ChatGPT-4 mang đến nhiều cải tiến đáng kể về tính năng và kỳ vọng về sự thay đổi mang tính cách mạng cho cuộc sống con người. Dù gây nên cơn sốt toàn cầu không thua kém phiên bản tiền nhiệm nhưng ChatGPT-4 dường như lại mang đến nhiều hơn những lo ngại về rủi ro an ninh trên không gian mạng cho người dùng. Cả giới chuyên môn và đội ngũ OpenAI đã có nhận định riêng của mình. Vậy có hay không chuyện “ChatGPT-4 sẽ là phiên bản nâng cấp cả những rủi ro”?
Chưa đầy 4 tháng sau khi OpenAI cho ra mắt công cụ chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo thu hút sự quan tâm của người dùng Internet trên toàn thế giới – ChatGPT, công ty công nghệ tư nhân này đã cho ra đời một phiên bản nâng cấp và hoàn thiện hơn, được biết đến với tên gọi “siêu chat AI” GPT-4.
Với hàng loạt cải tiến đáng kể so với “người tiền nhiệm” của mình, ChatGPT-4 được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ và an ninh mạng lại cho thấy nhiều lo ngại nghiêm trọng đến từ các thách thức trên nhiều khía cạnh mà mô hình này có thể mang lại. Vậy bên cạnh những cải tiến về mặt chức năng, ChatGPT-4 có phải cũng là một phiên bản nâng cấp hơn của cả những rủi ro?
Những cải tiến của ChatGPT-4 so với ChatGPT?
Nhìn chung, một trong những tính năng nổi bật nhất của công cụ này trong bản nâng cấp ChatGPT-4 chính là khả năng xử lý dữ liệu đầu vào “đa phương thức” bao gồm cả những dữ liệu dưới dạng hình ảnh chứ không đơn thuần chỉ là văn bản như phiên bản tiền nhiệm của mình. Do đó, người dùng có thể gửi cả hình ảnh của văn bản để chatbot này có thể xử lý và thảo luận, từ đó đưa ra câu trả lời gần nhất với nội dung mà người dùng tìm kiếm và tất nhiên, mức độ chính xác cũng cao hơn. Tính năng mới này cũng cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn về sự ra đời của khả năng nhập và xử lý video được tích hợp trong công cụ này.
Bên cạnh đó, ChatGPT-4 cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong số lượng từ dùng để phản hồi, cụ thể là tăng lên tối đa 25.000 từ so với giới hạn 3.000 từ so với phiên bản ChatGPT miễn phí. Điều này cho phép ChatGPT-4 có khả năng cho ra những câu trả lời giàu ngữ cảnh hơn cũng như xử lý dữ liệu văn bản đầu vào có dung lượng lớn hơn. Phiên bản nâng cấp này cũng được tích hợp nhiều chức năng khác như thiết kế trang web chỉ từ một hình ảnh, hay được tích hợp trong công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft. Năng lực của “siêu chat AI” này ngày càng được chứng minh khi nó đã đánh bại 99% học sinh tham gia thi Olympic Sinh học và đạt được kết quả cao hơn 90% số ngươi tham gia trong kỳ thi sát hách hạch luật sư trong khi dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực như kinh tế vĩ mô, toán học,..
Vấn đề xuất hiện, giới chuyên gia nói gì?
Ra mắt chưa được bao lâu với một báo cáo dài 98 trang đính kèm nhưng OpenAI vẫn chưa thể làm thỏa lòng giới chuyên môn do thiếu đi tính minh bạch khi tài liệu này không đề cập đến công nghệ cốt lõi phía sau chatbot này với công bố “Căn cứ vào bối cảnh cạnh tranh và ý nghĩa của sự an toàn đối với các mô hình trí tuệ nhân tạo lớn như GPT-4, báo cáo sẽ không kèm thông tin chi tiết về kiến trúc, phần cứng, thuật toán, cách xây dựng dữ liệu, vấn đề đào tạo hoặc tương tự”.
Đáp lại, giới chuyên gia đã cho thấy nhiều phản ứng dữ dội về vấn đề này khi cho rằng công ty này sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt, khiến các động thái tương tự sẽ xuất hiện nhiều hơn đối với các công ty AI. Đặt trong bối cảnh các công ty công nghệ đang ồ ạt dự định cho ra mắt các mô hình AI tương tự như Bard của Google hay bot Ernie của Baidu tại Trung Quốc,..sau cơn sốt ChatGPT thì “sự thiếu minh bạch này” có thể gây ra khó khăn trong việc nắm bắt sai sót của hệ thống vận hành, để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng nhất là khi các mô hình này ngày càng trở nên phổ biến. Catherine Flick, nhà nghiên cứu về máy tính và trách nhiệm xã hội thuộc Đại học De Montfort (Anh) cho rằng những biện hộ từ OpenAi là “một sự lảng tránh” do nếu ChatGPT-4 là một mô hình AI mở thì nó cũng phải cung cấp nguồn thông tin minh bạch với tính “mở” tương tự.
Mặc khác, các chuyên gia an ninh cũng cảnh báo về hàng loạt rủi ro về an ninh mạng khi công cụ này hoàn toàn có khả năng bị lợi dụng tạo ra các chương trình phần mềm độc hại ở nhiều mức độ phức tạp, tạo nên nhiều mối đe dọa với người dùng. Nghiên cứu mới được công bố bởi Check Point Research, một công ty hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng tại Israel đã chỉ ra rằng dù đã có những cải tiến nhất định về an toàn kỹ thuật số, ChatGPT-4 vẫn cho thấy nguy cơ bị lạm dụng bởi tội phạm mạng, bao gồm khả năng sử dụng các ngôn ngữ lập trình như C++,…
Chính OpenAI, cha đẻ của hai phiên bản chatbot này cũng thừa nhận rằng ChatGPT-4 không được lập trình để sửa lỗi của phiên bản tiền nhiệm và những thông tin nó được tích hợp không hề có trong giai đoạn sau năm 2021, điều này đồng nghĩa với việc ChatGPT-4 vẫn có khả năng tạo ra những thông tin lệch chuẩn, chứa thiên kiến nghiêm trọng.
Phản ứng của đội ngũ OpenAI trước những chỉ trích nhắm vào ChatGPT và ChatGPT-4
Elon Musk, tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới cũng là một trong những nhà sáng lập của OpenAI và từ chức chủ tịch vào hồi tháng 2/2018. Đứng giữa cơn sốt ChatGPT toàn cầu, vào tháng 2 vừa qua, Elon Musk đã chỉ trích công ty cũ vì bất lực trong việc ngăn chặt chatbot này tạo ra những cuộc hội thoại chứa thông tin sai lệch hoặc xúc phạm người dùng.
Phản ứng lại với nhận định này, Greg Brockman, Chủ tịch đương nhiệm tại OpenAI thừa nhận rằng đây là một “lời chỉ trích chính đáng” bởi chính công ty này đã phạm sai lầm khi không đủ nhanh nhạy để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc hệ thống chatbot này triển khai những giá trị nằm ngoài phạm vi định đưa vào. Ông cũng cho biết về mục tiêu trong việc vận hành của ChatGPT là không thiên về một hướng ý kiến cụ thể nào nhưng cũng nhận thức được rằng đây là vấn đề khó khăn và “chúng tôi chưa đạt được điều đó”.
Sự thừa nhận của đội ngũ OpenAI, công ty sản sinh ra những phiên bản chatbot đang gây sốt toàn cầu này càng khiến người dùng lẫn giới chuyên gia lo ngại về những rủi ro mà nó mang lại.
Tựu trung lại, ChatGPT hay phiên bản nâng cấp hơn của nó, ChatGPT-4 vẫn là sản phẩm cúa trí tuệ con người và đưa đến cho người dùng trải nghiệm chỉ dựa trên những dữ liệu mà nó thu thập được (từ trước 2021), chính vì thế bản thân nó cũng được xem như một kho lưu trữ dữ liệu Internet khổng lồ, nơi thiếu đi sự chọn lọc chi tiết và “tính sống” của con người. Những thành tựu mà chatbot này đạt được hay những tính năng mà nó có khả năng thực hiện không quyết định sự vượt trội về vị thế của con người vì ít nhất cho đến hiện tại, chính con người mới là yếu tố quyết định sự sống còn của công cụ này. Việc nâng cấp tính năng cũng đồng nghĩa với sự gia tăng về mức độ phức tạp của cấu trúc vận hành và sự khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của nó, từ đó mà rủi ro cũng tăng lên theo.
Thế nhưng, sau cùng, việc chatbot này mang lại nhiều hiệu quả hay thách thức hơn vẫn là phụ thuộc phần lớn vào tư duy sử dụng của con người.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- OpenAI ra mắt GPT-4: ChatGPT được nâng cấp thông minh hơn nữa
- 3 ưu điểm vượt trội của GPT-4, phiên bản ChatGPT mới từ OpenAI
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!