Tia UVs là một tác nhân gây hại nguy hiểm nhất cho làn da của chúng ta – Đây chắc chắn là sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên, nhiều làn da mỏng manh lại khá “sợ” kem chống nắng vì khiến da bị kích ứng. Nếu bạn đang sở hữu một làn da đỏng đảnh, khó chiều thì hãy thử tìm hiểu một số cách làm kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên mà chúng mình giới thiệu dưới đây nha.
- Tại sao lại nên tự làm kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên?
- Nguyên liệu chính của kem chống nắng “home-made” – Zinc Oxide
- Nguyên liệu từ thiên nhiên dành cho kem chống nắng là gì?
- Dầu hạt mâm xôi (SPF 25-50)
- Dầu cà rốt (SPF 35-40)
- Dầu hướng dương (SPF 15-20)
- Bơ hạt mỡ (SPF 4-6)
- Dầu quả bơ (SPF 13-18)
- Gợi ý một số công thức làm kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên tại nhà đơn giản
- Làm kem chống nắng từ gạo
- Làm kem chống nắng từ nha đam
- Làm kem chống nắng từ dầu dừa
- Làm kem chống nắng từ sáp ong (Có khả năng chống thấm nước)
- Một số lưu ý khi tự làm kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên
Tại sao lại nên tự làm kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên?
Cho đến bây giờ, chắc hẳn không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của kem chống nắng đối với sức khỏe của làn da. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn đang khá phân vân về những “mặt trái” của kem chống nắng có thể mang đến cho làn da, đặc biệt là những làn da nhạy cảm, ví dụ như: bít tắc lỗ chân lông, dễ kích ứng, dễ gây mụn. Đó là lí do vì sao hiện nay kem chống nắng cộp mác “home-made” đang dần chiếm sóng và khá được lòng phái đẹp. Cùng tìm hiểu xem dòng kem chống nắng nhà làm này có điểm gì “khác biệt” mà lại khiến nhiều chị em mê tít đến thế nhé:
1. Tránh cho làn da tiếp xúc với những hóa chất
Mặc dù không có nghiên cứu nào nhận định rằng các thành phần màng lọc chống nắng hóa học, mà cụ thể là Oxybenzone sẽ gây rối loại hormone và không có lợi cho sức khỏe làn da, nhiều chị em vẫn khá quan ngại khi sử dụng. Mặc dù cũng đã có những sản phẩm kem chống nắng vật lý ra đời, chỉ chứa 2 thành phần chống nắng khoáng là Zinc Oxide và Titanium Dioxide thôi nhưng lại bị vướng phải nhược điểm là kết cấu dày, gây bí da.
Vậy nên, kem chống nắng “home-made” đươc debut để có thể dung hòa những ưu điểm của 2 loại kem chống nắng trên trọng khi đảm bảo những thành phần tự nhiên sẽ không gây nguy hiểm đối với làn da. Các công thức kem chống nắng DIY thường sẽ sở hữu màng chống nắng vật lý cùng những thành phần thiên nhiên, chỉ hoạt động trên bề mặt da, tránh tình trạng kích ứng nhưng cũng sẽ không gây bít tắc lỗ chân lông.
2. Bảo vệ các rặng san hô
Nếu là một người quan tâm đến “sức khỏe” của thiên nhiên, môi trường, chắc hẳn các bạn cũng biết nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nhiều hợp chất trong kem chống nắng gây hại cho đời sống của đại dương, đặc biệt là các rặng san hô. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn 5,000 tấn kem chống nắng bị trôi đi từ những người bơi lội mỗi năm. Tình trạng này đe dọa một phần lớn đời sống san hô trong đại dương và gián tiếp nhiều loài sinh vật đại dương khác. Trong khi đó kem chống nắng với những thành phần tự nhiên lại hoàn toàn “bao trọn” khả năng nuôi dưỡng da cũng như bảo vệ môi trường thì tội gì chúng ta lại không thử nhỉ.
Nguyên liệu chính của kem chống nắng “home-made” – Zinc Oxide
Zinc Oxide (Kẽm Oxit) có nguồn gốc từ khoáng chất kẽm. Thành phần này được đánh giá là an toàn và ổn định hơn so với Titanium Dioxide, có khả năng bảo vệ da chống lại cả 2 tia UVs là UVA và UVB. Cơ chế hoạt động của Kẽm oxit là nằm ở trên bề mặt của da, hấp thu tia UVs, sau đó phân tán trước khi những tia này có cơ hội tiếp xúc và gây tổn thương cho da. Các nhà nghiên cứu cũng như chuyên gia da liễu đều nhận định rằng đây là một thành phần chống nắng an toàn và lành tính, an toàn cho cả những làn da nhạy cảm và mỏng manh nhất như da em bé hay da bà bầu, vì ít có khả năng gây kích ứng hay gây mụn.
Hiện nay, chúng ta thường biết đến 2 loại Zinc Oxide là Nano Zinc Oxide và Non-Nano Zinc Oxide. Thời gian gần đây, các nhà sản xuất kem chống nắng vật lý phần lớn đều sản xuất Zinc Oxide và Titanium Dioxide ở dạng nano để có thể thấm nhanh vào da, hạn chế được tình trạng để lại vệt trắng trên da gây mất thẩm mỹ. Trong khi đó, Non-Nano có kích thước to hơn, không thể hấp thụ vào cơ thể mà chỉ đơn thuần là hoạt động trên bề mặt da. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kích thước non-nano sẽ đạt độ an toàn trên da chuẩn chỉnh hơn đấy nhé.
Bạn có thể đặt mua kẽm oxit để tự làm kem chống nắng tại nhà trên shopee TẠI ĐÂY.
Nguyên liệu từ thiên nhiên dành cho kem chống nắng là gì?
Lại một lần nữa xin khẳng định với hội chị em rằng bảo vệ da với kem chống nắng là một bước skincare “must-have” của mọi loại da. Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo, kem chống nắng thực tế vẫn luôn gắn liền với cái mác “chứa nhiều hoạt chất”, “có thể gây bí da”, “có thể gây kích ứng”. Đó là lý do thúc đẩy chúng ta đi tìm những nguyên liệu thiên nhiên có những đặc tính chống nắng tương đối, vừa giúp bảo vệ mà lại khá an toàn cho làn da.
Dầu hạt mâm xôi (SPF 25-50)
Dầu hạt mâm xôi là loại thảo mộc duy nhất có thể bảo vệ da khỏi bức xạ UVA và UVB, trở thành thành phần chống nắng tự nhiên hiệu quả nhất. Chứa nhiều khoáng chất cũng như khả năng chống oxy hóa cao của thành phần này nên ngoài khả năng bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, dầu hạt mâm xôi ũng là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh về da, chẳng hạn như bệnh vẩy nến và bệnh chàm.
Dầu cà rốt (SPF 35-40)
Ngoài khả năng kháng khuẩn và khử trùng cũng như giàu chất chống oxy hóa, dầu cà rốt còn có chỉ số SPF đáng kể giúp bảo vệ da khỏi bức xạ UVB. Chất chống oxy hóa trong thành phần này trung hòa hoạt động của các gốc tự do xảy ra do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, qua đó giúp tăng khả năng tự bảo vệ của làn da.
Dầu hướng dương (SPF 15-20)
Dầu hướng dương có chứa beta-carotene, một hợp chất có thể chuyển hóa thành vitamin A, có đặc tính chống oxy hóa. Giống như dầu cà rốt, thành phần này chứa nhiều vitamin E, vốn nổi tiếng với chức năng chống oxy hóa cũng như là chất bảo quản tự nhiên, lý tưởng cho việc phục hồi da và chống lão hóa hiệu quả.
Bơ hạt mỡ (SPF 4-6)
Ngoài việc chứa SPF bảo vệ da khỏi các tia UVs, bơ hạt mỡ còn chứa nhiều thành phần có lợi cho da trong quá trình dưỡng ẩm và chữa lành vết thương.
Dầu quả bơ (SPF 13-18)
Dầu quả bơ có tỷ lệ chất béo đơn bão hòa cao, cung cấp một lớp bảo vệ khá vững chắc trên da. Thành phần chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp làm dịu và nuôi dưỡng làn da khô, hư tổn, cũng như thúc đẩy sản xuất collagen và bảo vệ da chống lại các nếp nhăn, từ đó trả lại cho bạn một làn da săn chắc và tươi trẻ.
Gợi ý một số công thức làm kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên tại nhà đơn giản
Làm kem chống nắng từ gạo
Gạo chứa nhiều vitamin nhóm B cũng như nhóm thành phần chống oxy hóa như Vitamin C,E và Ferulic Acid, nổi tiếng với khả năng nuôi dưỡng da khỏe đẹp từ sâu bên trong. Mặc dù không có SPF như một số thành phần thiên nhiên khác, nhưng gạo lại có khả năng làm dịu da cấp tốc, đặc biệt hiệu quả với những làn da bị cháy nắng nên thường được đưa vào trong các sản phẩm kem chống nắng. Ngoài ra, thành phần này cũng góp phần tăng sinh collagen, giảm thâm nám, sạm da và tăng sức đề kháng cho làn da.
Nguyên liệu:
- Sáp ong: 1 muỗng canh
- Bơ hạt mỡ: 4 muỗng canh
- Dầu dừa: 4 muỗng canh
- Bột Kẽm Oxit: 2 muỗng cà phê
- Bột gạo: 2 muỗng cà phê
Cách làm:
- Bước 1: Trộn 2 nguyên liệu dầu dừa và bỡ hạt mỡ vào trong một bát thủy tinh sạch và khuấy đều.
- Bước 2: Tiếp tục cho vào sáp ong vào hỗn hợp trên và trộn đều tay.
- Bước 3: Đun sôi một nồi nước nóng, hấp cách thủy hỗn hợp dầu dừa sáp ong cho đến khi hỗn hợp tan chảy hoàn toàn.
- Bước 4: Hạ nhỏ lửa, cho lần lượt bột kẽm oxit và bột gạo vào hỗn hợp đã nóng chảy và tiếp tục trộn đều tay cho đến khi hỗn hợp được bông xốp và sánh mịn.
- Bước 5: Đổ thành phẩm ra một hũ thủy tinh sạch (rửa sạch và hấp tiệt trùng), chờ nguội rồi bảo quản kem chống nắng ở trong tủ lạnh. Sử dụng trong vòng 3-4 tuần.
Làm kem chống nắng từ nha đam
Nha đam (Lô hội) nổi tiếng với đặc tính giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng cấp ẩm, làm mát và làm dịu da vô cùng hiệu quả. Giống như gạo, mặc dùng không có SPF nhưng nha đam lại bảo vệ da khỏi tia UVs bằng cách tăng cường hàng rào tự bảo vệ của da cũng như làm dịu nhanh những làn da bị bỏng nắng khá hiệu quả.
Nguyên liệu:
- Nước nha đam: 1 cup
- Dầu quả bơ: 1/4 cup
- Dầu cà rốt: 15 giọt
- Bột kẽm oxit: 3-4 thìa cà phê
Cách làm:
- Bước 1: Chuẩn bị nước lô hội. Cách nhánh lô hội ra làm 2 theo chiều dọc. Dùng 1 con dao sắc để loại bỏ lớp vỏ. Dùng rây rây phần gel lô hội để loại bỏ phần đắng. Cho vào máy xay cùng nước lọc và xay nhuyễn. Lọc qua rây lần nữa để lấy được phần nước lô hội cần dùng.
- Bước 2: Cho nước lô hội cùng dầu quả bơ và dầu cà rốt vào trong máy xay và xay để cho 3 nguyên liệu được hòa quyện đều vào nhau.
- Bước 3: Tiếp tục cho bột kẽm oxit vào và quấy đều tay đến khi hỗn hợp được sánh mịn.
- Bước 4: Đổ thành phẩm ra một hũ thủy tinh sạch (rửa sạch và hấp tiệt trùng), chờ nguội rồi bảo quản kem chống nắng ở trong tủ lạnh. Sử dụng trong vòng 3-4 tuần.
Làm kem chống nắng từ dầu dừa
Dầu dừa có chỉ số SPF tự nhiên là 4-5 cũng như có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ da khỏi bức xạ có hại từ ánh nắng mặt trời. Rõ ràng lượng SPF tự nhiên của dầu dừa là khá thấp và sẽ không đủ để bảo vệ da suốt ngày dài, kể cả bạn có thoa lại kem chống nắng thường xuyên. Vậy nên công thức này vẫn cần bổ sung thêm những thành phần chống nắng thiên nhiên khác như dầu quả mâm xôi, hay dầu cà rốt cũng như là bột oxit kẽm (giống như 2 công thức trên) để tăng tính hiệu quả cho sản phẩm.
Nguyên liệu:
- Dầu oliu: 1/2 cup
- Dầu dừa: 1/4 cup
- Sáp ong: 1/4 cup
- Bột Kẽm oxit: 2 muỗng canh
- Dầu hạt mâm xôi: 1 thìa cà phê (Không bắt buộc)
- Dầu cà rốt: 1 thìa cà phê (Không bắt buộc)
- Bơ hạt mỡ: 2 muỗng canh (Không bắt buộc)
Cách làm:
- Bước 1: Đổ các thành phần, trừ bột kẽm oxit vào trong một hũ thủy tinh sạch, đủ lớn và đậy nắp
- Bước 2: Đun nóng một nồi nước, lượng nước vừa đủ, ước chừng cỡ 1/2 hũ thủy tinh.
- Bước 3: Cho hũ thủy tinh nhẹ nhàng vào trong nồi nước đang sôi.
- Bước 4: Thỉnh thoảng lắc nhẹ hũ thủy tinh hoặc khuấy nhẹ để đảm bảo hỗn hợp tan hết và hòa quyện vào nhau.
- Bước 5: Khi tất cả nguyên liệu đã tan chảy hoàn toàn, bạn cho thêm bột kẽm oxit vào và tiếp tục khuấy đều đến khi hỗn hợp sánh mịn.
- Bước 6: Đổ thành phẩm vào trong hũ thủy tinh hoặc hũ thiếc sạch và chờ nguội. Thỉnh thoảng hãy khuấy nhẹ thành phẩm để đảm bảo bột kẽm oxit đã tan hoàn toàn. Khi đã nguội hoàn toàn, bảo quản kem chống nắng ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc cất trong tủ lạnh để thời hạn sử dụng được dài hơn.
Làm kem chống nắng từ sáp ong (Có khả năng chống thấm nước)
Sử dụng sáp ong trong công thức này sẽ giúp kem chống nắng có thêm được khả năng chống thấm nước vì bản thân thành phần này là sáp. Tuy nhiên, chắc chắn những thành phẩm DIY thì không thể nào “khiên cường” như kem chống nắng công nghiệp được, nên dù có chống thấm nước thì các bạn vẫn cần thoa lại thường xuyên nhé. Nên sử dụng sáp ong dạng viên vì sẽ dễ tan chảy và hòa quyện vào cùng với những nguyên liệu khác hơn.
Nguyên liệu:
- Dầu dừa: 1/4 cup
- Dầu quả bơ: 1/4 cup
- Sáp ong: 1/4 cup
- Bơ hạt mỡ: 1/4 cup
- Dầu hạt mâm xôi: 10 giọt
- Dầu cà rốt: 15 giọt
- Bột kẽm oxit: 2 muỗng canh
Cách làm:
- Bước 1: Chuẩn bị một nồi nước sôi cùng 1 bát hoặc hũ thủy tinh sạch.
- Bước 2: Cho bát hoặc hũ thủy tinh sạch lên trên/vào trong nồi nước sôi và chờ khoảng 30 giây.
- Bước 3: Lần lượt cho dầu dừa, dầu quả bơ và sáp ong vào trong bát/hũ thủy tinh và khuấy đều đến khi nguyên liệu tan chảy và hòa quyện.
- Bước 4: Tắt bếp, tiếp tục cho thêm dầu hạt mâm xôi, dầu cà rốt và bơ hạt mỡ vào và khuấy đều tay. Sau đó cho thêm bột kem oxit và tiếp tục khuấy để bột oxit được tan hết vào trong hỗn hợp.
- Bước 5: Đổ thành phẩm vào trong hũ thủy tinh hoặc hũ thiếc sạch và chờ nguội. Thỉnh thoảng hãy khuấy nhẹ thành phẩm để đảm bảo bột kẽm oxit đã tan hoàn toàn. Khi đã nguội hoàn toàn, bảo quản kem chống nắng ở nơi khô ráo, thoáng mát hoặc cất trong tủ lạnh để thời hạn sử dụng được dài hơn
Một số lưu ý khi tự làm kem chống nắng từ nguyên liệu thiên nhiên
- Tùy thuộc vào loại dầu bạn đang có tại nhà, bạn hoàn toàn có thể thêm/bớt hoặc thay thế với những thành phần khác nhau trong từng công thức kem chống nắng nêu trên để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng.
- Bột kẽm oxit nổi tiếng là sẽ để lại vệt trắng trên da, vậy nên hãy điều chỉnh lượng bột trong những lần tiếp theo nếu bạn thấy thành phẩm cho những lần đầu tiên khá dày và vệt trắng để lại khá rõ nhé.
- Bạn có thể thêm các sản phẩm tinh dầu để tạo mùi hương cũng như làm mềm kem chống nắng giúp bạn dễ dàng sử dụng hơn. Tuy nhiên tuyệt đối không dùng tinh dầu từ các loại quả thuộc họ citrus như quýt, cam, bưởi, chanh vì chúng thường sẽ tạo ra những phản ứng không tốt lên da, có khả năng gây bỏng da.
- Vì là sản phẩm thiên nhiên không có chất bảo quản nên thường hạn sử dụng sẽ khá ngắn, bạn lưu ý điều này để tránh dùng sản phẩm đã bị hết hạn nhé.
- Bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, hoặc tốt nhất là trong tủ lạnh để duy trì được chất lượng dài dâu bạn nhé.
Nếu thực sự không thể “vượt lười” để tự thân mình làm một hũ kem chống nắng cộp mác natural thì hãy click ngay vào những link dưới đây để xem chúng mình có những sản phẩm chống nắng cộp mác “ngon-bổ-giá phải chăng” gì cho bạn nha:
- Top 10 kem chống nắng dành cho da điều trị, da treatment: Toàn “trùm cuối” giúp bảo vệ da đỉnh cao
- Top 10 kem chống nắng không cồn không hương liệu giúp bạn đánh bay nỗi lo kích ứng da mặt
- Top 9 kem chống nắng vật lý đang được giới làm đẹp ưu ái nhất hiện nay
Nếu thấy bài viết bổ ích, hãy tặng lại cho chúng tớ đánh giá 5*, chia sẻ ngay đến hội chị em bạn dì cũng như đừng quên ghé thăm góc Làm đẹp của nhà BlogAnChoi thương xuyên để cập nhật thêm cho mình những tips làm đẹp thú vị, bạn nhé!
đơn giản dễ làm, điểm 10 chất lượng