Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi thế giới một cách mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhưng không phải tất cả đều là tích cực. Các công cụ AI như ChatGPT giúp ích rất nhiều cho con người nhưng có một số lý do khiến bạn nên thận trọng khi sử dụng AI để tìm kiếm thông tin, hãy cùng xem đó là gì nhé.

Trí tuệ nhân tạo mang đến nhiều cơ hội mới trong nhiều lĩnh vực, nhưng không thể bỏ qua thực tế là AI đang thiếu nền tảng đạo đức cũng như cơ chế kiểm tra tính xác thực để định hướng quá trình hoạt động của chúng. Đó là lý do phải luôn cẩn thận với kết quả của AI, thậm chí một số công cụ AI có thể tạo thông tin sai lệch hoặc hiểu sai ngữ cảnh, khi đó nếu tin tưởng một cách mù quáng sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

1. AI có thể trả lời sai trầm trọng

Ngày càng có nhiều người sử dụng các chatbot AI để hỗ trợ cho công việc của mình như viết lách, xếp lịch các cuộc hẹn và thậm chí đưa ra các quyết định quan trọng. Tuy nhiên sự tiện lợi của những chatbot này thường đi kèm với nguy cơ đáng kể: chúng có thể sai trầm trọng.

Để minh họa điều này, hãy thử hỏi ChatGPT về cuốn sách đầu tiên được viết ra để dạy học Python. Dưới đây là câu trả lời của nó:

Câu trả lời đầu tiên là sai, và khi được nhắc nhở thì ChatGPT đã nhanh chóng tự sửa lỗi. Mặc dù ChatGPT đã thừa nhận sai lầm của mình nhưng điều này cho thấy AI đôi khi có thể đưa ra câu trả lời sai hoàn toàn.

Các chatbot AI có lượng thông tin hạn chế nhưng được lập trình để trả lời theo một trong hai cách: dựa vào dữ liệu mà chúng đã được huấn luyện hoặc dựa trên tương tác của người dùng với máy. Nếu AI từ chối trả lời một câu hỏi nào đó thì nó không thể học được điều mới cũng như tự sửa lỗi, đó là lý do khiến AI đôi khi trả lời sai một cách tự tin, vì nó học hỏi từ những sai lầm đó.

Hiện tại đây chỉ là bản chất tự nhiên của AI, nhưng về lâu dài có thể trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng. Hầu hết mọi người không có thói quen kiểm tra tính xác thực của thông tin trên Google và cũng tương tự với các chatbot như ChatGPT, từ đó có thể dẫn đến thông tin sai lệch lan truyền. Đã có rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra trong thực tế.

2. AI có thể tạo thông tin sai lệch

AI có thể mắc sai sót là điều không bất ngờ, nhưng một trong những đặc điểm khó nhận biết của chúng là xu hướng thao túng thông tin: AI không hiểu biết rõ về câu hỏi nên sẽ bẻ cong sự thật cho phù hợp để tạo ra câu trả lời của nó.

Đây chính xác là điều đã xảy ra với Bing Chat của Microsoft. Một người dùng trên Twitter đã hỏi lịch chiếu của phần phim Avatar mới, nhưng chatbot này từ chối trả lời và nói rằng bộ phim vẫn chưa được phát hành.

Nhiều người cho rằng đây là lỗi nhỏ tình cờ, nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng các công cụ AI hiện nay vẫn chưa đạt đến mức hoàn hảo và chúng ta nên cực kỳ thận trọng khi sử dụng chúng.

3. AI có thể cản trở tính sáng tạo của người dùng

Nhiều người làm việc trong các lĩnh vực như viết lách và thiết kế hiện nay đang sử dụng AI để hỗ trợ công việc hiệu quả hơn. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là nên coi AI như một công cụ chứ không phải thay thế con người hoàn toàn. Lệ thuộc vào AI có thể ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sáng tạo của bạn.

Nhiều người sử dụng chatbot AI để làm thay công việc cho mình bằng cách copy và paste nội dung của AI thay vì tự tạo ra ý tưởng độc đáo của riêng mình. Cách làm này có vẻ rất hay vì giúp tiết kiệm thời gian và công sức, nhưng thực ra lại không kích thích được trí óc và thúc đẩy tư duy sáng tạo.

Ví dụ các nhà thiết kế có thể sử dụng công cụ AI Midjourney để vẽ tranh nghệ thuật, nhưng lệ thuộc vào nó sẽ làm giảm sức sáng tạo. Thay vì tự khám phá những ý tưởng mới, chúng ta chỉ biết sao chép các thiết kế do AI tạo ra. Tương tự, những người làm nghề viết có thể sử dụng ChatGPT hoặc các chatbot AI khác để nghiên cứu và tìm kiếm thông tin, nhưng nếu lệ thuộc vào nó để tạo nội dung thì kỹ năng viết sẽ ngày càng đi xuống.

4. AI có thể bị lợi dụng vào mục đích xấu

Trí tuệ nhân tạo đã mang đến nhiều bước đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng giống như bất kỳ công nghệ nào khác, AI có nguy cơ bị lợi dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều lo ngại về việc AI trở thành công cụ để quấy rối, lừa đảo và đe dọa, ví dụ như tạo ra các cuộc tấn công deepfake và DoS.

Công nghệ deepfake sử dụng AI để tạo ra hình ảnh giống người thật là một xu hướng đáng lo ngại. Tội phạm mạng cũng đang thực hiện tấn công DoS do AI điều khiển để ngăn người dùng truy cập vào một số mạng nhất định. Các cuộc tấn công như vậy ngày càng phức tạp và khó ngăn chặn vì chúng thể hiện các đặc điểm giống như hành vi của con người.

Các khả năng của AI được công khai dưới dạng thư viện mã nguồn mở cho phép bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với các công nghệ như nhận dạng hình ảnh và khuôn mặt. Điều này đặt ra nguy cơ an ninh mạng đáng lo ngại vì tội phạm khủng bố có thể sử dụng các công nghệ này để tiến hành các cuộc tấn công.

5. AI không hiểu rõ về ngữ cảnh

Như đã nêu trên, AI có hiểu biết về ngữ cảnh rất hạn chế, đây có thể là một vấn đề lớn trong việc ra quyết định và giải quyết vấn đề. Ngay cả khi bạn cung cấp thông tin theo ngữ cảnh thì AI vẫn có thể bỏ sót những chi tiết nhỏ và đưa ra câu trả lời không chính xác hoặc không đầy đủ, có thể dẫn đến kết luận hoặc quyết định sai lầm.

Điều này là do AI hoạt động bằng các thuật toán được lập trình sẵn dựa trên các mô hình thống kê và nhận dạng mẫu để phân tích và xử lý dữ liệu. Ví dụ một chatbot được lập trình để hỗ trợ giải đáp thắc mắc của khách hàng về sản phẩm, nó có thể trả lời các câu hỏi cơ bản về tính năng và thông số kỹ thuật của sản phẩm nhưng sẽ gặp khó khăn khi đưa ra lời khuyên hoặc gợi ý dựa trên nhu cầu và sở thích riêng của từng khách hàng.

6. AI không thể đưa ra quyết định thay cho con người

Khi tìm câu trả lời cho những câu hỏi phức tạp hoặc đưa ra quyết định dựa trên sở thích chủ quan, nếu dựa vào AI thì có thể mắc sai lầm. Ví dụ như yêu cầu AI định nghĩa khái niệm “tình yêu” hoặc lựa chọn một trong hai phương án dựa trên tiêu chí chủ quan của người dùng có thể dẫn tới kết quả vô nghĩa. Lý do là vì AI không có khả năng hiểu cảm xúc của con người cũng như ngữ cảnh và các yếu tố khác cần thiết để hiểu và diễn giải các khái niệm đó.

Ví dụ: nếu bạn yêu cầu AI chọn một trong hai cuốn sách thì nó có thể đề xuất cuốn sách được xếp hạng cao hơn, nhưng nó không thể cân nhắc sở thích cá nhân của bạn hay mục đích mà bạn cần cuốn sách đó. Trái lại, một người am hiểu về sách có thể đánh giá cuốn sách mang tính cảm xúc và cá nhân hóa nhiều hơn, cân nhắc các yếu tố như giá trị văn học, phù hợp với sở thích của người đọc và các yếu tố chủ quan khác không thể đo lường một cách khách quan.

Tóm lại: Hãy cẩn thận với trí tuệ nhân tạo

AI đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải hiểu được những hạn chế của nó. Tin tưởng AI một cách mù quáng có thể dẫn đến rủi ro và gây ra hậu quả nghiêm trọng vì công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và còn lâu mới đạt đến hoàn hảo.

Cần nhớ rằng AI là một công cụ chứ không thể thay thế hoàn toàn để làm việc và ra quyết định cho con người. Do đó chỉ nên sử dụng AI như một cách hỗ trợ để tìm thông tin chứ không nên dựa vào nó để đưa ra quyết định quan trọng. Hãy sử dụng AI một cách có trách nhiệm để giữ an toàn cho bản thân.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Kính Vision Pro - Tương lai đầy tham vọng của nhà Táo trong mảng thực tế ảo

Apple đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi ra mắt kính Vision Pro - thiết bị thực tế ảo tăng cường (AR) tại sự kiện WWDC 2023 vừa qua. Đây là sản phẩm được đồn đoán từ lâu và xứng đáng với mong đợi của những người hâm mộ nhà Táo. Tuy nhiên, với mức giá khá cao là ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận