Việc phải thường xuyên ra salon dưỡng tóc thường sẽ vất vả và khá tốn kém. Vì vậy, các bạn có thể tự làm kem ủ tóc tại nhà với nguyên liệu thiên nhiên sẵn có vô cùng đơn giản, hiệu quả mà rất tiết kiệm. Hôm nay BlogAnChoi sẽ chia sẻ cho các bạn 5 cách làm kem ủ tóc tại nhà chuẩn salon ngay trong bài viết dưới đây nhé!
- Lợi ích của việc ủ tóc tại nhà
- 6 thành phần thiên nhiên ủ tóc hiệu quả
- 5 cách làm kem ủ tóc tại nhà hiệu quả, đơn giản và tiết kiệm
- 1. Kem ủ tóc với bơ và mật ong
- 2. Kem ủ tóc với mật ong và nha đam
- 3. Kem ủ tóc với dầu dừa
- 4. Kem ủ tóc với bơ và dầu olive
- 5. Kem ủ tóc với sữa chua và trứng gà
- Cách sử dụng kem ủ tóc thiên nhiên
- 3 sai lầm khi sử dụng ủ tóc thiên nhiên
Lợi ích của việc ủ tóc tại nhà
Những mái tóc qua nhiều lần tạo kiểu và thay màu nhuộm sẽ trở nên yếu hơn, gãy rụng nhiều và khó có thể óng mượt, vào nếp. Lúc này các bạn sẽ cần tới sự giúp đỡ của kem ủ tóc với những thành phần chứa nhiều dưỡng chất sẽ giúp phục hồi hư tổn ở tóc và khôi phục mái tóc chắc khỏe.
Nếu tóc bạn không quá hư tổn và xơ yếu, ủ tóc sẽ giúp mái tóc trở nên mềm mượt, dễ vào nếp hơn và óng mượt hơn. Một mái tóc đẹp như vậy thật là tuyệt vời đúng không? Nếu chị em không thể ra salon làm tóc được thì việc tự làm kem ủ tóc thiên nhiên tại nhà sẽ giúp mọi người nuôi dưỡng mái tóc rất tốt.
Mặt khác ủ tóc tại nhà với thành phần thiên nhiên sẽ giảm sự kích ứng hơn, giúp nuôi dưỡng tóc an toàn hơn những hóa chất khác. Cùng theo dõi hết bài viết này để không bỏ lỡ những chia sẻ hay và thú vị của BlogAnChoi nhé!
6 thành phần thiên nhiên ủ tóc hiệu quả
Chiết xuất lô hội
Lô hội hay còn gọi là cây nha đam xuất hiện trong khá nhiều các loại kem ủ tóc trên thị trường với tên gọi Aloe Vera Barbadensis Extract. Vì chứa nhiều khoáng chất thiết yếu như các loại vitamin, acid amin tốt nên lô hội được sử dụng khá nhiều trong làm đẹp da và tóc.
Chiết xuất xuất lô hội sẽ cung cấp lượng ẩm lớn cho các sợi tóc, giúp giảm bớt tình trạng tóc khô, xơ rối, đem lại mái tóc óng mượt hơn cho các chị em.
Dầu Argan
Dầu Argan sử dụng trong dưỡng tóc giúp ngăn ngừa gãy rụng, chẻ ngọn và xơ rối vì trong dầu chứa nhiều vitamin E và các loại chất béo tốt, giúp cấp ẩm cho tóc từ chân tới ngọn, đem lại mái tóc bóng mượt, chắc khỏe.
Bơ
Bơ là loại trái cây chứa rất nhiều dưỡng chất như vitamin A, B6, C và các loại acid béo. Ủ tóc bằng bơ sẽ giúp mái tóc suôn mượt, óng ả hơn và tránh tình trạng gãy rụng và xơ rối.
Mật ong
Mật ong là một dưỡng chất vô cùng tốt để ủ tóc giúp bạn sở hữu mái tóc đen dày, óng ả, suôn mượt hơn. Mật ong chứa nhiều chất dinh dưỡng sẽ giúp phục hồi mái tóc hư tổn một cách rất hiệu quả. Đừng bỏ qua nguyên liệu này khi muốn ủ tóc tại nhà nhé.
Dầu olive
Chiết xuất từ cây oliu, tinh dầu olive không những có lợi cho sức khỏe khi dùng trong nấu ăn mà còn có khá nhiều tác dụng trong việc làm đẹp, dưỡng tóc. Các loại vitamin A,D,K cùng với những acid béo và chất chống oxy hóa sẽ giúp mái tóc bạn trở nên mềm mượt, nuôi dưỡng chân tóc, giúp tóc mọc nhanh hơn, ngăn ngừa gãy rụng tóc.
Dầu dừa
Ngoài dầu olive thì dầu dừa cũng là một loại nguyên liệu khá phổ biến để dưỡng tóc tại nhà. Đừng bỏ qua dầu dừa khi ủ tóc để có một mái tóc dày hơn, suôn mượt hơn nhé.
5 cách làm kem ủ tóc tại nhà hiệu quả, đơn giản và tiết kiệm
1. Kem ủ tóc với bơ và mật ong
Bơ và mật ong khi kết hợp với nhau sẽ giúp kích thích tóc mọc nhanh hơn và dày hơn, rất phù hợp với những bạn tóc thưa, yếu do hư tổn nặng.
- Xay nhuyễn một trái bơ với 3 thìa mật ong (Tùy vào độ dài và dày của tóc bạn có thể tự điều chỉnh theo tỷ lệ này nhé).
- Thoa đều hỗn hợp lên tóc, massage nhẹ nhàng đảm bảo lượng kem ủ chia đều trên tóc.
- Ủ tóc trong khoảng 15-30 phút rồi xả lại bằng nước ấm.
Hãy kiên trì để thấy hiệu quả của việc ủ tóc với hỗn hợp bơ mật ong nhé!
2. Kem ủ tóc với mật ong và nha đam
Hãy đảm bảo làm sạch gel nha đam rồi mới sử dụng nhé, nếu không bạn sẽ rất dễ bị dị ứng với nhựa cây đó.
- Trộn mật ong và nha đam theo tỷ lệ 2:1
- Đánh đều để tán nhuyễn nha đam (Nếu không, bạn có thể lựa chọn xay nhuyễn nha đam trước nhé).
- Cho thêm 1-2 giọt dầu dừa nếu tóc xơ rối nhiều.
- Trộn đều hỗn hợp và tiến hành ủ tóc.
3. Kem ủ tóc với dầu dừa
Bạn sử dụng trực tiếp dầu dừa để ủ tóc như một loại kem ủ. Và lưu ý một số điều nhỏ sau đây để việc ủ tóc trở nên hiệu quả hơn:
- Làm ấm dầu dừa trước khi sử dụng để nâng cao hiệu quả.
- Không nên ủ dầu dừa quá lâu.
- Phải gội thật sạch da dầu nếu không sẽ gây bít chân tóc, gàu và rụng tóc.
- Chỉ sử dụng lượng dầu vừa đủ cho mỗi lần ủ tóc.
- Sau khi làm sạch, có thể sấy nhẹ cho tóc bớt nước, không nên sấy khô hẳn tóc.
4. Kem ủ tóc với bơ và dầu olive
Để tạo hỗn hợp kem ủ tóc với bơ và dầu olive, bạn thực hiện như sau:
- Xay nhuyễn 1/2 quả bơ chính cùng 2 thìa dầu olive.
- Trộn đều hỗn hợp và massage lên toàn bộ mái tóc.
- Ủ tóc với hỗn hợp trong khoảng 15-20 phút rồi làm sạch lại bằng nước ấm.
5. Kem ủ tóc với sữa chua và trứng gà
Sữa chua và trứng gà cũng là một hỗn hợp tuyệt vời để ủ tóc dành cho cô nàng sở hữu mái tóc bết dầu, không thể sử dụng dầu olive hay dầu dừa nhé. Hỗn hợp sẽ giúp giảm sự tiết dầu, phục hồi hư tổn tóc hiệu quả.
Bạn trộn 2 quả trứng gà với 50gr sữa chua không đường thành một hỗn hợp. Thoa và massage đều lên mái tóc và ủ khoảng 10-15 phút sau đó xả lại với nước ấm.
Cách sử dụng kem ủ tóc thiên nhiên
Để việc ủ tóc có hiệu quả tốt nhất, các bạn có thể làm theo các bước hướng dẫn sau:
- Gội đầu và xả tóc sạch sẽ.
- Lau khô khoảng 80% tóc. Tránh để tóc quá ướt, hoặc quá khô.
- Lấy kem ủ tóc và thoa đều từ gốc tới ngọn. Tránh thoa quá nhiều vào phần chân tóc. Có thể sử dụng lược để kem thấm đều hơn.
- Ủ tóc trong khoảng 5-10 phút (với tóc hư tổn nhẹ) và khoảng 15-20 phút (tóc hư tổn nặng).
- Xả sạch lại tóc bằng nước ấm.
3 sai lầm khi sử dụng ủ tóc thiên nhiên
Xác định sai thành phần phù hợp với chất tóc
Việc xác định sai chất tóc khiến bạn chọn sai những nguyên liệu cho kem ủ tóc sẽ làm mái tóc bạn lâu được phục hồi, thậm chí trong một số trường hợp còn làm tình trạng tóc trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy hãy xác định đúng tình trạng mái tóc để có thể lựa chọn nguyên liệu phù hợp nhé
- Tóc xoăn sóng: nên lựa chọn những thành phần dưỡng ẩm nhiều protein giúp tóc mềm mại và bồng bềnh như là nha đam.
- Tóc dầu: sự bết dính của mái tóc dầu cần loại bỏ bằng thành phần kết cấu mỏng nhẹ nhưng vẫn đủ dưỡng chất như chiết xuất bạc hà, chiết xuất trà xanh,…
- Tóc khô: cứu tinh cho mái tóc khô rối, xù và thiếu mềm mại chính là các loại dầu dưỡng chứa nhiều hợp chất như dầu dừa, dầu olive,…
- Tóc mỏng: mái tóc hay gãy rụng, hư tổn thì nên sử dụng những thành phần chứa keratin và biotin sẽ giúp kích thích mọc tóc.
Thời gian ủ tóc quá lâu/ quá nhanh
Thời gian cho mỗi lần ủ và tần suất ủ tóc sẽ là điều các nàng cần lưu ý nếu không muốn mái tóc trở nên tồi tệ hơn. Cái gì nhiều quá cũng không tốt nên các nàng chỉ nên ủ tóc khoảng 3 lần/tuần thôi nhé. Nếu tóc bạn hư tổn nặng thì hãy kiên nhẫn ủ tóc trong thời gian dài để thấy hiệu quả chứ đừng ủ tóc một cách dồn dập, như vậy sẽ làm hại tóc đó.
Làm quá nhiều kem ủ tóc cùng một lúc
Tất cả các loại kem ủ tóc tự làm tại nhà đều có một vấn đề chung là khó bảo quản và rất dễ mốc. Vậy nên hãy cố gắng làm mới thường xuyên kem ủ tóc và tránh sử dụng kem ủ tóc đã để lâu nhé. Bạn cũng cần lưu ý về vấn đề vệ sinh sạch sẽ khi tự làm kem ủ tóc tại nhà.
Ủ tóc tại nhà trong thời điểm giãn cách xã hội hiện nay sẽ là giải pháp hữu ích cho việc chăm sóc mái tóc của bạn. Những nguyên liệu sẵn có trong bếp cùng với một chút kiến thức bổ ích của BlogAnChoi, chúng mình hy vọng sẽ giúp các bạn trở nên đẹp hơn mỗi ngày.
Cùng theo dõi những bài viết khác cùng chuyên mục tại đây:
- Dưỡng tóc với trà thảo mộc tự nhiên, bạn đã thử chưa?
- Cách chữa rụng tóc nhiều ở nữ giới tại nhà – Bí quyết đơn giản giúp tóc dày và khỏe
Cảm ơn các bạn đã ủng hộ BlogAnChoi trong suốt thời gian qua. Đừng quên ghé thăm chúng mình thường xuyên nhé. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe và có một ngày vui vẻ!