Ai đã từng đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, ghé thăm “cô gái Pleiku” với đôi mắt “sóng sánh” nước, “ngây ngất” tình, hẳn sẽ không quên cảm giác đứng giữa non nước hữu tình, dang rộng cánh tay ôm lấy tất cả nắng gió đại ngàn vào lòng, hẳn sẽ nhớ mãi cảm giác ngẩn ngơ ngắm nhìn Hồ T’Nưng duyên dáng, thơ mộng, hẳn sẽ vương vấn nuối tiếc khi buộc lòng phải rời xa nơi đây.

 

Toàn cảnh "Đôi mắt Pleiku" sóng sánh tình
Toàn cảnh “Đôi mắt Pleiku” sóng sánh tình

Hồ T’Nưng hay còn gọi là Biển Hồ, là một viên ngọc quý của núi rừng Tây Nguyên nói chung, của người dân tỉnh Gia Lai nói riêng. Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 7km đi về hướng Kon Tum, đường dẫn vào hồ trải thông ba lá xanh mát, không khí bất kể 4 mùa đều có hơi chút se lạnh.

Đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy Biển Hồ Hồ TNưng Tây Nguyên Việt Nam
Đường vào Hồ T’Nưng trải thông xanh mát

Bạn có biết từ đâu mà hồ lại có cái tên đặc biệt như vậy – Biển Hồ? Tên gọi đầu tiên của Hồ là Hồ T’Nưng. “T’Nưng” có nghĩa là “hồ trên núi”. Người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự kỳ diệu của bàn tay tạo hoá. Giữa lưng chừng trời, ở một độ cao 1000m, xuất hiện không phải một dòng thác, một dòng sông cuồn cuộn chảy mà là một mặt hồ trong xanh, phẳng lặng. Diện tích của hồ rất rộng, khoảng trên 228 ha, với độ sâu của đáy khoảng trên 40m, và tới hiện tại, người ta vẫn chưa đo được độ sâu chính xác của hồ. Không chỉ vậy, lúc gió lớn còn tạo thành sóng dạt dào xô bờ như ở biển. Chính vì vậy, hồ còn được gọi bằng cái tên dễ nhớ hơn là “Biển Hồ”.

Biển Hồ
Được ôm trọn giữa non xanh, Hồ T’Nưng là đứa con sáng giá của núi rừng
Đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy Biển Hồ Hồ TNưng Tây Nguyên Việt Nam
Cận cảnh hơn con đường dẫn đến “Đôi mắt Pleiku”
Đường thông xanh Biển Hồ
Một góc nhìn khác của con đường xanh ngát thông ba lá

Nơi cuối con đường thông xanh là bậc tam cấp dẫn lên ngôi nhà lồng thơ mộng giữa lòng hồ, đây là vị trí tuyệt vời để bạn có thể thu hết mọi quang cảnh phố núi vào tầm mắt. Ngôi nhà này được xây ăn ra giữa lòng hồ, đón hết cái gió của phố núi mà tặng cho du khách đến đây. Mặt nước phẳng lặng, trong xanh soi rõ từng đàn cá. Mây trời nhè nhẹ trôi, hững hờ soi bóng xuống chiếc gương lớn bên dưới. Hồ được ôm trọn bởi núi, bởi rừng cây xanh bạt ngàn, bởi những thảm hoa lung linh sắc màu. Vào mỗi độ tháng 10, hoa dã quỳ nở vàng trải thảm suốt cả con đường dẫn vào hồ và xung quanh hồ, như tô thêm chút son phấn cho cô gái “T’Nưng” của phố núi. Quả thật cảnh sắc quá đỗi nên thơ, “non nước” quá đỗi “hữu tình”, khiến lòng người tĩnh lại, không thể không trút bỏ hết tất cả nỗi phiền muộn, chỉ để an yên tự tại mà ngắm nhìn, mà mê đắm trong ánh mắt tình tứ Pleiku.

Nhà lồng Biển Hồ
Cuối con đường thông xanh là bậc tam cấp dẫn lên ngôi nhà lồng để ngắm nhìn Biển Hồ
Nhà lồng giữ lòng BIển Hồ
Nhà lồng được xây dựng giữa lòng hồ, đón hết những cơn gió đại ngàn

Hãy cùng nhìn ngắm những sắc thái khác nhau của “viên ngọc sáng” giữa núi rừng Tây Nguyên này nhé:

Hoa dã quỳ nở vàng
Dã quỳ mang sắc nắng như tô thêm chút son phấn cho “cô gái” T’Nưng e ấp
Mênh mông Biển Hồ
Mênh mông Biển Hồ
Đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy Biển Hồ Hồ TNưng Tây Nguyên Việt Nam
Bình minh trên Hồ T’Nưng
Đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy Biển Hồ Hồ TNưng Tây Nguyên Việt Nam
Vẻ đẹp khi chiều về trên Hồ T’Nưng
Cảnh sắc sang thu của BIển Hồ
Cảnh sắc sang thu của Hồ T’Nưng không thua kém gì những hồ nước đẹp nhất trên thế giới

Trong vòng bán kính 6km về hướng nam là đỉnh núi Hàm Rồng, cũng là một núi lửa đã ngưng hoạt động. Các nhà khoa học cho rằng núi Hàm Rồng và Biển Hồ là miệng dương và miệng âm của núi lửa thuở xa xưa. Điều kỳ diệu hơn là những số liệu đo đạc cho thấy kích thước của Hàm Rồng và Biển Hồ bằng nhau, có nghĩa là, tưởng tượng nếu có một người khổng lồ nhấc Núi và lật úp lên mặt Hồ thì sẽ vừa khít.

Núi Hàm Rồng
Từ Hồ T’Nưng có thể nhìn ngắm sự kỳ vỹ của núi Hàm Rồng

Biển Hồ trong thơ ca được ví như một cô gái thanh xuân còn ngại ngùng e ấp:

” Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

Nên tóc em ướt và mắt em ướt,

Nên em mềm như mây chiều trong…” (sưu tầm)

Thế nhưng sâu thẳm bên trong là trái tim hoang dại yêu đương, cô gái với mái tóc xõa bồng bềnh giữa hương trời sắc nước, khiến bao nhiều anh chàng lãng du qua đây không tránh khỏi vấn vương tơ lòng. Chả thế mà nhạc sĩ Nguyễn Cường đã phải thốt lên: “Em đẹp thế Pleiku ơi” đó sao!

Nếu có dịp đến phố núi, bạn hãy thử tự mình trải nghiệm cảm giác say trong “biển tình” của “Đôi mắt Pleiku” một lần nhé!

Xem thêm

Kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn 2 ngày 1 đêm dành cho bạn trẻ Sài Thành

Quy Nhơn đích thị là điểm đến thú vị và hoang sơ, mang trong mình vẻ đẹp hiền hòa được thiên nhiên ưu ái cho những bãi biển xanh mướt. Cùng BlogAnChoi tóm gọn chuyến du lịch Quy Nhơn 2 ngày 1 đêm cũng đủ thỏa mãn và nức lòng dân Sài Thành vào những ngày cuối tuần nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận