Kê Gà không phải là địa điểm “hot” khi mà các bạn trẻ lần lượt khám phá ra những nơi mới mẻ như xã đảo Thạnh An, đảo Thiềng Liềng hay đảo Phước Hải ở Vũng Tàu. Nhưng Kê Gà vẫn luôn xinh đẹp và yên bình như vậy. Nếu không muốn phải bon chen, chờ đợi để được chụp những tấm hình đẹp, ăn những món ngon ở những nơi mới nổi mà người ta ùn ùn kéo đến, thì hãy thử một chuyến dừng chân ở Kê Gà, cảm nhận cảm giác an bình dịp cuối tuần.

Cuối tháng 6, khi hoàn thành hết những bài thi ở trường và vì thèm biển, chúng tôi xách xe đi Kê Gà. Ở Sài Gòn hơn ba năm, đi chơi không biết bao nhiêu nơi, trên núi, dưới biển, chẳng hiểu sao tớ lại cứ bỏ qua Kê Gà chỉ vì nghe người ta bảo “Kê Gà có gì chơi đâu”, “Buồn hiu mày ơi”, “Ra ngoài đó không có gì làm hết”,… Sau chuyến đi này, tôi có thể khẳng định với mọi người, tôi sẽ quay lại Kê Gà nhiều lần nữa.

Hải đăng cổ xưa nhất Đông Nam Á. Ảnh: UcPy
Hải đăng cổ xưa nhất Đông Nam Á (Ảnh: UcPy)

Kê Gà vỏn vẹn bảy hecta, chẳng có bãi cát trải dài hay hàng dừa soi bóng, chỉ có mấy bãi đá tảng ôm trọn đảo, kiên cường và an toàn. Tôi đã từng đến nhiều hải đăng ở Lý Sơn, Mũi Điện, Vũng Tàu,… nhưng Kê Gà là ngọn hải đăng tôi yêu thích nhất, nó trông như một tòa lâu đài cổ kính với kiến trúc Pháp, trên ngọn tháp còn có chim làm tổ, chiều về chúng gọi nhau bay tứ tán nhìn cực kì cuốn hút. Con đường lên cũng lãng mạn nữa, hai bên là hoa sứ cổ thụ, to và cong vòng thành mát che mát rượi luôn. Đứng trên mỏm đất cao nhìn xuống cảnh đẹp lắm.

Ảnh: UcPy
(Ảnh: UcPy)
Con đường dẫn lên Hải đăng mát rượi bóng hoa sứ. Ảnh: UcPy
Con đường dẫn lên Hải đăng mát rượi bóng hoa sứ. (Ảnh: UcPy)

Cả bọn đã chuẩn bị sẵn lều, đến là tìm vị trí đắc địa để dựng ngay, sau lưng là đá, trước mặt là biển, ở trên cao nên không sợ nóng nhé! Dựng lều xong, tranh thủ đi rửa tay chân, mặt mũi, ăn nhẹ rồi lượn vòng vòng đảo ngắm cảnh, chụp hình.

Ảnh: UcPy
(Ảnh: UcPy)
Ảnh: UcPy
(Ảnh: UcPy)

Đến 4h chiều, thủy triều xuống, nước biển cao nhất chỉ đến đầu gối, chúng tôi theo chân một chú “vượt biển” qua đất liền. Cảm giác lúc đó á, chỉ muốn hét lên vì sướng, con đường nối đảo với đất liền hiện lên mờ mờ, mặt trời thì dịu bớt, chụp hình lúc này tuyệt vời ông mặt trời luôn. Tranh thủ tắm biển luôn. Bãi biển rộng, đất cứng nên xe máy chạy vô tư. Thời điểm đi là vào mùa sứa, sứa mắc cạn, trông cứ như mochi nước ấy, trong suốt, đầy trên bãi cát luôn, cẩn thận vì sứa gây ngứa và không ăn được nha. Chơi chán chê, cả đám lội về, tắm rửa để chuẩn bị cho buổi tối. Ở đây có nhà vệ sinh đàng hoàng, ngoài có một cái, trong trạm gác có hai phòng nữa, sạch và rộng hơn.

Nước chỉ ngập tới đầu gối là cao nhất. Ảnh: UcPy
Nước chỉ ngập tới đầu gối là cao nhất. (Ảnh: UcPy)
Mặt cát như tấm gương lớn trong suốt. Ảnh: UcPy
Mặt cát như tấm gương lớn trong suốt. (Ảnh: UcPy)
Lúc này hoàng hôn rồi, chụp hình đổ bóng là đúng chất. Ảnh: UcPy
Lúc này hoàng hôn rồi, chụp hình đổ bóng là đúng chất. (Ảnh: UcPy)
Cảm giác cứ muốn nhảy và la hét. Ảnh: UcPy
Cảm giác cứ muốn nhảy và la hét. (Ảnh: UcPy)

Đốt đống lửa cho tàn lấy than, bắc vỉ nướng đồ ăn, nướng xong thì chất thêm nhiều củi to lên cho ấm và đuổi công trùng. Vào ngày rằm, trăng sáng rực, trải thảm nằm ca hát nói chuyện trên trời dưới đất chán lại rủ nhau ra đá ngồi ngắm biển đêm. Đá ở đây to và bằng phẳng, thoải mái chọn nha.

Đốt lửa chuẩn bị ăn tối nào. Ảnh: UcPy
Đốt lửa chuẩn bị ăn tối nào. (Ảnh: UcPy)
Ảnh: UcPy
(Ảnh: UcPy)

Sáng sớm dậy ngắm bình minh, vệ sinh buổi sáng, tranh thủ chụp choẹt các kiểu, thu dọn lều, đồ đạc xuống trạm gác hải đăng, ăn sáng là mì tôm ly mua theo. Sau đó ra bến đi cano về đất liền.

Ảnh: UcPy
(Ảnh: UcPy)
Nắng sớm tươi mát và sảng khoái. Ảnh: UcPy
Nắng sớm tươi mát và sảng khoái. (Ảnh: UcPy)

Kết thúc một chuyến đi cực kì thú vị, lại không tốn kém. Cảm giác tiếc nuối chẳng muốn về.

Chi tiết đường đi:

Đây là cung đường chúng tôi chọn, theo quốc lộ 51, vào trung tâm thành phố Bà Rịa chỗ có vòng xoay, đi thẳng theo đường Trường Chinh, tức là quốc lộ 55.

Các bạn nên đi đường ven biển, vừa thoáng, đường đẹp mà cảnh cũng khỏi chê. Con đường đó là khi các bạn đang đi theo quốc lộ 55, ngay vòng xoay bưu điện huyện Đất Đỏ, rẽ phải đường 44A, chạy khi nào gặp đường Võ Văn Kiệt rẽ trái, đó là đường ven biển, đến khi hết đường gặp quốc lộ 55 thì rẽ phải chạy thẳng là đến Hàm Tân.

Đến địa phận huyện Hàm Tân, gặp vòng xoay, cứ đi thẳng theo đường Nguyễn Công Trứ, đến khi gặp đường Nguyễn Chí Thanh cắt ngang thì rẽ phải theo Nguyễn Chí Thanh. Khi gặp cây xăng dầu Tân Thuận, các bạn rẽ phải rồi chạy thẳng là đến rồi. Đoạn rẽ qua cây xăng dầu Tân Thuận đến tận Kê Gà, các bạn sẽ được ngắm vườn thanh long ngút mắt, nhà nhà trồng thanh long, tới mùa trái chín hồng trên trụ, đẹp không cưỡng nổi.

Các dịch vụ tại Kê Gà:

  1. Cano ra đảo: Nhà nào có dịch vụ cano đều đặt bảng hiệu rất to, không sợ không tìm thấy đâu. Nhìn chung giá cao nhất là 50k/ người cả đi và về, các bạn có thể trả giá xuống 40k, hoặc 30k nếu đi nhóm trên mười người đấy. Khi được giá, người ta sẽ dắt bạn về nhà, gửi xe ở nhà để đi cano ra đảo.
  2. Ở đây cho thuê lều trại nếu các bạn không chuẩn bị.
  3. Lên đảo, mỗi người đóng 50k cho các chú canh gác hải đăng, coi như là chi phí cho các bạn. Các bạn tắm rửa thoải mái, sáng dậy xuống bếp nấu nước ăn mì hay uống cà phê, sạc điện thoại hay các thiết bị điện khác đều vô tư nhé, các chú thoải mái và vui tính lắm. Các chú còn cho mượn lò nướng và vỉ nướng nữa.

Một số lưu ý nhỏ nhưng cần thiết:

  1. Đoạn quốc lộ 51, công an giao thông hay chốt, các bạn đi cẩn thận và mang giấy tờ đầy đủ.
  2. Mua hải sản có thể ghé chợ Tân Hải, nhưng nếu gặp hôm biển động thì không có gì để mua đâu. Có thể mua ở chợ Kê Gà hoặc mấy vựa hải sản gần khu vực đó.
  3. Khi được giá đi cano, thường là bao gồm tiền giữ xe, các bạn nên hỏi để tránh tình trạng lúc lấy xe lại thu thêm. Các bạn còn có thể mượn thùng đựng đá lạnh của chủ nhà để mang lên đảo uống nước đó.
  4. Thủy triều xuống khoảng từ 17h đến 19h, đừng ham chơi bên đất liền kẻo không về được đảo nha.
  5. Mang theo những vật dụng cá nhân thôi, càng gọn nhẹ càng tốt, nhớ mang theo kem chống côn trùng, bật lửa và áo mưa.
  6. Ở đây kiến lửa nhiều, các bạn nhớ tìm chỗ thoáng, khô ráo để dựng trại, nhớ lót nền kĩ để không bị kiến cắn. Để đồ ăn trên đá hoặc thùng nhựa kẻo lại thu hút bọn kiến và mấy em chó của mấy chú gác hải đăng nuôi.

Còn ngại gì mà không xách ba lô và lên đường dịp cuối tuần này!

Xem thêm

Tham quan Công viên Thủ Lệ: Giá vé bao nhiêu, có gì thú vị?

Giá vé, cách di chuyển đến vườn thú Thủ Lệ, nên đi bằng phương tiện gì, chơi gì, ăn gì ở công viên cũng như kinh nghiệm tham quan công viên Thủ Lệ Hà Nội sẽ là nội dung được BlogAnChoi giới thiệu trong bài viết dưới đây. Mời bạn đón đọc nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận