Bạn có từng cảm thấy hoang mang khi làn da mụn trở nên tồi tệ hơn sau mỗi lần tẩy tế bào chết? Những kỳ vọng về làn da sạch mụn, mịn màng luôn được nhấn mạnh chỉ trong một bước tẩy da chết, thế nhưng sự thật lại là những đốm mụn đỏ bất ngờ xuất hiện. Trong bài viết hôm nay, BlogAnChoi sẽ tiết lộ sự thật về việc tẩy tế bào chết bị nổi mụn, giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân và tìm ra giải pháp để lấy lại làn da khỏe đẹp như mong muốn!
- Lợi ích khi tẩy tế bào chết cho da mụn
- 5 nguyên nhân tẩy tế bào chết bị nổi mụn thường gặp nhất
- Tẩy tế bào chết quá thường xuyên
- Chọn sản phẩm tẩy da chết không phù hợp
- Không dưỡng ẩm đủ cho da sau khi tẩy tế bào chết
- Bỏ quên bước bôi kem chống nắng hằng ngày
- Không làm sạch da tốt trước khi tẩy tế bào chết
- Hướng dẫn cách tẩy tế bào chết cho da mụn đúng cách
- Chọn loại tẩy tế bào chết phù hợp cho da mụn
- Thành phần nên có trong tẩy tế bào chết cho da đang bị mụn
- Quy trình tẩy tế bào chết cho da mụn
- Lưu ý quan trọng để tránh tẩy tế bào chết bị nổi mụn
Lợi ích khi tẩy tế bào chết cho da mụn
Mụn được hình thành là do sự kết hợp bởi nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm:
- Dầu thừa: sản sinh quá mức khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
- Tế bào chết: tích tụ lâu ngày, kết hợp cùng lượng bã nhờn dư thừa gây ra mụn.
- Vi khuẩn gây mụn: Cutibacterium Acnes (trước đây gọi là Propionibacterium Acnes) phát triển.
Ngoài 3 bước chăm sóc da cơ bản (làm sạch, dưỡng ẩm và chống nắng), để cải thiện tình trạng mụn nhanh chóng thì không thể thiếu bước tẩy tế bào chết. Quá trình tẩy tế bào chết đúng cách sẽ giúp “đánh bại” những nốt mụn đáng kể nhờ tác động được vào nhiều cơ chế gây mụn.
- Giải quyết tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, làm bề mặt da láng mịn và thông thoáng hơn.
- Cải thiện chất lượng bã nhờn, dầu thừa và ức chế môi trường lý tưởng để vi khuẩn gây mụn phát triển.
- Tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất của sản phẩm dưỡng da, mang đến hiệu quả nhanh chóng.
- Kích thích tái tạo tế bào mới giúp da được khỏe hơn, mịn màng hơn, làm mờ các vết thâm mụn, dưỡng da sáng khỏe.
5 nguyên nhân tẩy tế bào chết bị nổi mụn thường gặp nhất
Tẩy tế bào chết quá thường xuyên
Ngay cả khi biết rằng tẩy tế bào chết có những lợi ích tuyệt vời cho da mụn, nhưng nhiều cô nàng vẫn “than thở” da mãi vẫn không hết mụn. Nguyên nhân hàng đầu là do thói quen lạm dụng tẩy tế bào chết quá mức. Điều này dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng mà bạn không thể ngờ đến.
- Tổn thương hàng rào bảo vệ da: khiến da mỏng manh do làm mất các lớp lipid của da. Dẫn đến tình trạng kích ứng và mất nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập.
- Kích thích sản xuất dầu: khi lớp màng bảo vệ tổn thương, đồng nghĩa da phải tăng tiết dầu để bù đắp lại lượng nước bị mất. Nhưng tình cờ lại khiến lỗ chân lông dễ bị tắc nghẽn và lên mụn nhiều hơn.
Chọn sản phẩm tẩy da chết không phù hợp
Không đơn thuần chỉ là một sản phẩm tẩy tế bào chết được “quảng cáo” với nhiều công dụng thần kỳ. Bên cạnh đó, một loại tẩy tế bào chết đúng nghĩa cần được đánh giá qua nhiều tiêu chí khác nhau:
- Hạt scrub: nhiều cô nàng bị tình trạng mụn sưng viêm nhiều, nhưng lại tin rằng việc lựa chọn tẩy tế bào chết vật lý sẽ tốt cho da. Từ đó, chọn nhầm các hạt scrub có kích thước lớn gây trầy xước, tăng lực ma sát làm da có nhiều vết thương hở nghiêm trọng.
- Thành phần gây kích ứng: với da mụn thì tình trạng da nhạy cảm sẽ nặng hơn. Thế nên, các nhóm chất như: cồn khô, hương liệu, parabens,… lại dễ gây mụn viêm tiếp diễn.
- Độ pH không phù hợp: tiêu chí này thường được đánh giá qua tẩy tế bào chết hóa học. Chọn độ pH quá thấp (dưới 3 đến 4) làm tăng tính axit, khiến da mất nước, bong tróc và dễ nhạy cảm.
Không dưỡng ẩm đủ cho da sau khi tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết là một bước giúp loại bỏ đi tế bào sừng bảo vệ da trên bề mặt, cũng vì thế sẽ làm da mất nước. Do đó, nếu không cấp ẩm đủ, không phục hồi tốt thì da sẽ bị tổn thương, làm chậm quá trình tái tạo tế bào mới. Dẫn đến tình trạng tẩy tế bào chết bị nổi mụn thường xuyên ngay cả khi đã chọn được một sản phẩm thật tốt.
Bỏ quên bước bôi kem chống nắng hằng ngày
Tác động của tia UVA/UVB luôn ảnh hưởng đáng kể cho làn da, đặc biệt với các bạn vừa tẩy tế bào chết xong. Nếu không chống nắng hay bảo vệ da đủ tốt, thì các tia UV sẽ làm tăng các gốc tự do trong tế bào, gây phản ứng oxy hóa quá mức, dẫn đến da bị mụn nặng hơn. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời còn làm tăng sắc tố khiến cho thâm mụn lâu khỏi, gây lão hóa sớm cho da.
Không làm sạch da tốt trước khi tẩy tế bào chết
Khi tẩy tế bào chết các bạn luôn được khuyên làm sạch da thật tốt trước đó, bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến làn da sau đó. Làm sạch da tốt sẽ giúp loại bỏ được dầu thừa, bụi bẩn đang có. Sau khi đã làm sạch, quá trình tẩy tế bào chết sẽ diễn ra “êm dịu” hơn, nhờ giảm ma sát, tránh được vi khuẩn có hại xâm nhập, ngăn ngừa được tình trạng mụn bọc và mụn mủ đáng kể.
Hướng dẫn cách tẩy tế bào chết cho da mụn đúng cách
Chọn loại tẩy tế bào chết phù hợp cho da mụn
Có hai loại tẩy tế bào chết phổ biến trên thị trường và có thể chọn để dùng tại nhà, đó là: tẩy tế bào chết vật lý và tẩy tế bào chết hóa học. Nhưng đối với da mụn thì câu hỏi được đặt ra là nên chọn loại nào trong đấy.
- Tẩy tế bào chết vật lý: hiệu quả làm sạch nhanh, loại bỏ lớp sừng dày, mang đến cảm giác thông thoáng ngay tức thì. Nhưng nhược điểm dễ gây nhạy cảm, thao tác quá mạnh và hạt scrub lớn sẽ vô tình làm các nốt mụn sưng viêm nặng hơn, nhất là các nốt mụn mủ có nguy cơ vỡ ra gây viêm nhiễm sang các vùng da lành.
- Tẩy tế bào chết hóa học: tác động sâu lỗ chân lông, hiệu quả với nhiều loại mụn khác nhau, cho kết quả nhanh và ổn định theo thời gian. Nhược điểm là cần hiểu và chọn đúng hoạt chất, đặc biệt là nồng độ trong sản phẩm. Đây là dạng tẩy da chết nên ưu tiên khi da đang có mụn.
Thành phần nên có trong tẩy tế bào chết cho da đang bị mụn
Với da đang có mụn nên chọn các dạng tẩy tế bào chết có chứa các thành phần tác động sâu vào lỗ chân lông, đồng thời kiểm soát dầu thừa, bên cạnh đó đừng quên yếu tố phục hồi da trong đấy. Một vài thành phần nên cần có trong một sản phẩm tẩy tế bào chết cho da mụn:
- AHA/BHA
- Niacinamide
- Thành phần kháng viêm: trà xanh, lô hội, cam thảo, rau má,…
- Thành phần làm dịu da: Panthenol (vitamin B5), Allantoin, Hyaluronic Axit, Ceramide,…
Quy trình tẩy tế bào chết cho da mụn
- Làm sạch da: thực hiện phương pháp double cleansing cho da trước khi tẩy tế bào chết. Hãy dùng nước hoặc dầu tẩy trang, sau đó làm sạch một lần nữa với sữa rửa mặt.
- Tẩy tế bào chết: ưu tiên tẩy tế bào chết hóa học khi da đang có mụn, hãy bôi sản phẩm thật nhẹ nhàng, nên bôi trên nền da có độ ẩm để giảm cảm giác châm chích.
- Rửa sạch lại với nước: đối với tình trạng da mụn nhạy cảm, có thể rửa mặt lại sau 5 đến 10 phút, không cần nhất thiết để các dung dịch tẩy tế bào chết qua đêm.
- Dưỡng ẩm cho da: và quan trọng nhất là dưỡng ẩm đầy đủ cho da với các sản phẩm phục hồi, kháng viêm và làm dịu hàng rào bảo vệ da ngay sau đó. Vào buổi sáng hôm sau, cần phải chống nắng thật kỹ.
Lưu ý quan trọng để tránh tẩy tế bào chết bị nổi mụn
Tần suất tẩy tế bào chết phù hợp
Hãy dưỡng da theo tiêu chí “đúng và đủ” cho làn da, không nên quá tham việc tẩy tế bào chết nếu không cần thiết. Về cơ bản, làn da có đến 28 ngày để tái tạo tế bào mới và thay đổi theo độ tuổi, tốc độ này sẽ chậm hơn ở da mụn nên cần tẩy tế bào chết để đẩy nhanh quá trình làm mới da. Do đó, với làn da mụn bạn có thể chọn tần suất 1 lần mỗi tuần, hoặc 1 lần mỗi 2 tuần là được nhé.
Hạn chế các thành phần dễ gây kích ứng da
Một vài thành phần nên cân nhắc hạn chế càng nhiều càng tốt để tránh nguy cơ “bùng phát mụn” trên da như: cồn khô (Alcohol), Sulfates (có trong các sản phẩm làm sạch), hương liệu (Fragrances), các hạt scrubs lớn và thô ráp,…
Patch-test trước khi sử dụng
Để có thể đảm bảo tính an toàn nhất cho da, bạn nên patch-test ở một vài điểm như: cổ tay, sau tai, mặt trong cánh tay,… Quan sát từ 10 phút, có thể lên đến 24 đến 48 giờ xem da có các dấu hiệu kích ứng khác như là: đỏ, ngứa, rát hay nổi mụn mới không.
Kết hợp với các sản phẩm hỗ trợ trị mụn khác
Và đừng quên để cải thiện mụn thì cần tác động vào nhiều cơ chế khác nhau, không thể chỉ dựa mỗi bước tẩy tế bào chết được. Bạn cần kết hợp cùng các sản phẩm Niacinamide, Benzoyl Peroxide, nhóm Retinoids,… tùy vào từng tình trạng cụ thể da đang gặp phải.
Thế là bài viết đến đây đã kết thúc, hi vọng với những thông tin bổ ích BlogAnChoi đã mang lại thật nhiều tips hay ho trên hành trình chăm sóc da của mỗi cô nàng. Tẩy tế bào chết là giải pháp quan trọng giúp làm sạch sâu lỗ chân lông, cải thiện tình trạng dầu thừa và hạn chế mụn hình thành. Thế nhưng, để phát huy được tất cả hiệu quả này, bạn cần có phương pháp tẩy da chết đúng cách để tránh da bị bùng mụn nhé! BlogAnChoi chân thành cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong các chủ đề làm đẹp sắp tới!
Các bạn có thể giúp mình nâng cao chất lượng bài viết bằng cách đánh giá và để lại bình luận phía dưới được không?