Mang trong mình bộ phụ kiện chất lượng, ROG 3 hoàn toàn khiến nhiều đối thủ sừng sỏ trong giới điện thoại gaming phải ganh tỵ. Từ chip xử lí 865 Plus xịn xò, 16GB RAM cùng bộ nhớ UFS 3.1 phần nào chứng tỏ độ chịu chơi của Asus dành cho ROG 3.
Ngoài ra, chế độ X (hay tăng năng suất hoạt động) cải thiện đáng kế tốc độ xử lí của máy, đảm bảo trải nghiệm tốt nhất trong một khoảng thời gian dài cho người chơi, kể cả những tựa game thuộc diện “khủng” hiện nay.
Dưới đây là kết quả đánh giá hiệu năng của ROG 3 so với các đối thủ khét tiếng khác cùng sử dụng chip Snapdragon 865 – và tất nhiên ROG 3 vượt trội hơn cả.
Khi không phải chạy game, ROG 3 cho thấy khả năng hoạt động trơn tru đến khó tin thông qua tốc độ mở ứng dụng cùng các hoạt ảnh hiển thị một cách “mượt mà như nhung”. Đặc biệt, chiếc màn hình 144Hz (mà ta sẽ đề cập ở phần sau) đem đến cảm giác mọi thứ xung quanh dường như diễn ra chậm lại, khiến người dùng thích mắt chỉ muốn lướt mãi không thôi.
Thật khó để có thể miêu tả đầy đủ nhất về độ chân thực mà chiếc màn hình 144Hz đem lại. Dù không phải là dòng smartphone đầu tiên sở hữu loại màn hình này (vinh dự này thuộc về RedMagic 5G), song chất lượng là điều không thể bàn cãi.
Ngoài ra, touchrate (hay tần số lấy mẫu) của ROG 3 đạt ngưỡng ấn tượng 270Hz. Điều này có nghĩa mỗi lần bạn chạm hay vuốt lên màn hình, máy sẽ phản hồi tương tác hầu như lập tức. Nhờ vậy mà trải nghiệm chơi game suôn mượt hơn, đồng thời thao điều khiển của người chơi trở nên dễ dàng và nhanh chóng bội phần.
Và nếu cảm thấy tương tác ngay trên màn hình là chưa đủ, người dùng hoàn toàn có thể chuyển sang chế độ AirTriggers, cho phép điều khiển ROG 3 thông qua 2 cạnh bên của máy. Các thao tác cơ bản như chạm hay vuốt cạnh lúc này đều ảnh hưởng đến màn hình một cách tương tự. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cơ chế của AirTriggers thông qua clip bên dưới.
AirTriggers cực kì phù hợp với những tựa game bắn súng cần sự tương tác liên tục lên màn hình để xoay và tìm góc bắn phù hợp (điển hình như PUBG Moblie, v.v…), đem đến sự thoải mái cũng như chính xác cao hơn cho game thủ.
Với dung lượng pin lên đến 6000mAh, người dùng hầu như không phải bận tâm đến việc loay hoay tìm bộ sạc và sạc liên tục như những chiếc gaming smartphone khác, kể cả nếu ROG 3 đang trong chế độ X.
Một thí nghiệm nho nhỏ đã cho thấy sự “trâu bò” của ROG 3 khi cho máy phát lại liên tục một đoạn video tại mức sáng 50% và chế độ máy bay, và ROG 3 đã xuất sắc vượt qua bài kiểm tra với thời gian “tồn tại” lên đến 24 tiếng 3 phút.
Có thể ROG 3 sẽ không đạt đến con số ấn tượng trên nếu phải chạy các tựa game nặng khác thay vì ứng dụng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, 2.5 tiếng cày ải PUBG Mobile, Asphalt 9, Alto’s Odyssey liên tục có lẽ là quá đủ đối với đa số những game thủ smartphone hiện nay.
Hơn thế nữa, ROG 3 còn cung cấp cho người dùng vô số lựa chọn nhằm chăm sóc và tăng tuổi thọ pin, bao gồm nhiều chế độ tiết kiệm năng lượng được cài đặt sẵn hoặc cá nhân hóa phù hợp, hay giới hạn dung lượng pin sạc vào và tự động ngắt các ứng dụng không cần thiết.
Ngoài những thông số phần cứng ấn tượng, điều khiến các fan trung thành của Asus ROG vui mừng hơn cả có lẽ nằm ở thiết kế của ROG 3. Phiên bản thứ ba dòng ROG Phone mang kích cỡ cũng như hình dạng y hệt chiếc ROG 2.
Chính vì vậy mà ROG 3 hoàn toàn “mặc” vừa vặn vô số phụ kiện đi kèm mà Asus thiết kế dành riêng cho dòng ROG Phone này, như ốp lưng hay bàn phím chơi game, v.v…
Tuy nhiên, đối với những ai ưa thích sự gọn nhẹ, thì vóc dáng “lực lưỡng” 250 gram kia của ROG 3 dường như sẽ không phù hợp mấy.
Dẫu có cùng kiểu dáng và kích thước, song sự khác biệt giữa chúng vẫn rõ ràng, đặc biệt ở mảng thiết kế ngoại thất. Cụ thể, ổ cắm tai nghe bị loại bỏ khỏi thân ROG 3, nếu muốn cắm tai nghe vào máy bạn buộc phải sử dụng “bộ quạt máy làm mát” đi kèm.
Ngoài ra, ống kính máy ảnh nằm sau máy được thiết kế to hơn so với ROG 2. Điểm trừ của ROG 3 nằm ở việc chiếc smartphone này không có chỉ số IP cụ thể đối với tính chống thấm nước hay bụi bặm, đồng thời máy sẽ không hỗ trợ cơ chế sạc không dây.
Về mặt thẩm mĩ, chàng tân binh ROG 3 cho ta thấy sự tinh tế trong cách bày trí và sắp xếp dù là những chi tiết nhỏ nhất. Bên trong máy, lớp tản nhiệt làm từ đồng được đặt gọn gàng phía dưới dải kính cường lực Gorilla Glass 3 – một cách thức độc đáo đến từ Asus. Việc bố trí như này phần nhiều mang hơi hướng của Lamborghini, khi tập đoàn ô tô nổi tiếng thế giới cũng sử dụng kính trong suốt để bao phủ động cơ xe.
Dù mục đích chủ yếu vẫn là phục vụ nhu cầu cày game của các game thủ, song hệ thống camera của ROG 3 lại thuộc diện chất lượng tốt nhất nếu so sánh với những người đàn anh ROG Phone trước.
Hệ thống gồm 3 camera riêng biệt, thực hiện ba chức năng chụp ảnh khác nhau, bao gồm: ống camera chính với độ phân giải 64 megapixel, một camera góc rộng và chiếc còn lại ở chế độ macro.
Thực nghiệm cho thấy Asus không chỉ nói suông về chất lượng đáng ngạc nhiên của dàn máy ảnh ROG 3. Cụ thể, ta hãy xem bức hình bên dưới được chụp lại bởi ống camera chính.
Áp dụng kĩ thuật pixel binning (hay ghép pixel) phổ biến, kết quả đầu ra cho ta một tấm ảnh độ phân giải 16-megapixel, ánh sáng không quá đậm nét và được phân bố đều khắp khuôn hình, tập trung chủ yếu trên thân mèo và dải nắng bên dưới.
Trong điều kiện chiếu sáng phù hợp, ROG 3 có thể lưu lại nhiều chi tiết hơn trên hình.
Ngoài ra, ROG 3 còn sở hữu chế độ chụp hình ban đêm – và chất lượng của ảnh vẫn đạt mức ảo diệu đến khó tin, có thể so sánh với nhiều đối thủ nặng kí khác như iPhone, Samsung Galaxy.
Đi kèm đó, chiếc camera góc-rộng cũng là điểm nhấn không thể bỏ qua, khả năng tích hợp chức năng vào camera chính hơn hẳn phiên bản ROG 2 tiền nhiệm. Điều này đồng nghĩa việc ta khó nhận ra sự khác biệt trực giác về chất lượng giữa ảnh chụp bởi camera chính và camera góc-rộng.
Không những vậy, ROG 3 có khả năng thu lại video với chất lượng lên đến 8K. Để chiêm ngưỡng toàn cảnh video 8K quay trực tiếp bởi ROG 3 (không qua chỉnh sửa), mời bạn đọc theo dõi đoạn clip ngắn bên dưới. Song trong vài trường hợp như môi trường quay thiếu ánh sáng hay bầu trời, các dải mờ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
So với người đàn anh ROG 2, có thể thấy ROG 3 đã áp dụng các thay đổi cũng như cải thiện hầu như mọi chi tiết dù là nhỏ nhất.
Bộ quạt làm mát tách rời – với tên gọi AeroActive Cooler – nay được gắn thêm vào chân đế, tiện lợi cho việc cầm nắm và lắp ráp. Tương tự những sản phẩm ROG Phone khác, ổ cắm USB-C – hay ổ cắm phụ kiện – thứ hai nằm ở cạnh trái của máy, phục vụ nhu cầu chơi game màn hình ngang. Người dùng ROG sẽ 3 được cung cấp bộ sạc 30W, đi kèm với tài khoản sử dụng Google Stadia Pro (cửa hàng trò chơi khổng lồ của Google) miễn phí trong vòng 3 tháng.
Một ưu điểm khác của ROG 3 chính là máy hỗ trợ kết nối mạng 5G. Ngoài ra, ROG 3 chạy trên hệ điều hành Android10, cùng giao diện cảm ứng độc quyền Asus ZenUI.
Các thông số kĩ thuật cụ thể:
ROG Phone 3 hiện là sản phẩm smartphone đang được mong đợi nhất, đặc biệt đối với giới game thủ. Tiếp nối thành công trước đó của ROG 1 và 2, lần đầu tư mạnh tay lần này của Asus hứa hẹn sẽ trở thành “bom tấn” trong làng smartphone gaming.
Thông qua những chi tiết, thông số “khủng” mà Asus cung cấp, nhiều người dự đoán mức giá tối thiểu nếu muốn sở hữu cho mình siêu phẩm ROG 3 này có thể lên đến 1000$. Và để nói rằng con số này xứng đáng hay không, ta cần phải chờ đợi đến khi ROG 3 chính thức ra mắt để có thêm nhiều đánh giá cụ thể hơn.