Kinh thành Đại Nội Huế vào chuyến đi lần trước nên lần này mình không tham quan nữa mà chỉ đứng ngoài ngắm nhìn vẻ đẹp và check in Cổng Ngọ Môn.

Ngọ Môn (Ảnh: Việt Đăng Di).
Ngọ Môn (Ảnh: Việt Đăng Di).

Ngọ Môn là công trình cổng chính tọa lạc ở phía Nam Hoàng thành. Công trình được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), là thời điểm triều Nguyễn quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Tại cổng Ngọ Môn Huế, vào năm 1945, đã diễn ra sự kiện vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao lại ấn kiếm cho cách mạng.

Ngọ Môn (Ảnh: Việt Đăng Di).
Ngọ Môn (Ảnh: Việt Đăng Di).

Công trình lịch sử Ngọ Môn Huế có ý nghĩa to lớn với lịch sử và văn hóa Việt Nam, không chỉ là một cổng chính ra vào của Hoàng Cung, mà còn là cả một tổng thể kiến trúc hoàn mỹ, nơi đây còn là lễ đài trong nhiều sự kiện nổi bật của triều đình nhà Nguyễn.

Chùa Thiên Mụ

Địa điểm tiếp theo trong chuyến đi của mình lần này là Chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa tọa lạc trên ngọn đồi Hạ Khuê – Thuộc địa phận làng An Ninh Thương, phường Kim Long, cách trung tâm TP Huế 5km về phía Tây.

Chùa Thiên Mụ (Ảnh: Việt Đăng Di).
Chùa Thiên Mụ (Ảnh: Việt Đăng Di).

Chùa chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong và đây cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất cố đô.

Phía trước chùa là dòng sông Hương thơ mộng. Với phong cảnh hữu tình nơi đây, Thiên Mụ là điểm dừng chân không thể bỏ qua với thực khách mỗi khi ghé thăm đất Huế.

Sông Hương thơ mộng (Ảnh: Việt Đăng Di).
Sông Hương thơ mộng (Ảnh: Việt Đăng Di).

Điểm nhấn nổi bật của chùa Thiên Mụ là tháp Phước Duyên. Tháp được xây dựng trước chùa với chiều cao 21m, gồm 7 tầng. Mỗi tầng đều có thờ tượng Phật, tầng trên cùng có tượng Phật bằng vàng. Tháp Phước Duyên là một công trình kiến trúc cốt yếu của chùa Thiên Mụ, nhìn từ xa chúng ta đã có thể thấy được.

Tháp Phước Duyên (Ảnh: Việt Đăng Di).
Tháp Phước Duyên (Ảnh: Việt Đăng Di).

Đến đây bạn sẽ được cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính, chìm đắm trong không gian yên tĩnh, thanh tịnh. Lưu ý các bạn nên mang trang phục lịch sự, nhã nhặn khi đến chùa.

Làng Hương Thủy Xuân

Làng hương Thủy Xuân nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam.

Làng hương Thủy Xuân (Ảnh: Việt Đăng Di).
Làng hương Thủy Xuân (Ảnh: Việt Đăng Di).

Theo những nghệ nhân kể lại, nghề làm hương đã xuất hiện tại đây từ khoảng từ 700 năm trước dưới thời nhà Nguyễn. Xưa kia, làng là nơi cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.

Làng hương Thủy Xuân (Ảnh: Việt Đăng Di).
Làng hương Thủy Xuân (Ảnh: Việt Đăng Di).

Khi đến đây, các bạn được miễn phí tham quan chụp ảnh. Cô chủ quán ở đây cực kì mến khách, cho chụp hình thoải mái, thậm chí cô còn cho mượn đạo cụ để chụp ảnh nữa. Các bạn nên mua nước ủng hộ cô hoặc những món đồ lưu niệm, tùy lòng hảo tâm của các bạn nhé. Các bạn sẽ thấy những bó hương của làng hương Thủy Xuân được sắp xếp ngay ngắn bung xòe đủ màu sắc. Chẳng cần phải diễn hay tạo dáng cầu kỳ gì mà cứ đứng vào là có ngay một album ảnh lung linh ngay.

Những chiếc tăm hương làm từ que tre nhỏ được vót nhọn và nhuộm thành nhiều màu sắc khác nhau làm bừng sáng cả một góc phố, cùng với màu nắng, màu mây trời lãng đãng trong xanh giữa mùa hè là phông nền vô cùng rực rỡ của những bức ảnh siêu xịn xò.

Quốc Học Huế

Trường Quốc Học Huế có địa chỉ tại số 12 đường Lê Lợi – TP Huế. Trường được thành lập vào năm 1896. Sau hơn 120 năm phát triển, cái tên của ngôi trường THPT chuyên Quốc Học đã không còn xa lạ đối với cả người dân địa phương cũng như du khách ghé thăm miền đất cố đô này.

Trường Quốc Học Huế (Ảnh: Việt Đăng Di).
Trường Quốc Học Huế (Ảnh: Việt Đăng Di).

Quốc Học Huế còn nổi tiếng bởi đây là ngôi trường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo học vào những năm đầu thế kỷ 20. Chính tại ngôi trường này, Người đã tiếp thu nhiều tri thức mới và được giác ngộ để trở thành một thanh niên trí thức yêu nước.

Trường nổi bật với tông màu sơn đỏ rực rỡ và những hàng cây cổ thụ xanh mướt quanh năm. Khuôn viên Quốc học Huế rất rộng nên bạn cứ thư thả đi dạo các hành lang, lớp học, sân trường, tham quan những kiến trúc Pháp xưa và chụp hình lưu niệm.

Trường Quốc Học Huế (Ảnh: Việt Đăng Di).
Trường Quốc Học Huế (Ảnh: Việt Đăng Di).

Thời điểm thích hợp để tham quan và chụp ảnh đó là sau 11h30 hoặc sau 17h lúc vắng học sinh. Trường có nhiều cây lớn rất mát mẻ, nếu đi vào sáng sớm có thể bị ngăn không cho vào vì trong giờ học của học sinh. Phí gửi xe vào trường là 5.000 đồng.

Sông Hương – Cầu Tràng Tiền

Sông Hương – Cầu Tràng Tiền Huế được xem là biểu tượng của cố đô Huế, mang đậm dấu ấn lịch sử qua bao thăng trầm của đất nước. Đây còn là điểm du lịch hấp dẫn thu hút mọi du khách khi đến Huế bởi vẻ đẹp duyên dáng, thơ mộng và một biểu tưởng khi đến với cố đô.

Sông Hương hay Hương Giang là con sông chảy qua thành phố Huế có chiều dài lên tới 80km. Con sông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn Đông. Dòng chính là Tả Trạch dài 67km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực Bạch Mã hướng Tây Bắc, qua thị trấn Nam Đông. Sau đó hợp với dòng Hữu Trạch dài 60km theo hướng Bắc qua ngã ba Bằng Lãng. Tại nơi hai dòng này gặp nhau tạo nên sông Hương.

Sông Hương (Ảnh: Việt Đăng Di).
Sông Hương (Ảnh: Việt Đăng Di).

Sông Hương là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Sông Hương uốn lượn bao quanh thành phố Huế, mang trong mình một vẻ đẹp thướt tha nhẹ nhàng như một cô thiếu nữ mới lớn. Nước sông Hương có màu xanh ngọc, nước trong. Ven sông là những công trình kiến trúc cổ kính, những hàng cây xanh mướt, những con thuyền chở khách thân thương,… góp một phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho dòng sông này.

Cầu Tràng Tiền còn được gọi là cầu Trường Tiền, cầu Thành Thái. Đây là cây cầu bắc ngang sông Hương nối liền bờ Nam phường Phú Hòa và bờ Bắc phường Phú Hợi. Cầu được khởi công vào tháng 5 năm 1899 và khánh thành vào ngày 18/12/1900. Cơ bản cầu có 6 vài, mỗi vài dài 66,66 mét. Mặt cầu rộng 4,5 m và có hai lề đường hai bên, mỗi bên rộng 0,75m.

Ca dao Huế có câu:

“Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp

Em qua không kịp tội lắm anh ơi

Mấy lâu ni mang tiếng chịu lời

Có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa.”

Cầu Tràng Tiền sở hữu nét đẹp cổ kính, bình yên rất riêng và ấn tượng. Đây chính là địa điểm tham quan và check in tuyệt đẹp mà không một ai có thể bỏ lỡ mỗi khi đến Huế. Buổi tối các bạn dạo ngắm thành phố Huế không thể nào rời mắt trước vẻ đẹp lung linh, huyền ảo khi Cầu Tràng Tiền lên đèn.

Lăng Khải Định

Ngày thứ 2 tại Huế, buổi sáng mình đến tham quan Lăng Khải Định, buổi chiều mình đến khám phá hồ Thủy Tiên.

Lăng Khải Định còn có tên gọi khác là Ứng Lăng. Nơi đây là 1 trong 7 hệ thống lăng tẩm đẹp nhất xứ Huế, và là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 – 1925). Lăng vua Khải Định nằm ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, tọa lạc trên núi Châu Chữ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km. Vé tham quan là 150.00đ/người.

Lăng Khải Định (Ảnh: Việt Đăng Di).
Lăng Khải Định (Ảnh: Việt Đăng Di).

Lăng Khải Định ở Huế được khởi công xây dựng từ năm 1920, quá trình xây dựng lăng tẩm đẹp bậc nhất xứ Huế này kéo dài trong 11 năm. Tuy lăng vua Khải Định ở Huế là lăng tẩm có diện tích nhỏ (117m × 48,5m), nhưng lại tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc nhất. Kiến trúc lăng có sự giao thoa của hai nền văn hoá Đông – Tây, phản ánh sở thích xa hoa của nhà vua lúc sinh thời.

Lăng Khải Định (Ảnh: Việt Đăng Di).
Lăng Khải Định (Ảnh: Việt Đăng Di).

Lăng Khải Định Huế lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt Nam với các nước phương Tây nổi bật một thời. Tổng thể lăng Khải Định Huế là một khối nổi hình chữ nhật, gồm có 127 bậc thang, qua 37 bậc đầu tiên là cổng Tam Quan, tiếp đến là Nghi Môn và sân Bái Đính, trên cao là hai tầng sân, mỗi tầng cách nhau 13 bậc, Cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất.

Lăng Khải Định (Ảnh: Việt Đăng Di).
Lăng Khải Định (Ảnh: Việt Đăng Di).

Hồ Thủy Tiên

Hồ Thủy Tiên tọa lạc trên ngọn đồi Thiên An, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía Tây Nam.

Hiện tại Hồ Thủy Tiên đóng cửa không cho khách vào tham quan. Tuy nhiên, các bạn có thể xin phép khéo bác bảo vệ thì sẽ được vào tham quan.

Hồ Thủy Tiên (Ảnh: Việt Đăng Di).
Hồ Thủy Tiên (Ảnh: Việt Đăng Di).

Công viên nước Hồ Thủy Tiên Huế được xây dựng từ năm 2000, đến tháng 6/2004 thì hoàn thành với nhiều hạng mục như khu thủy cung, hệ sinh thái, khu nhạc nước,…Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, công trình không đạt hiệu quả kinh doanh như mong muốn, buộc phải đóng cửa. Sau khi bị chuyển quyền đầu tư và quản lý, khu du lịch Hồ Thủy Tiên tại Huế trở thành công viên bỏ hoang trong một thời gian dài.

Hồ Thủy Tiên (Ảnh: Việt Đăng Di).
Hồ Thủy Tiên (Ảnh: Việt Đăng Di).

Đây là một trong những công viên nước bỏ hoang nổi tiếng nhất thế giới. Rất nhiều khách du lịch bụi tới Việt Nam biến nó thành điểm check-in độc đáo.

Khi đến đây, bạn sẽ có cảm giác rùng rợn đáng sợ vì công viên bị bỏ hoang đã lâu, cây cối mọc um tùm, xung quanh toàn rừng núi hoang vu, không một bóng người, chỉ lác đài vài du khách đến đây tham quan chụp ảnh. Ngoài ra lấp ló trong khu rừng thông là những lăng mộ nằm trên rải rác trên đồi tạo một cảm giác mạ mị rợn người.

Hồ Thủy Tiên (Ảnh: Việt Đăng Di).
Hồ Thủy Tiên (Ảnh: Việt Đăng Di).

Bước vào bên trong, Hồ Thủy Tiên bị bao phủ bởi các bức tranh tường graffiti nhiều màu. Đi vào tòa nhà, bước chân lên những bậc thang, len lõi vào những căn phòng đổ nát rất đáng sợ những cũng rất đáng để bạn trải nghiệm. Tuy đáng sợ như vậy nhưng nhiều du khách mê khám phá truyền tai nhau hồ Thủy Tiên có sức hút không tưởng, là điểm đến không nên bỏ lỡ khi ghé Huế.

Nhà thờ đá Phủ Cam

Nhà thờ Phủ Cam là một trong những địa danh nổi tiếng xứ cố đô với tuổi đời gần 400 năm. Nhà thờ đá Phủ Cam nằm ở số 1 đường Đoàn Hữu Trưng. Nhà thờ được xây dựng năm 1682. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhà thờ đá Phủ Cam vẫn giữ được cho mình vẻ đẹp cổ kính, tựa nét trời Âu.

Nhà thờ Phủ Cam (Ảnh: Việt Đăng Di).
Nhà thờ Phủ Cam (Ảnh: Việt Đăng Di).

Sở hữu lối kiến trúc phương Tây đầy cổ kính, nhà thờ Phủ Cam là điểm check-in cực hot của rất nhiều tín đồ đam mê du lịch.

Nhà thờ Phủ Cam (Ảnh: Việt Đăng Di).
Nhà thờ Phủ Cam (Ảnh: Việt Đăng Di).

Nhà thờ nằm trên đồi Phước Quả, chánh tòa và hai tháp chuông vươn lên trời cao rất bề thế, uy nghiêm. Vật liệu chính để xây dựng nên nhà thờ là đá thô được xếp hài hòa với nhau. Vì nhà thờ Phủ Cam là địa điểm tôn giáo nên bạn cần ăn mặc lịch sự, giữ yên tĩnh khi tham quan và chụp ảnh.

Vịnh Lăng Cô

Trên đường đi từ Huế đến Đà Nẵng, mình có ghé qua bãi tắm Lăng Cô. Đây là bãi biển nổi tiếng nằm dọc Quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn Quốc gia Bạch Mã 24km. Biển Lăng Cô là một bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn. Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân, phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã.

Bãi tắm Lăng Cô (Ảnh: Việt Đăng Di).
Bãi tắm Lăng Cô (Ảnh: Việt Đăng Di).

Ăn gì ở Huế?

Từ lâu ẩm thực Huế nổi tiếng đa dạng, tinh tế bởi người Huế quan niệm đồ ăn không chỉ ngon mà còn phải đẹp. Các món bạn nhất định phải thử khi du lịch Huế là bún bò, cơm hến, bánh canh, các loại chè, bánh mì… Mỗi món ăn chơi như chè, bánh mì chỉ từ 7.000 – 20.000 đồng một suất, các món ăn no như bún bò, cơm hến, bánh canh,… có giá từ 30.000 đồng một suất. Vì đồ ăn Huế rẻ và ngon nên bạn chỉ cần dắt túi 100.000 – 300.000 đồng là có thể ăn no nê trong ngày.

Món ăn ở Huế (Ảnh: Việt Đăng Di).
Món ăn ở Huế (Ảnh: Việt Đăng Di).

Vì chuyến đi của mình khá ngắn nên chỉ tham quan khám phá những địa điểm nổi bật ở Huế. Ngoài ra, Huế còn có rất nhiều địa điểm thú vị khác như Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã, đồi Thiên An, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, Chùa Từ Hiếu, Cung An Định, đầm Lập An,… Mình hy vọng lần tới mình sẽ có nhiều thời gian hơn để khám phá những địa điểm còn lại. Trên đây là những chia sẻ của mình trong chuyến đi khám phá Huế 3 ngày 2 đêm. Nếu các bạn thấy một vẻ đẹp rất thơ mộng và lãng mạn như mình thì lên kế hoạch khám phá vùng đất cố đô ngay nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Gợi ý các bảo tàng ở Hà Nội - điểm đến đặc biệt cho người yêu văn hóa Việt Nam

Các bảo tàng ở Hà Nội, bạn đã đặt chân đến những đâu rồi? Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn danh sách những bảo tàng Nghệ thuật - Văn hoá - Xã hội ở Hà Nội mà ngay cả người Hà thành, không phải ai cũng đã từng đặt chân đến. Ở đấy, bạn có thể thư ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận