Game Axie Infinity là cái tên đang gây sốt giới công nghệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp toàn cầu, và không chỉ gây tiếng vang trong làng game mà còn thu hút sự chú ý của những người hứng thú với tiền điện tử. Nhưng liệu game này có “dễ xơi” thật không? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu vài điều cơ bản về cơn sốt Axie Infinity nhé!

Axie Infinity và game kiếm tiền là gì?

Mục tiêu cuối cùng của các trò chơi điện tử luôn là để giải trí. Dù là Space Invaders, Sonic hay Red Dead Redemption, bạn chỉ việc nhấn nút Start và thực hiện nhiệm vụ trong game cho đến khi kết thúc – và sau đó nếu thích bạn có thể làm lại tất cả từ đầu.

Các game truyền thống đều nhắm tới mục tiêu giải trí đơn thuần (Ảnh: Internet).
Các game truyền thống đều nhắm tới mục tiêu giải trí đơn thuần (Ảnh: Internet).

Nhưng ngày nay chúng ta đang chứng kiến một hình thức mới xuất hiện, trong đó chơi game cũng là một cơ hội đầu tư và thậm chí có thể trở thành một cách kiếm sống thực sự. Những trò chơi theo kiểu “play to earn” như Axie Infinity và The Sandbox đã ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.

Axie Infinity đang gây sốt trên khắp thế giới (Ảnh: Internet).
Axie Infinity đang gây sốt trên khắp thế giới (Ảnh: Internet).

Điểm chung giữa chúng với các tựa game kinh điển trước đây là xây dựng nên các hệ sinh thái kinh tế phức tạp. Ví dụ như trong game bom tấn Elite hồi những năm 1980, người chơi sẽ di chuyển từ hành tinh này sang hành tinh khác, cố gắng tăng credit của mình bằng cách mua bán những thứ như vũ khí và hàng hóa.

Hay như trong game mô phỏng đời thực The Sims, người chơi có thể mua mọi thứ từ pizza đến nhà cửa bằng loại “tiền” được gọi là Simoleon.

Nhưng trong các game đời cũ này, tiền của game hoàn toàn không có giá trị ngoài đời thực. Cũng đã xuất hiện những game như World of Warcraft với một “thị trường” để trao đổi các vật phẩm và nhân vật trong game. Nhưng hiện nay các game “play to earn” đã đưa hoạt động này lên một tầm cao mới. Vậy những trò chơi này vận hành như thế nào, và chúng sẽ tiếp tục phát triển ra sao?

Có nhiều cách khác nhau để người chơi kiếm tiền từ game (Ảnh: Internet).
Có nhiều cách khác nhau để người chơi kiếm tiền từ game (Ảnh: Internet).

Cơ chế kiếm tiền của Axie Infinity

Đang dẫn đầu trong cuộc cách mạng “chơi để kiếm tiền” này là Axie Infinity, một game theo phong cách Pokémon do nhà phát triển Sky Mavis của Việt Nam sáng tạo. Hiện game này có khoảng 350.000 người dùng hoạt động hằng ngày, khoảng 40% trong số đó đến từ Philippines, còn Venezuela và Mỹ là hai thị trường xếp sau.

Trò chơi này xoay quanh những sinh vật dễ thương gọi là Axie được người chơi nhân giống, thu nhận, huấn luyện và sử dụng để hoàn thành các thử thách và chiến đấu với nhau online. Mục tiêu của game thủ là kiếm thật nhiều lọ “tình dược” (Small Love Potion – SLP), có thể được dùng để tạo ra các Axie mới mà người chơi tiếp tục sử dụng sau này.

SLP sẽ đóng vai trò là một loại tiền điện tử có thể được mua bán trên sàn giao dịch dành riêng cho nó. Những người chơi giỏi nhất được cho là có thể kiếm được 1500 SLP mỗi ngày (khoảng 435 USD theo tỷ giá hiện nay). Mặc dù tỷ giá SLP so với đô la Mỹ liên tục thay đổi nhưng nhìn chung thì nó đã tăng kể từ năm 2020.

Bản thân các Axie cũng có thể được giao dịch trong đời thực dưới dạng NFT (token không thể thay thế). NFT là các “vật phẩm” kỹ thuật số tồn tại trên hệ thống trực tuyến được gọi là blockchain và gần đây đã được biết đến nhiều hơn nhờ các vụ mua bán đình đám trong giới nghệ thuật.

Cũng như Axie, các vật phẩm khác trong trò chơi như bất động sản, hoa, thùng gỗ và đèn đều có thể giao dịch dưới dạng NFT. Tất cả chúng đều được mua và bán bằng Ethereum, đồng tiền điện tử lớn thứ hai sau Bitcoin.

Đây là một cải tiến đáng kể so với các phiên bản tiền nhiệm như World of Warcraft, trong đó giao dịch vàng và tài sản trong game diễn ra trên các trang đấu giá không liên kết và là lý do khiến chúng bị cấm trong một thời gian dài. Bằng cách hoạt động trên một thị trường chuyên dụng là NFT và blockchain, giao dịch của Axie Infinity và các game tương tự sẽ an toàn hơn và giúp cho người chơi thực sự sở hữu các vật phẩm như mong muốn.

Axie đắt nhất từ ​​trước đến nay có tên là Angel được bán với giá 300 ETH vào cuối năm 2020, tức khoảng 120.000 USD tại thời điểm đó. Trong khi đó, một phần bất động sản trong game này đã đạt mức giá 1,5 triệu USD hồi đầu năm 2021. Khối lượng giao dịch hàng tháng cho tất cả các NFT trong Axie Infinity hiện ở mức 170 triệu USD.

Axie Angel có giá bán cao nhất từ trước đến nay - 300 ETH (Ảnh: Internet).
Axie Angel có giá bán cao nhất từ trước đến nay – 300 ETH (Ảnh: Internet).

Ngoài ra còn có một loại tiền điện tử khác liên quan đến trò chơi này được gọi là Axie Infinity shard (AXS). Các nhà đầu tư sở hữu AXS có quyền bỏ phiếu bầu trong việc quản lý hệ sinh thái của trò chơi và cũng có thể sử dụng phiếu bầu đó để nhận được một phần ngân quỹ cộng đồng. AXS cũng đã chứng kiến ​​mức tăng ấn tượng gần đây, khoảng 600% chỉ trong vài tuần. Đây là đồng tiền điện tử trong game lớn nhất trên thị trường hiện nay.

Vậy nếu bạn đã cảm thấy hứng thú với tựa game “làm chơi ăn thật” do chính người Việt Nam sáng tạo này, thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: Liệu có nên đầu tư vào nó hay không? Ngay sau đây hãy tìm hiểu một vài thông tin cơ bản để đưa ra quyết định sáng suốt nhé!

1. Axie Infinity là một game giúp bạn vừa chơi vừa kiếm được tiền

Đồ họa của game đơn giản nhưng đẹp mắt (Ảnh: Internet).
Đồ họa của game đơn giản nhưng đẹp mắt (Ảnh: Internet).

Chơi để kiếm tiền (play to earn) là một hình thức chơi game tương đối mới nhưng ngày càng trở nên phổ biến và được yêu thích. Khi tham gia vào các game kiểu này, người chơi sẽ kiếm được token (một loại mã xác nhận) đại diện cho quyền sở hữu tiền điện tử, sau đó họ có thể giao dịch token trên các sàn hoạt động theo hình thức phi tập trung để đổi lấy tiền thật.

Trong Axie Infinity, người chơi sở hữu những con thú ảo dễ thương được gọi là Axie. Mỗi Axie về bản chất là một token không thể thay thế (non-fungible token – NFT), hay có thể hiểu đó là một vật phẩm kỹ thuật số duy nhất, không có bản sao. Người chơi có thể lai tạo các con thú của mình và cho chúng chiến đấu với Axie của người khác cũng như hoàn thành các nhiệm vụ.

Thế giới trong game của các Axie (Ảnh: Internet).
Thế giới trong game của các Axie (Ảnh: Internet).

Trong trò chơi này có cả một nền kinh tế – một thế giới được gọi là Lunacia. Người chơi có thể sử dụng các loại token trong game là SLP và AXS để mua thêm đất đai, trang trại hoặc nhân giống các Axie trong Lunacia. Và vì các token cũng có giá trị nên game thủ có thể sử dụng chúng để tiêu dùng trong đời thực.

AXS là một trong số ít các loại tiền điện tử có mức tăng giá đáng kể trong những tháng gần đây. Độ hot đến mức gây sốt của nó đã khiến nhiều nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền thật vào để mua tiền ảo.

2. Axie Infinity không phải là game kiếm tiền duy nhất trên thị trường hiện nay

Nếu bạn đang cân nhắc mua AXS, thì hãy lưu ý rằng những game tiền ảo khác có thể làm cơn sốt này bị hạ nhiệt trong tương lai không xa. Điều khiến Axie trở nên khác biệt là các tác giả của nó đã dành nhiều năm để phát triển sản phẩm và xây dựng cộng đồng của mình. Dự án này bắt đầu khởi động từ năm 2017 và chỉ mới được trình làng gần đây, do đó nhóm tác giả tin rằng sẽ khó có đối thủ nào bắt chước được sản phẩm của họ.

Các tác giả của Axie Infinity (Ảnh: Internet).
Các tác giả của Axie Infinity (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên công nghệ blockchain hiện nay đang phát triển rất nhanh chóng, và mỗi khi có một đồng tiền ảo nào đó thành công là dường như lại xuất hiện vài phiên bản khác sao chép nó. Với bất kỳ loại tiền điện tử nào, luôn có nguy cơ rằng một thứ gì đó tốt hơn sẽ nhanh chóng thay thế nó trong tương lai.

3. Axie Infinity đang kiếm được doanh thu rất lớn so với các ứng dụng hàng đầu khác

Theo dữ liệu từ Token Terminal, Axie Infinity đã thu được gần 90 triệu USD trong 30 ngày qua. Tại thời điểm của bài viết này, 10 ứng dụng hàng đầu khác trong danh sách của Token Terminal có tổng trị giá khoảng 41 triệu USD.

Thống kê doanh thu của các ứng dụng, theo Token Terminal (Ảnh: Internet).
Thống kê doanh thu của các ứng dụng, theo Token Terminal (Ảnh: Internet).

Doanh thu của AXS đến từ các giao dịch mua trong trò chơi, chẳng hạn như mua đất. Hệ thống của game sẽ tính phí 4,25% khi người chơi mua bán các con thú ảo, và cũng tính phí khi nhân giống chúng. Đáng chú ý là 95% doanh thu của game sẽ được chuyển về lại cho người chơi. Đó là lý do khiến nhiều người ở các nước đang phát triển đang dành rất nhiều “tâm huyết” cho game này.

Tuy nhiên có một điều cần nhớ: tiền điện tử không phải là cổ phiếu. Khi mua cổ phiếu của một công ty tạo ra doanh thu lớn, bạn có thể nhận được một phần lợi nhuận thông qua cổ tức. Còn nếu mua AXS, bạn sẽ không sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp nào cả. Cách chủ yếu mà bạn có thể kiếm được tiền từ game là thông qua sự tăng giá của token.

4. Mua bán các vật phẩm trong Axie cũng có thể mang lại lợi nhuận

Hồi tháng 2 năm 2021, một người chơi đã chi số tiền ảo 888,25 ETH (trị giá khoảng 1,5 triệu USD vào thời điểm đó) để mua 9 lô đất trong Axie Infinity. Theo trang CoinDesk thì đây là vụ mua bán NFT lớn nhất được ghi nhận ở thời điểm đó.

Các Axie được định giá theo ETH (Ảnh: Internet).
Các Axie được định giá theo ETH (Ảnh: Internet).

Đến nay trên thị trường NFT đã xuất hiện thêm ​​một loạt các thương vụ trị giá hàng triệu USD, bao gồm cả dòng tweet đầu tiên của Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey được bán với giá gần 3 triệu USD. Điều này càng nhấn mạnh thêm rằng token không phải là cách duy nhất để đầu tư vào Axie Infinity – việc sở hữu các con thú và đất đai “ảo” cũng có thể mang lại lợi nhuận cho những người đang muốn lao vào Lunacia.

5. Bạn cần bỏ ra một số tiền kha khá mới được tham gia vào trò chơi

Nếu là một nhà đầu tư muốn kiếm lời dễ dàng thì bạn có thể tính đến việc mua token và chờ đợi chúng tăng giá về lâu dài. Tuy nhiên Axie Infinity không hướng đến các nhà đầu tư như vậy – trên thực tế đây là một cộng đồng được tạo ra dành cho những người thực sự nắm giữ token tham gia vào.

Và sự tham gia đó có thể khá tốn kém. Để bắt đầu với Axie Infinity, người chơi cần mua (hoặc mượn) 3 con thú Axie với giá từ 190 USD, mặc dù mức trung bình hiện tại là khoảng 350 USD và những con Axie cấp cao hoặc quý hiếm còn có giá cao hơn rất nhiều.

Axie có thể tăng giá rất nhanh (Ảnh: Internet).
Axie có thể tăng giá rất nhanh (Ảnh: Internet).

Một mặt trái trong thành công của Axie Infinity là giá của Axie đã tăng vọt. Trước đây người chơi có thể bắt đầu chỉ với 5 đến 10 USD, nhưng hiện tại mức giá tối thiểu cho một con Axie là khoảng 200 USD, vì vậy game thủ cần bỏ ra 600 USD để bắt đầu chơi. Ngoài ra Axie chỉ có thể sinh sản tối đa 7 lần trước khi bị “vô sinh”.

Và thêm một lưu ý nữa: bạn cần có 2 ví điện tử và một lượng tiền ảo ETH (Ethereum) mới có thể mua Axie và bắt đầu chơi.

6. Rất nhiều người đang nghỉ việc để chơi Axie

Theo bản tin Cryptoday trên Substack, người chơi trung bình có thể kiếm được khoảng 4.500 SLP mỗi tháng, với tỷ giá hiện nay thì tương đương khoảng 1500 USD.

Trò chơi này vừa cần nhiều thời gian lại vừa mang tính chiến thuật. Người chơi không chỉ phải nhân giống Axie một cách cẩn thận để phát triển các kỹ năng đặc biệt của chúng, mà còn phải hoàn thành các nhiệm vụ để kiếm năng lượng cho phép tham gia sâu hơn vào trò chơi.

Axie đang thu hút rất nhiều người quan tâm trên khắp thế giới do tiềm năng lợi nhuận khổng lồ (Ảnh: Internet).
Axie đang thu hút rất nhiều người quan tâm trên khắp thế giới do tiềm năng lợi nhuận khổng lồ (Ảnh: Internet).

Đó là lý do một số người chơi ở các nước như Việt Nam và Philippines đang nghỉ công việc hằng ngày của mình để đầu tư cho Axie. Trên thực tế game này đã giúp nhiều người vượt qua khó khăn kinh tế liên quan đến đại dịch, mặc dù hầu hết mọi người chỉ coi nó là một khoản thu nhập phụ chứ không phải công việc hằng ngày.

7. Giá trị của Axie đã biến động rất mạnh trong thời gian gần đây

Từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7 năm 2021, AXS đã tăng giá hơn 600%. Mức giá đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại là 29,13 USD vào ngày 15/7, trước khi giảm xuống còn 14,19 USD vào ngày 20/7. Tại thời điểm của bài viết này, AXS đang tăng giá trở lại.

Biến động giá của AXS trong năm 2021 (Ảnh: Internet).
Biến động giá của AXS trong năm 2021 (Ảnh: Internet).

Tất cả các loại tiền điện tử đều biến động rất thất thường, và những đợt tăng giá mạnh thường được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nhận thấy đồng tiền ảo đang tăng giá và muốn chớp thời cơ “chơi lớn” để kiếm lời. Do đó nếu muốn thử sức với Axie thì bạn hãy xem xét tiềm năng lâu dài của nó và nghiên cứu thật kỹ trước khi xuống tiền nhé.

8. Bạn không thể mua Axie trên các sàn giao dịch lớn chính thống

Hiện tại AXS và SLP chưa có mặt trên các sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu của thế giới, tức là chúng không dễ mua. Bạn có thể sử dụng các sàn giao dịch phi tập trung, nhưng hãy cẩn thận vì không phải lúc nào chúng cũng mở cửa cho mọi nhà đầu tư.

Mua bán trên một sàn giao dịch không được kiểm soát cũng làm tăng nguy cơ gian lận và tài khoản của bạn có thể bị đóng băng nếu cơ quan chức năng thanh tra các sàn giao dịch tiền điện tử.

Tổng kết: Tương lai sẽ thuộc về các game kiếm tiền?

Bên cạnh Axie Infinity thì CryptoKitties cũng là một game kiếm tiền đã thu hút được lượng người chơi đáng kể trước đó. Trong game này, người chơi sẽ mua, nhân giống và buôn bán những chú mèo ảo bằng đồng Ethereum.

Những chú mèo trong CryptoKitties (Ảnh: Internet).
Những chú mèo trong CryptoKitties (Ảnh: Internet).

Những con mèo này cũng là NFT, mang lại lợi nhuận không chỉ cho các tác giả của game mà còn cho cộng đồng người chơi. CryptoKitty đắt nhất cho đến nay có tên là Dragon được bán với giá 600 ETH (khoảng 170.000 đô la Mỹ tại thời điểm đó).

Ngoài việc tạo ra thu nhập thực tế cho người chơi, các game kiếm tiền còn tạo ra một cộng đồng nơi người chơi và tác giả có thể gặp gỡ, chia sẻ trí tuệ và thực hiện các giao dịch với nhau. Một ví dụ điển hình cho điều này là The Sandbox, một game cùng thể loại với Minecraft, trong đó người chơi xây dựng mọi thứ và trao đổi với nhau dưới dạng NFT.

Game The Sandbox (Ảnh: Internet).
Game The Sandbox (Ảnh: Internet).

Nền kinh tế riêng biệt của The Sandbox được vận hành bởi đồng tiền điện tử của riêng nó có tên là SAND. Một cách để kiếm thêm SAND là bán các lô bất động sản kỹ thuật số được gọi là LAND mà người chơi có thể mua để làm mặt tiền cho cửa hàng của mình. Chỉ riêng trong tháng 2 năm 2021, The Sandbox đã công bố con số kỷ lục 2.352 lô đất LAND được bán với tổng giá trị 2,8 triệu USD.

Với độ hot ngày càng tăng cao của game kiếm tiền, các thương hiệu lớn cũng muốn lao vào chiếm một phần của thị trường màu mỡ đang mở rộng này. Ví dụ như The Walking Dead sẽ sớm tham gia vào nền tảng này, cho phép người chơi bước vào thế giới zombie trong game. Các thương hiệu như vậy sẽ thu hút thêm nhiều game thủ đến với nền tảng này hơn.

Sẽ thế nào nếu The Walking Dead tham gia vào cuộc cạnh tranh này? (Ảnh: Internet).
Sẽ thế nào nếu The Walking Dead tham gia vào cuộc cạnh tranh này? (Ảnh: Internet).

Trước đây đã có nhiều game xây dựng và duy trì được cộng đồng trực tuyến lớn mạnh, nhưng bằng cách bổ sung thêm khả năng kiếm tiền thật, xu hướng “play to earn” có thể sẽ tạo ra nhiều cộng đồng thành công hơn nữa trong tương lai. Nếu bạn vẫn chưa quen thuộc với kiểu chơi game này thì ngay bây giờ hãy bắt đầu tìm hiểu đi là vừa đấy!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Top 10 game mobile miễn phí hay nhất trên Android hiện nay để bạn không bao giờ buồn chán lúc rảnh rỗi!

Chơi game là một sở thích phổ biến của nhiều người trong mùa dịch này, từ trẻ em đến người lớn. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu top 10 game mobile miễn phí hay nhất trên Android nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận