Là “tân binh” đến từ tập đoàn PDD Holdings, Temu nhanh chóng gây chú ý nhờ chiến lược giá rẻ và mô hình kinh doanh xuyên biên giới ở một số quốc gia. Sự xuất hiện của sàn bán hàng này tại thị trường Việt Nam mới đây đã tạo nên một làn gió mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, nơi vốn đã sôi động với những tên tuổi quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki,… và gần đây nhất là TikTok Shop. Vậy liệu Temu sẽ có những “bài tẩy” nào để cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn trên sân chơi này? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Giới thiệu về Temu
Ra mắt năm 2022 tại Boston (Mỹ), Temu đã nhanh chóng mở rộng thị trường từ Bắc Mỹ sang các nước Đông Nam Á và trong đó có Việt Nam ta. Điểm độc đáo của Temu nằm ở mô hình kinh doanh trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, từ đó loại bỏ chi phí trung gian không cần thiết. Với tên gọi mang ý nghĩa “Hợp tác để giảm giá”, Temu khẳng định cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý nhờ tận dụng hiệu quả mạng lưới đối tác sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Các yếu tố cạnh tranh của Temu
Giá thành cạnh tranh
Điểm nổi bật của Temu nằm ở chính sách giá siêu hấp dẫn nhờ mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Tại mục “Ưu đãi chớp nhoáng”, người dùng dễ dàng tìm thấy các sản phẩm có giá thấp hơn đáng kể so với các sàn TMĐT khác. Điển hình như hub chuyển đổi 7 in 1 chỉ có giá hơn 90.000 đồng trên Temu, trong khi sản phẩm tương tự trên Shopee dao động từ 300.000 – 400.000 đồng.
Trải nghiệm mua sắm thuận tiện
Temu mang đến giao diện thân thiện với người dùng Việt do có cấu trúc quen thuộc tương tự Shopee và Lazada. Banner khuyến mãi và mục “Ưu đãi chớp nhoáng” được bố trí nổi bật, giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc nắm bắt các chương trình ưu đãi. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng hỗ trợ đầy đủ tiếng Việt và đa dạng phương thức đăng nhập từ email, số điện thoại cho đến các tài khoản mạng xã hội như Google, Facebook và Apple ID.
Chế độ miễn phí vận chuyển và hỗ trợ giao hàng
Temu nổi bật với chính sách miễn phí vận chuyển cho mọi đơn hàng – một ưu đãi vô cùng hấp dẫn để thu hút thêm nhiều khách hàng mới đến với sàn TMDT này hơn. Đặc biệt, Temu còn áp dụng chính sách bồi thường bằng voucher 25.000 đồng cho các trường hợp giao hàng trễ hẹn, thể hiện sự cam kết về chất lượng dịch vụ của sàn luôn được đảm bảo trong tình trạng tốt nhất.
Thông qua hợp tác chiến lược với hai nhà vận chuyển uy tín BEST Express và Ninjavan, Temu đảm bảo trải nghiệm mua sắm trơn tru, nhanh chóng và đáng tin cậy. Đây chính là những điểm mạnh giúp Temu chinh phục và giữ chân khách hàng trong môi trường cạnh tranh gay gắt của thị trường TMĐT ở Việt Nam hiện nay.
Những hạn chế của temu tại Việt Nam
Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi bật, song Temu vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục nếu muốn cạnh tranh hiệu quả với Shopee và Lazada.
Thiếu các gian hàng chính hãng
Một điểm yếu đáng chú ý của Temu nằm ở việc nó thiếu các gian hàng chính hãng tương tự như Shopee Mall hay LazMall. Hiện tại, Temu chỉ đưa ra dấu hiệu “Được ủy quyền bởi…” nhưng không cung cấp những cam kết về tính chính hãng của sản phẩm. Đây có thể là một trở ngại lớn, đặc biệt khi người dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề hàng giả, hàng nhái và cần đảm bảo mua được sản phẩm chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín.
Phương thức thanh toán hạn chế
Trải nghiệm thanh toán tại Temu hiện đang là một thách thức đối với người dùng Việt Nam do sự hạn chế trong các phương thức thanh toán. Trên nền tảng iOS, người dùng chỉ có thể lựa chọn giữa Apple Pay và thẻ thanh toán quốc tế, còn trên hệ điều hành Android, khả năng thanh toán lại càng thu hẹp với duy nhất một kênh là thẻ thanh toán quốc tế.
Hạn chế này tạo ra rào cản không nhỏ cho nhiều khách hàng, đặc biệt là những người chưa sở hữu thẻ thanh toán quốc tế hoặc Apple Pay. Để nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng thị trường, việc bổ sung thêm phương thức thanh toán COD (giao hàng và thu tiền) là giải pháp then chốt giúp Temu gia tăng tính cạnh tranh và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Hạn chế trong danh mục sản phẩm
Danh mục sản phẩm trên Temu hiện tại vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng Việt Nam. Một số mặt hàng phổ biến như Xiaomi Band hay các dòng điện thoại Xiaomi vẫn chưa xuất hiện trên sàn này, mặc dù Xiaomi là thương hiệu nổi tiếng và phổ biến ở Việt Nam. Hơn nữa, phần lớn sản phẩm trên Temu đến từ các thương hiệu ít được biết đến, từ đó tạo ra rào cản tâm lý nhất định cho người dùng mới.
Tiềm năng phát triển của temu tại Việt Nam
Dù còn nhiều hạn chế, song Temu vẫn sở hữu tiềm năng phát triển rất lớn tại thị trường Việt Nam. Chiến lược bán hàng giá rẻ và loại bỏ trung gian mang lại nhiều lợi thế cho Temu trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả. Người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt là nhóm người dùng trẻ thường có xu hướng thích thử nghiệm các sản phẩm giá rẻ từ các nền tảng mới, từ đó có thể giúp Temu nhanh chóng xây dựng cho mình tệp khách hàng riêng.
Ngoài ra, Temu cũng có cơ hội mở rộng thêm các phương thức thanh toán cũng như cải thiện nguồn cung sản phẩm để thu hút thêm người dùng hơn nữa. Nếu Temu có thể khắc phục được các điểm yếu này, nền tảng sẽ có thể tăng cường khả năng cạnh tranh với Lazada và thậm chí là Shopee – Ông trùm TMDT tại Việt nam ở thời điểm hiện tại.
Kết luận
Temu đã tạo nên tiếng vang trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam với chiến lược kinh doanh độc đáo khi tập trung vào việc cung cấp sản phẩm với mức giá cạnh tranh cùng trải nghiệm mua sắm thuận tiện. Tuy nhiên, để không chỉ là “người chơi mới” mà còn phải trở thành đối thủ đáng gờm của các nền tảng lớn như Shopee hay Lazada, Temu cần thực hiện thêm nhiều chiến lược quan trọng trong thời gian sắp tới.
Nếu bạn cảm thấy bài viết này có ích, hãy để lại một lời đánh giá tích cực và động viên mình tiếp tục chia sẻ những kiến thức hữu ích hơn nữa.