Thị trường smartphone Việt Nam đã từng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khá nhiều thương hiệu nội địa như VSmart, Mobiistar, Bphone hay Asanzo,… Và cũng có những thời điểm những cái tên “made in Vietnam” này đã chiếm được thị phần đáng kể và trở thành một trong những lựa chọn quen thuộc của người tiêu dùng nhờ giá thành hấp dẫn. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt với các ông lớn quốc tế, nhiều thương hiệu đã không thể trụ vững và dần dần biến mất khỏi thị trường. Hãy cùng BlogAnChoi nhìn lại hành trình của những thương hiệu điện thoại Việt đã từng tạo dấu ấn nhưng lại sớm “lụi tàn” bạn nhé.

Vsmart: Từng là niềm hy vọng lớn nhất

Vsmart ra đời vào năm 2018 với tư cách là thương hiệu smartphone thuộc tập đoàn Vingroup, mang theo khát vọng đưa đất nước ta tiến vào “bản đồ” công nghệ di động toàn cầu. Ngay từ những bước đi đầu tiên, hãng đã gây ấn tượng mạnh khi tung ra thị trường một loạt model như Joy 1, Active 1 và Live – tất cả đều là những sản phẩm được đánh giá cao về hiệu năng lẫn giá thành.

Năm 2020 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Vsmart khi ra mắt Aris Pro là một trong những chiếc smartphone tiên phong trên thế giới ứng dụng công nghệ camera ẩn dưới màn hình vô cùng tiên tiến. Thành công vang dội của thương hiệu còn được thể hiện qua việc nhanh chóng chiếm lĩnh 16,7% thị phần sau chỉ 15 tháng hoạt động, từ đó biến Vsmart trở thành một trong ba thương hiệu điện thoại hàng đầu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến năm 2021, Vsmart bất ngờ thông báo ngừng sản xuất mảng điện thoại do định hướng chiến lược mới của Vingroup, khi tập đoàn nhận định rằng lĩnh vực smartphone không còn tạo ra đột phá như mong đợi và quyết định chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như ô tô điện hay trí tuệ nhân tạo. Sự rút lui của Vsmart đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người dùng Việt, bởi đây là thương hiệu nội địa hiếm hoi đủ năng lực cạnh tranh với các “đại gia” công nghệ toàn cầu như Samsung, Apple và Xiaomi trên chính sân nhà Việt Nam, nơi mà người dùng từ xưa đến nay chỉ biết đến và thích sử dụng các thương hiệu đến từ Mĩ, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Chiếc điện thoại Vsmart Iris Pro (Nguồn: Internet)
Chiếc điện thoại Vsmart Iris Pro (Nguồn: Internet)

Mobiistar: “Ngôi sao” của phân khúc giá rẻ

Mobiistar sau khi được thành lập vào năm 2009 đã nhanh chóng ghi dấu ấn trên thị trường smartphone Việt Nam với chiến lược tập trung vào phân khúc giá rẻ. Thông qua các sản phẩm đặc trưng như LAI Yuna và Prime X Grand, thương hiệu này đã thành công lọt vào top 5 nhà sản xuất điện thoại được ưa chuộng nhất tại Việt Nam vào năm 2017. Thành công trong nước đã thôi thúc Mobiistar mở rộng tầm nhìn ra thị trường quốc tế, dẫn đến quyết định đầy tham vọng khi tấn công vào thị trường Ấn Độ vào năm 2018 – một thị trường rộng lớn với nhu cầu cao về smartphone có giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, hành trình quốc tế hóa của Mobiistar đã gặp phải những khó khăn không thể nào lường trước. Sự sụp đổ của các đối tác tài chính tại Ấn Độ đã khiến hãng rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về vốn. Khi buộc phải quay trở lại thị trường Việt Nam, Mobiistar đã không thể khôi phục vị thế ban đầu do thị phần đã bị các đối thủ chiếm lĩnh cũng như doanh số sụt giảm mạnh. Đến năm 2019, thương hiệu này chính thức kết thúc hành trình của mình trong ngành công nghiệp smartphone, để lại nhiều tiếc nuối cho những người dùng đã gắn bó lâu dài với thương hiệu trong thời gian vừa rồi.

Một chiếc smartphone thuộc thương hiệu Mobiistar (Nguồn: Internet)
Một chiếc smartphone thuộc thương hiệu Mobiistar (Nguồn: Internet)

Bphone: Tham vọng lớn nhưng thành công “khiêm tốn”

Bphone đánh dấu sự xuất hiện của mình trên thị trường smartphone Việt Nam vào năm 2015 với tư cách là thương hiệu điện thoại của BKAV. Buổi ra mắt của Bphone đã gây chú ý với những tuyên bố đầy tham vọng từ CEO Nguyễn Tử Quảng, khi sản phẩm được giới thiệu là “hơn cả iPhone” và “đẹp nhất thế giới”. Tuy nhiên, những tuyên bố này đã tạo ra kỳ vọng quá lớn mà sản phẩm thực tế chưa thể đáp ứng được như những gì mà vị CEO trên đã nêu lên.

Trong những năm tiếp theo, BKAV liên tục cho ra mắt các thế hệ sản phẩm mới như Bphone 2 (2017), Bphone 3 (2018) và Bphone B86 (2020). Mặc dù có những cải tiến nhất định, các model này vẫn gặp nhiều thách thức trong việc cạnh tranh trên thị trường do những hạn chế về phần mềm, tốc độ cập nhật chậm cùng mức giá chưa thực sự cạnh tranh so với các đối thủ cùng phân khúc.

Sau 8 năm hoạt động, Bphone vẫn chưa thể tạo được vị thế vững chắc trong thị trường smartphone Việt Nam. Dù thương hiệu ở thời điểm hiện tại vẫn duy trì việc phát triển và ra mắt sản phẩm mới nhưng sự hiện diện của Bphone trong các cuộc đua smartphone đang ngày càng trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết, cho thấy những thách thức lớn trong việc cạnh tranh với các ông lớn quốc tế ở nước ta.

Một số màu sắc của chiếc smartphone Bphone B86 (Nguồn: Internet)
Một số màu sắc của chiếc smartphone Bphone B86 (Nguồn: Internet)

Asanzo: Từ thành công cho đến khủng hoảng

Một doanh nghiệp đã gây dựng được tiếng tăm trong lĩnh vực sản xuất tivi giá rẻ là Asanzo đã quyết định mở rộng sang thị trường smartphone vào năm 2017. Bắt đầu từ thời điểm đó, công ty đã ra mắt các model điện thoại như Z5 và S5 nhằm nhắm vào phân khúc giá rẻ. Chiến lược ban đầu của Asanzo khá hiệu quả khi tận dụng được mạng lưới phân phối rộng khắp cùng mức giá cạnh tranh để thu hút thêm nhiều người tiêu dùng Việt.

Tuy nhiên, bước ngoặt đáng tiếc đã xảy ra vào năm 2019 khi Asanzo vướng vào scandal về nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, công ty bị phát hiện nhập linh kiện từ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn “Made in Vietnam” từ đó tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Hậu quả của scandal này đã làm cho uy tín của thương hiệu bị tổn hại nặng nề cũng như doanh số bị sụt giảm mạnh, và sau đó là sự biến mất gần như hoàn toàn của Asanzo khỏi thị trường smartphone Việt Nam.

Chiếc smartphone Asanzo S3 (Nguồn: Internet)
Chiếc smartphone Asanzo S3 (Nguồn: Internet)

Masstel: Vẫn tồn tại nhưng không quá nổi bật

Thay vì là những lần phá sản hay thất bại, Masstel sẽ kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khác biệt hoàn toàn so với các thương hiệu điện thoại Việt đã từng nổi tiếng. Được thành lập vào năm 2010 bởi Công ty CP Masscom Việt Nam, Masstel đã chọn một con đường phát triển thận trọng và bền vững hơn khi thay vì đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp trong thị trường smartphone cao cấp, thương hiệu này đã và đang tập trung vào phân khúc điện thoại phổ thông giá rẻ – đặc biệt là các model điện thoại “cục gạch” truyền thống.

Đến nay, Masstel vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định với danh mục sản phẩm đa dạng bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng cùng các phụ kiện công nghệ đi kèm. Mặc dù chưa thể trở thành một thương hiệu smartphone nổi bật như những kỳ vọng ban đầu nhưng với chiến lược kinh doanh đầy thực tế và phù hợp với thị trường ngách đã giúp Masstel tồn tại bền vững trong ngành công nghiệp điện thoại di động Việt Nam hiện nay.

Một chiếc tablet thuộc thương hiệu Masstel với cái tên Masstel Tab 8.2 (Nguồn: Internet)
Một chiếc tablet thuộc thương hiệu Masstel với cái tên Masstel Tab 8.2 (Nguồn: Internet)

Liệu Việt Nam có còn cơ hội xuất hiện thêm một thương hiệu Smartphone “làm mưa làm gió” khác nữa hay không?

Mặc dù hiện tại thị trường smartphone Việt Nam đang vắng bóng các thương hiệu nội địa mạnh nhưng cơ hội phát triển vẫn còn đó nếu các doanh nghiệp có chiến lược phù hợp hơn. Dù con đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với những kế hoạch đúng đắn cùng việc được đầu tư một cách nghiêm túc, smartphone Việt vẫn có cơ hội trở lại mạnh mẽ trong tương lai. Khả năng xuất hiện một thương hiệu Việt có đủ tiềm lực cạnh tranh với các hãng quốc tế vẫn là một kỳ vọng đáng để chúng ta theo dõi và chờ đợi.

Xem thêm

Galaxy S25 Ultra: Ai không nên sắm mẫu flagship mới của Samsung?

Galaxy S25 Ultra là một flagship cao cấp với nhiều cải tiến đáng giá, nhưng không phải ai cũng cần đến tất cả những tính năng mới này. Trước khi quyết định chi một khoản tiền lớn, bạn nên cân nhắc xem liệu chiếc điện thoại này có thực sự phù hợp với nhu cầu của mình hay không. ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận