Apple luôn được biết đến là gã khổng lồ công nghệ tiên phong tạo ra những sản phẩm đột phá làm thay đổi thế giới, và trong vài năm trở lại đây họ tiếp tục mở ra một xu hướng mới khi sử dụng những con chip xử lý do chính họ tự thiết kế cho máy Mac thay vì sử dụng chip của Intel như hàng chục năm qua. Tại sao lại có sự thay đổi, và nên mua MacBook dùng chip của Apple hay chip Intel? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Chip silicon của Apple là gì?
Suốt hàng chục năm qua Apple đã sử dụng chip do Intel sản xuất cho laptop MacBook. Điều này cũng hợp lý vì Intel là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về bộ vi xử lý cho các thiết bị điện tử, chiếm hơn 72% thị phần CPU. Tuy nhiên do chuỗi cung ứng gặp trục trặc và muốn tăng thêm hiệu suất cho máy tính của mình, Apple đã quyết định tự tạo ra chip xử lý riêng cho máy Mac.
Những con chip này tương tự như chip dùng cho iPhone và iPad, được phát triển dựa trên cấu trúc ARM (Advanced RISC Machine) khác với cấu trúc của các bộ xử lý Intel. Chip ARM thường được dùng phổ biến cho các thiết bị di động kể cả Android. Với kinh nghiệm thiết kế chip ARM cho iPhone và iPad lâu nay, Apple đã quyết định tạo ra những con chip dạng này cho máy Mac.
Sử dụng chip của riêng mình giúp cho Apple có thể kiểm soát tất cả mọi thông số của chip như hiệu suất xử lý và hiệu quả năng lượng, đồng thời có thể kết nối iPhone và MacBook với nhau chặt chẽ hơn để tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh vì cả hai loại thiết bị đều sử dụng cùng một loại chip.
Chip silicon của Apple được ra mắt lần đầu tiên trên MacBook Air và MacBook Pro vào cuối năm 2020 được đặt tên là chip M1. Đây là sự kiện đánh dấu việc Apple bắt đầu ngưng sử dụng chip Intel cho máy tính của mình. Sau đó những con chip tự thiết kế được Apple tiếp tục triển khai cho các dòng máy Mac khác, đồng thời phát triển thêm các phiên bản chip nâng cấp như M1 Pro, M1 Max, M1 Ultra và M2. So với M1 ban đầu, những con chip mới này có hiệu suất mạnh hơn.
Tại sao Apple chuyển sang chip tự thiết kế?
Apple cho rằng chip của Intel bị hạn chế về hiệu suất, cùng với chuỗi cung ứng gặp khó khăn khiến họ phải tự tạo ra chip của riêng mình để thiết kế chúng một cách tối ưu mang lại hiệu suất tốt hơn và ít tốn năng lượng hơn, từ đó giúp người dùng trải nghiệm tốt hơn và pin của máy cũng duy trì được lâu hơn.
Thông thường, các bộ phận bên trong của PC do Intel sản xuất gồm nhiều phần tách rời nhau như CPU, GPU, RAM, v.v. Chúng có thể được sản xuất từ nhiều hãng khác nhau, do đó người dùng có thể tự tùy chỉnh theo nhu cầu của mình một cách linh hoạt hơn.
Ngược lại, Apple đã kết hợp tất cả những bộ phận trên thành một con chip silicon duy nhất để xử lý tất cả những tính năng khác nhau của máy Mac. Đây được gọi là hệ thống trên chip (SoC) có ưu điểm là hiệu quả xử lý tốt hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Tuy nhiên những con chip này chỉ có thể hoạt động trong các thiết bị của Apple mà thôi.
Chip silicon của Apple có tốt hơn chip Intel không?
Hiệu suất xử lý
Apple đã có nhiều kinh nghiệm phát triển chip ARM hiệu suất cao dành cho iPhone và iPad suốt nhiều năm qua, vì vậy chip silicon dành cho MacBook cũng vượt trội hơn so với chip Intel và giúp nâng cao hiệu suất đáng kể cho máy Mac. Điều này được thể hiện qua thông số lý thuyết và nhiều phép đo so sánh hiệu suất của chip Apple với các dòng chip Intel khác nhau. Tuy nhiên hiệu suất khi sử dụng máy tính trong thực tế mới có ý nghĩa quyết định.
Trang robots.net đã thử nghiệm chuyển video 4K thành 1080p trên MacBook Air được trang bị chip M1, thời gian chỉ mất hơn 9 phút. Trong khi đó bộ vi xử lý Intel XPS 13 mất hơn 18 phút để làm điều tương tự, còn khi dùng bộ xử lý Yoga 9i cũng mất hơn 14 phút. Mặc dù đây chỉ là một thử nghiệm đơn giản và không áp dụng cho mọi tác vụ nhưng cũng cho thấy chip Apple có hiệu suất tốt hơn.
Tuy nhiên một yếu tố mà chip của Apple có vẻ chưa hoàn thiện là khả năng xử lý đa lõi, trong khi các bộ xử lý cao cấp của Intel thường có nhiều lõi hơn. Nhưng điều này chỉ thể hiện rõ khi máy tính phải xử lý các tác vụ nặng như mở video chất lượng 4K.
Một ưu điểm nữa khi sử dụng chip của riêng mình là Apple có thể tự lên kế hoạch phát hành các bản cập nhật theo ý mình và có thể cải tiến thêm các công nghệ khác một cách dễ dàng hơn.
Chip Apple không chạy được Boot Camp
Chip silicon của Apple được thiết kế tối ưu cho macOS nên cũng không ngạc nhiên khi một số chức năng của Windows gặp trục trặc. Cấu trúc ARM của những con chip này khiến người dùng không thể cài hệ điều hành Windows bằng Boot Camp, đây có thể là một vấn đề quan trọng đối với nhiều người.
Mặc dù có những cách khác để cài Windows như dùng phần mềm ảo hóa nhưng nếu bạn muốn chuyển MacBook sang hệ điều hành Windows một cách dễ dàng thì nên chọn chip Intel là tốt nhất.
Khả năng tương thích với các ứng dụng
Khi Apple sử dụng chip riêng của mình thay cho chip Intel thì các ứng dụng cũng phải thay đổi để tương thích với công nghệ mới. Tuy nhiên Apple đã có một giải pháp để hỗ trợ người dùng và các nhà phát triển ứng dụng trong thời gian đầu mới chuyển đổi, đó là tính năng mô phỏng Rosetta trên MacBook.
Tính năng này cho phép các ứng dụng cũ có thể hoạt động bình thường trên các máy sử dụng chip ARM kiểu mới của Apple mà không cần sửa đổi để tương thích, như vậy chúng ta vẫn sử dụng được hầu hết các phần mềm như cũ. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa rằng các ứng dụng không thể khai thác được khả năng xử lý mạnh của chip Apple.
Các nhà phát triển sẽ có một khoảng thời gian để sửa đổi các ứng dụng cho phù hợp với chip mới để tận dụng được hiệu suất nhanh hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt đối với các ứng dụng cần hiệu suất cao như Adobe Premiere Pro và Adobe Photoshop sẽ thấy rõ sự khác biệt: các phiên bản mới dành cho chip Apple chạy nhanh hơn nhiều, hiệu suất được tăng lên đến 80% so với phiên bản chạy trên chip Intel.
Về cơ bản, các ứng dụng trước đây trên MacBook dùng chip Intel vẫn có thể hoạt động một cách bình thường trên máy Mac được trang bị chip mới của Apple. Tuy nhiên nếu chưa được cập nhật để tương thích với chip mới thì chúng sẽ không đạt được hiệu suất tối ưu.
Mặt khác, do máy Mac dùng chip Apple tương đồng với iPhone và iPad nên chúng ta có thể chạy các ứng dụng iOS trên MacBook như bình thường, điều này có thể giúp ích trong nhiều trường hợp.
Tóm lại: Nên mua MacBook dùng chip Apple hay chip Intel?
Gần như tất cả những dòng máy Mac của Apple đều đã có phiên bản dùng chip silicon, chỉ trừ MacBook Pro vẫn dùng bộ vi xử lý Intel Xeon. Mỗi năm đều có những phiên bản chip mới được tung ra, từ chip M1 dành cho MacBook Pro và MacBook Air năm 2020 đến nay đã có chip M1 Max, M1 Pro và M2.
Với xu hướng chuyển đổi này, những dòng máy Mac cũ dùng chip Intel có thể sẽ sớm bị “khai tử”, bị Apple ngừng cập nhật phần mềm. Các phiên bản hệ điều hành macOS được giới thiệu gần đây có một số tính năng chỉ dành riêng cho máy Mac dùng chip Apple như Live Text, chức năng đọc chính tả nâng cao, chế độ Chân dung của FaceTime, Object Capture, v.v.
Vì vậy nếu bạn có ý định mua MacBook mới thì nên chọn những dòng máy được trang bị chip silicon của Apple để dùng được lâu dài hơn, mặc dù những máy dùng chip Intel có giá rẻ hơn một chút nhưng vài năm nữa có thể sẽ khó sử dụng.
Bạn sẽ lựa chọn chip của Apple tự phát triển hay chip Intel? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- MacBook là gì? Những thông tin cơ bản về laptop MacBook của Apple
- Macbook M1 là gì? Có nên nâng cấp Macbook M1 không?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!