Năm 2021, Lionel Messi xuất sắc chiến thắng danh hiệu Quả Bóng Vàng (tiếng Pháp: Ballon d’Or) và đã gây ra vô vàn những sự tranh cãi trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá. Rất nhiều người đã cho rằng siêu sao sinh năm 1987 không hề xứng đáng với giải thưởng này, danh hiệu này cũng đã đánh mất những chuẩn mực vốn có của nó. Việc Messi liệu có thật sự xứng đáng hay không thì hãy tạm gác qua một bên và giờ hãy cùng BlogAnChoi điểm qua những Quả Bóng Vàng gây tranh cãi nhất trong lịch sử làng túc cầu nhé!
Luis Figo (2000)
Mùa giải 1999/2000 Luis Figo là một trong những ngôi sao sáng của làng túc cầu. Dù rằng được vinh danh như cầu thủ xuất sắc nhất năm 2000, nhưng Figo lại không có một danh hiệu lớn nào. Anh về nhì ở La Liga cùng Barcelona, dừng bước tại bán kết Cúp Nhà vua và sau đó bị Valencia loại ở bán kết Champions League. Ở cấp độ ĐTQG, Figo cũng chỉ cùng đội tuyển Bồ Đào Nha tiến đến bán kết kỳ Euro năm 2000.
Ngoài ra Figo cũng trở thành tâm điểm của sự tranh cãi khi anh chuyển sang Real Madrid – đại kình địch không đội trời chung với Barca. Do đó, mọi người đã cho rằng nhờ có sự hậu thuẫn của chủ tịch Florentino Perez mà Luis Figo mới có thể đạt danh hiệu QBV 2000. Sự tranh cãi nổ ra lớn hơn khi mọi người cho rằng Figo không hề xứng đáng có được QBV mà đó phải là Zinedine Zidane.
Trong năm ấy, Zidane cũng là một trong những ngôi sao sáng giá nhất của Series A và thế giới bóng đá. Zizou là nhân tố quan trọng nhất giúp đội tuyển Pháp lên ngôi Euro 2000, giành được cú đúp danh hiệu cao quý sau kỳ World Cúp 1998 để rồi cũng chỉ ngậm ngùi về thứ nhì trong danh sách QBV năm ấy với 181 điểm (Figo 197 điểm).
Michael Owen (2001)
Nếu như nói về Quả Bóng Vàng gây tranh cãi thì không thể quên việc Michael Owen giành giải thưởng này năm 2001. Owen khi đó là một trong những tiền đạo hàng đầu châu Âu và cùng Liverpool giành hat-trick danh hiệu “hạng 2”: FA Cup, League Cup và UEFA Cup, cũng như góp mặt cùng tuyển Anh ở chiến dịch vòng loại World Cup 2002.
Tuy nhiên Owen và Liverpool lại không thành công ở Premier League khi chỉ về thứ 3 sau 2 đại kình địch là Man United và Arsenal. Cầu thủ người Anh đã khiến tất cả phải bất ngờ khi có được QBV 2001 với 24 bàn thắng, vượt trên cả ngôi sao Raul của Real Madrid với 32 bàn thắng và giúp Los Blancos giành La Liga lần thứ 28. Ngoài ra có một ngôi sao khác mà mọi người cho rằng cũng rất xứng đáng giành QBV năm ấy đó là thủ môn Oliver Kahn. Anh là người gác đền xuất sắc góp công lớn giúp Bayern Munich vô địch Bundesliga, Champions League và Cúp liên lục địa 2001.
Pavel Nedved (2003)
Năm 2003, rất nhiều người hâm mộ tin rằng Thiery Henry của Arsenal là ứng cử viên số 1 cho QBV năm đó. Tiền đạo người Pháp đã thể hiện phong độ chói sáng khi ghi tới 42 bàn thắng và có 26 đường kiến tạo cho đồng đội lập công trong 1 năm dương lịch. Nhưng cuối cùng, mọi thứ bất ngờ “quay xe” khi cầu thủ được vinh danh xuất sắc của năm lại là Pavel Nedved – tiền vệ của Juventus khi đó.
Không hề phủ nhận Nedved đã có một năm thành công khi là nhân tố quan trọng giúp “Bà đầm già thành Turin” Juve lên ngôi vô địch Series A và tiến vào trận chung kết UEFA Champions League mùa 2002/03. Xét trên phương diện cá nhân, tiền vệ người Cộng hòa Séc khó mà so được với Henry nhưng có lẽ điểm trừ lớn nhất của tiền đạo thuộc biên chế Arsenal là anh và CLB không có được một danh hiệu lớn nào ở mùa giải năm ấy.
Andriy Shevchenko (2004)
Năm 2004 tiền đạo Shevchenko có một mùa giải thành công khi giành danh hiệu Series A sau 5 năm ròng rã cùng AC Milan. Cầu thủ người Ukraine cũng được vinh danh với danh hiệu “Vua phá lưới” của giải đấu. Tuy vậy, việc Shevchenko được vinh danh là cầu thủ hay nhất năm đã gây ra vô vàn tranh cãi trong giới hâm mộ túc cầu. Bởi cùng năm đó, “Đứa con của thần gió” Thiery Henry là đầu tàu giúp Arsenal vô địch Ngoại hạng Anh một cách vô cùng thuyết phục với chuỗi 38 trận bất bại.
Henry chính là “Vua phá lưới” của giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh với 30 bàn thắng. Ngoài ra còn có một ngôi sao mà mọi người cho rằng xứng đáng nhất giành QBV 2004 đó là tiền vệ của Porto – Deco. Anh là nhân tố quan trọng giúp Porto giành cú đúp danh hiệu với Primeira Liga và Champions League 2003/04. Deco cũng thi đấu rất tốt để giúp tuyển Bồ Đào Nha lọt vào chung kết Euro cùng năm.
Fabio Cannavaro (2006)
Năm 2006, Fabio Cannavaro xuất sắc lên đỉnh thế giới cùng tuyển Ý với chức vô địch World Cup. Năm đó, cuộc đua đến danh hiệu cá nhân quan trọng nhất được định đoạt bởi trận chung kết giải vô địch thế giới. Điều đáng tiếc nhất là Juventus của Cannavaro bị tước đi chức vô địch Series A do những vết nhơ không thể gột rửa mà Calciopoli để lại.
Đồng ý rằng Cannavaro khi đó là một trong những trung vệ hay nhất thế giới và góp công không nhỏ giúp Ý vô địch World Cup lần thứ 4 trong lịch sử. Nhưng bên cạnh Cannavaro, còn đó những Zidane, Buffon hay đương kim QBV 2005 Ronaldinho xuất sắc chẳng kém. Zidane ghi 8 bàn và có 12 kiến tạo trong mùa giải cuối cùng với Real và cũng rực sáng giúp Pháp vào đến chung kết WC. Buffon cũng thi đấu tuyệt vời, là chốt chặn quan trọng trong chiến dịch WC cùng năm của đội tuyển Ý. Ronaldinho thì khỏi phải bàn, anh là nhân tố chủ chốt giúp Barca giành La Liga và Champions League.
Lionel Messi (2010)
QBV năm 2010 bị nhiều fan hâm mộ bóng đá coi là một “vụ cướp trắng trợn” khi mà năm ấy, rất nhiều người cho rằng không ai xứng đáng hơn tiền vệ Wesley Sneijder của Inter Milan. Nhưng khi Messi được xướng danh, tất cả đã phải ngỡ ngàng. Messi quả thực vẫn thể hiện xuất sắc khi ghi được 34 bàn, giành danh hiệu “Vua phá lưới” và giúp Barca lên ngôi La Liga. Nhưng điểm trừ lớn của siêu sao người Argentina lại là việc anh thi đấu dưới sức ở kỳ WC cùng năm và không thể ghi nổi 1 bàn nào.
Còn Snejder thì trái ngược hẳn với Messi. Anh là hạt nhân quan trọng khi giúp Inter giành cú ăn 3 lịch sử mùa 2009/10 với Serie A, Coppa Italia và Champions League. Đồng thời tiền vệ của Inter cũng là nhạc trưởng giúp đội tuyển Hà Lan lọt vào tới chung kết WC 2010. Thậm chí mọi người nói rằng, kể cả không phải là Snejder thì ít ra người thắng cuộc cũng phải là Xavi hoặc Iniesta – bộ đôi cùng Tây Ban Nha lên ngôi WC năm ấy. Đặc biệt là Iniesta, khi anh là chủ nhân của bàn thắng vàng giúp La Roja lên đỉnh thế giới lần đầu tiên trong lịch sử. Dường như chỉ có Chúa mới biết lí do mà Snejder không có được QBV 2010.
Cristiano Ronaldo (2013)
Giống với năm 2010, thì QBV năm 2013 cũng bị chỉ trích là một “vụ cướp” thứ 2 khi mà người giành giải là Cristiano Ronaldo. Bởi lúc ấy người ta tin rằng chủ nhân của QBV năm ấy nên là Frank Ribery khi mà anh đóng góp rất nhiều trong một năm đại thành công của “Hùm xám xứ Bavaria” với cú ăn 5 thần thánh: Bundesliga, Cúp quốc gia Đức, Champions League, Siêu cúp Châu Âu và FIFA Club World Cup.
Đối với Ronaldo, trong năm 2013 anh lại không có danh hiệu lớn nào với Real Madrid. Điểm nhấn lớn nhất của siêu sao người Bồ là màn toả sáng với cú hat-trick kinh điển giúp Bồ Đào Nha giành vé vớt dự WC 2014. Điều làm mọi người “shock” hơn nữa là Ribery thậm chí chỉ xếp thứ 3, sau đương kim QBV 2012 Messi. Dù rằng siêu sao người Argentina đạt danh hiệu “Vua phá lưới” và vô địch La Liga nhưng ở bán kết C1 mùa 2012/13, Barca của Messi đã bị Bayern huỷ diệt với tỉ số 7-0 sau 2 lượt trận. Có lẽ chỉ có hỏi FIFA thì chúng ta mới biết vì sao Ribery lại không được QBV năm 2013 mà thôi.
Trên đây là những Quả bóng vàng gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử túc cầu thế giới. Đó chỉ là những nhận định chủ quan nên nếu không đồng ý hay có ý kiến gì khác, các bạn hãy theo dõi chuyên mục Thể thao của BlogAnChoi và để lại những comment để chúng mình biết nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Top 10 cầu thủ bóng đá đắt giá nhất thế giới hiện nay: Các sao trẻ chiếm ngôi đầu
- Những ứng cử viên vô địch World Cup 2022: Brazil rộng cửa, Pháp và Anh cạnh tranh?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!