Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỉ nhưng kí ức về những năm tháng đạn bom máu lửa vẫn còn đó. Minh chứng rõ nét nhất chính là những di tích lịch sử, nơi giúp cho thế hệ trẻ sau này biết được về những trang sử hào hùng của cha ông ta. Hôm nay hãy cùng theo chân mình khám phá một trong những công trình ngầm dưới lòng đất rất nổi tiếng này nhé! Đó là địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị.

Địa đạo Vịnh Mốc ở đâu?

Địa đạo Vịnh Mốc tọa lạc tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Địa đạo cách quốc lộ 1A khoảng 10km và cách trung tâm thành phố Đông Hà 35km. Trên con đường rợp bóng tre xanh ngát nhưng không ai biết được ngay dưới chân chúng ta đang đứng lại là một hệ thống địa đạo mang tầm cỡ thế giới được xây dựng bởi quân và dân Vĩnh Linh trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Ít ai biết rằng bên dưới bóng tre xanh kia là một hệ thống đường hầm (Ảnh: Việt Đăng Di).
Ít ai biết rằng bên dưới bóng tre xanh kia là một hệ thống đường hầm (Ảnh: Việt Đăng Di).
  • Vé tham quan địa đạo là 50.000đ/người.
  • Giờ mở cửa: 7:00 – 17:00 hằng ngày

Ngay cổng vào là những kiot bán hàng lưu niệm của người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách. Khi mình đến đây thì có một cô đề nghị cho mình mượn đèn pin để đi vào tham quan vì bên trong địa đạo khá tối, có một số chỗ không thể nhìn thấy rõ mặc dù bên trong đã được lắp đèn.

Vé tham quan địa đạo (Ảnh: Việt Đăng Di).
Vé tham quan địa đạo (Ảnh: Việt Đăng Di).

Những điều thú vị về Địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo gồm 2 khu vực đó là hệ thống hầm dưới lòng đất và bảo tàng trưng bày ở trên mặt đất.

Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong khoảng 2 năm, từ năm 1965 đến 1967. Đây là một hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng đất với chức năng chính là nơi ẩn náu của quân và dân Vĩnh Linh trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ.

Cửa số 5 (Ảnh: Việt Đăng Di).
Cửa số 5 (Ảnh: Việt Đăng Di).

Bước chân vào lòng địa đạo là một cảm giác mát lạnh. Sẽ là một thử thách lớn nếu bạn là một người sợ bóng tối và sợ không gian hẹp. Bên trong địa đạo bạn sẽ không bị ngạt thở vì thiếu ô xi bởi vì địa đạo được thiết kế đảm bảo thông hơi, thông khí một cách an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho hàng trăm người sinh hoạt và chiến đấu dưới lòng đất. Đi sâu vào lòng địa đạo, dưới ánh đèn chiếu đủ sáng, du khách nhìn thấy rõ màu đất đỏ của vùng đất huyền thoại cũng như nơi ở và sinh hoạt trong địa đạo.

Bên trong hầm địa đạo (Ảnh: Việt Đăng Di).
Bên trong hầm địa đạo (Ảnh: Việt Đăng Di).

Địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 địa đạo chính nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn với tổng chiều dài trên 1700m. Địa đạo được cấu trúc 3 tầng, trong đó tầng trên cùng sâu 8-10m, tầng thứ 2 sâu 12-15m, tầng thứ ba sâu 23m; các tầng này và các nhánh được kết nối với nhau qua trục chính dài 780m.

Hội trường trong địa đạo (Ảnh: Việt Đăng Di).
Hội trường trong địa đạo (Ảnh: Việt Đăng Di).

Trong địa đạo có không gian sinh sống của người dân, kho vận vũ khí đạn dược – lương thực, cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng (hội trường, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm thông tin…). Toàn bộ hệ thống có 13 cửa ra vào gồm 7 cửa thông ra biển, 6 cửa đi lên đồi và 3 giếng thông hơi.

Cổng hướng ra biển (Ảnh: Việt Đăng Di).
Cổng hướng ra biển (Ảnh: Việt Đăng Di).

Các cửa hầm có cột gỗ để chống sập và sụt lở, được ngụy trang kín đáo, chếch theo hướng gió, đảm bảo thông thoáng. Mặt bằng của đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được đào cao hơn 5m so với mực nước biển, nghiêng từ 8–120 độ từ Nam về Bắc, từ Tây sang Đông để nước dễ thoát, không bị đọng lại trong địa đạo, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra được bình thường kể cả vào mùa mưa. Nhờ đó mà đất sét trong hầm ngày càng cứng hơn khiến cấu trúc địa đạo Vịnh Mốc vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Cửa số 13 (Ảnh: Việt Đăng Di).
Cửa số 13 (Ảnh: Việt Đăng Di).

Đây là công trình được tạo dựng bằng sức lực và trí tuệ của quân và dân Vịnh Mốc, với 18.000 ngày công. Trong mưa bom bão đạn họ đã đào và vận chuyển 6000m³ đất đá để hoàn thành nên công trình kỳ vĩ và đặc biệt này.

Bảng tin (Ảnh: Việt Đăng Di).
Bảng tin (Ảnh: Việt Đăng Di).

Có thể nói rằng địa đạo Vịnh Mốc chính là một ngôi làng dưới mặt đất với các công trình như giếng nước sinh hoạt, kho gạo, bếp Hoàng Cầm, trạm gác, trạm đặt máy điện thoại, bệnh xá, phòng phẫu thuật, nhà hộ sinh, nhà tắm… Đặc biệt, dọc hai bên đường hầm khoét sâu 1,8m và rộng 0,8m thành những ô nhỏ, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3 – 4 người có thể sinh hoạt được. Bên trong hầm còn có một hội trường dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim với sức chứa lên đến hơn 50 người. Trong suốt thời gian sống trong lòng địa đạo, người dân Vịnh Mốc không một ai bị thương và 17 em bé đã chào đời,…

Phòng hộ sinh (Ảnh: Việt Đăng Di).
Phòng hộ sinh (Ảnh: Việt Đăng Di).

Địa đạo đã chở che, bảo toàn mạng sống cho người dân Vịnh Mốc. Hơn thế, người dân nơi đây còn sống và chiến đấu, đánh giặc ngay trên quê hương của mình; tập kết vận chuyển vũ khí lương thực, cấp cứu thương binh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ… Trong gần 2000 ngày đêm trong lòng địa đạo, quân và dân Vịnh Mốc nói riêng cũng như Vĩnh Linh đã tạo nên một huyền thoại. Đó là huyền thoại về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người.

Vỏ bom đạn trong thời kì chống Mỹ (Ảnh: Việt Đăng Di).
Vỏ bom đạn trong thời kì chống Mỹ (Ảnh: Việt Đăng Di).

Địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND. Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 01/7/2015, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Hệ thống địa đạo Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc. Hiện nay, Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn thu hút đông đảo khách nước ngoài khi đến thăm Quảng Trị.

Cách đó không xa là hai di tích lịch sử nổi tiếng không kém, đó là cầu Hiền Lương và cột cờ sông Bến Hải. Đây là hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Các bạn có thể kết hợp đến tham quan hai di tích này.

Cầu Hiền Lương (Ảnh: Việt Đăng Di).
Cầu Hiền Lương (Ảnh: Việt Đăng Di).
Cột cờ sông Bến Hải (Ảnh: Việt Đăng Di).
Cột cờ sông Bến Hải (Ảnh: Việt Đăng Di).

Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha ông ta trong những năm kháng chiến. Đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, các bạn sẽ cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Còn chờ gì nữa mà không lên kế hoạch khám phá Địa danh lịch sử nổi tiếng ngay thôi nào!

Tác giả: Việt Đăng Di

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Khám phá 8 cánh đồng lúa đẹp nhất của mọi miền đất nước Việt Nam

Từ tháng 9 đến tháng 10 là khoảng thời gian của mùa lúa chín ở Việt Nam. Bạn đã lên kế hoạch cho chuyến đi leo núi của mình chưa? Hãy cùng BlogAnChoi ngắm nhìn 8 cánh đồng đẹp nhất Việt Nam nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
5 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
User ca435457

10 điểm cho bạn mình

User ca435457

10 điểm nha

henryphamkm46

Rất đẹp. Mình sẽ lên kế hoạch đi

henryphamkm46

Rất đẹp! Mình sẽ lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới.