Bạn có biết về các thành phần độc hại trong mỹ phẩm? Trên thị trường xuất hiện vô số loại mỹ phẩm chứa một lượng lớn các chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài mà chúng ta không hề hay biết. Vì vậy, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu 7 thành phần tuyệt đối tránh xa khi sử dụng mỹ phẩm qua bài viết dưới đây nha.
Cách nhận biết mỹ phẩm chứa thành phần độc hại
Để đảm bảo rằng bạn không hấp thụ những hóa chất độc hại vào cơ thể, khi chọn mua mỹ phẩm hãy luôn kiểm tra toàn bộ danh sách thành phần được liệt kê ở mặt sau của sản phẩm. Đồng thời lựa chọn những thương hiệu có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm chứng.
Người tiêu dùng thường dễ bị thu hút bởi bao bì đẹp mắt, những từ ngữ lôi cuốn như “tăng cường độ đàn hồi” hay “lâu trôi suốt nhiều giờ”. Nhưng bản chất bên trong của những sản phẩm này mới là điều đáng để chúng ta phải quan tâm.
7 thành phần độc hại trong mỹ phẩm cần tránh xa
1. Paraben
Paraben hiện là một điều cấm kỵ trong thế giới mỹ phẩm. Từng được tìm thấy trong hàng nghìn sản phẩm làm đẹp – từ đồ trang điểm, kem dưỡng ẩm, gel cạo râu cho đến dầu gội. Tuy tỷ lệ Paraben đang được điều chỉnh giảm dần, nhưng trên thị trường vẫn tồn tại rất nhiều sản phẩm sử dụng thành phần này mà người dùng không để ý.
Paraben là một loại hóa chất không mấy tốt đẹp được sử dụng làm chất bảo quản trong sản phẩm làm đẹp, hoạt động với cơ chế ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy chúng có mặt ở khắp mọi nơi, từ phòng tắm cho đến tủ bếp của mọi gia đình. Sự tiếp xúc với Paraben về lâu dài sẽ khiến cơ thể bị quá tải với hóa chất, từ đó gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Cụ thể, Paraben khi xâm nhập vào da sẽ phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố mỏng manh của cơ thể, nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm như ung thư vú, ung thư da và nhiều vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản, phát triển. Nếu sản phẩm bạn đang sử dụng chứa các thành phần kết thúc bằng đuôi “paraben” như: Methylparaben, ethylparaben, propylparaben, butylparaben hay isobutylparaben. Lúc này bạn nên tìm kiếm sản phẩm khác thay thế an toàn và lành tính hơn.
2. Chì (son môi)
Bạn có biết rằng nhiều loại son môi trên thị trường có chứa chì? Phần lớn khi lựa chọn son môi, chúng ta thường chỉ chú ý về màu sắc, kết cấu của son mà bỏ qua việc tìm hiểu thông tin thành phần làm nên chúng. Khi đó, bạn đã vô tình đưa một lượng hóa chất độc hại vào trong cơ thể mà không hề hay biết.
Thực tế lượng chì trong son môi rất ít. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy không có mức độ tiếp xúc an toàn nào với chì. Chì là một chất độc thần kinh và có khả năng gây nguy hiểm dù với một lượng nhỏ. Các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo rõ ràng rằng tất cả các mức độ tiếp xúc với chì đều không tốt cho sức khỏe.
Hiện nay, trên thị trường ra đời rất nhiều dòng son môi không chì với màu sắc và chất lượng không thua kém những thỏi son truyền thống. Đây được xem như một lựa chọn thay thế vô cùng tuyệt vời khi bạn muốn sở hữu đôi môi tươi tắn suốt ngày dài mà không cần lo ngại vấn đề về sức khỏe.
3. Silicone (các sản phẩm phấn nền)
Một thành phần khác cần tránh trong mỹ phẩm chính là Silicone. Thật không may, Silicon lại được tìm thấy trong nhiều sản phẩm phấn nền. Tuy không độc hại như chì nhưng lại có ảnh hưởng xấu đến làn da.
Silicone có tác dụng làm cho làn da trở nên mịn màng, chắc khỏe và đều màu hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mang lại, thành phần này cũng gây bít tắc lỗ chân lông, ngăn không cho da đào thải các chất cặn bã nguyên nhân hình thành mụn.
4. Ammonia (thuốc nhuộm tóc)
Ammonia (hay Ammoniac) được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm thuốc nhuộm – tẩy tóc giúp tóc dễ dàng hấp thụ và bám màu lâu hơn. Mặc dù thành phần của các sản phẩm dành cho tóc đã được thay đổi qua nhiều năm để tránh gây tổn thương lớn cho da đầu nhưng nó vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần lưu ý.
Trong số tất cả các hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, Ammonia là một trong những hóa chất tồi tệ nhất. Chúng phản ứng với độ ẩm ngay khi tiếp xúc với da hoặc mắt và biến thành Amoni Hydroxit. Hợp chất này làm hỏng màng tế bào, từ đó gây viêm da cùng nhiều tổn thương khác.
Ammonia với hàm lượng cao có thể gây kích ứng da đầu hoặc tệ hơn là rụng tóc. Mọi sản phẩm chứa thành phần này không được khuyến khích cho những người mắc bệnh chàm hoặc viêm da tiết bã.
Ngày nay trên thị trường có nhiều loại thuốc nhuộm tóc thảo dược với đặc điểm lành tính hơn bạn nên tìm hiểu hoặc thay thế bằng các phương pháp nhuộm tóc tự nhiên nhằm hạn chế tối đa tác hại khôn lường của thuốc nhuộm thông thường.
Mua thuốc nhuộm tóc thảo dược tại đây
5. Phthalate
Phthalates (còn được gọi là chất hóa dẻo) là hợp chất hóa học thường được thêm vào nhựa giúp tăng độ cứng, bền, độ trong suốt và tính linh hoạt của chúng. Ngoài ra, Phthalates còn hoạt động như một dung môi hoặc chất liên kết trong nhiều dòng mỹ phẩm làm đẹp.
Phthalates được thêm vào sản phẩm nhằm kéo dài thời hạn sử dụng, bảo quản hương thơm cũng như màu sắc. Vì vậy, hợp chất này được tìm thấy nhiều trong các sản phẩm làm đẹp phổ biến như: Sơn móng tay, kem chống nắng, đồ trang điểm, kem dưỡng da, chất khử mùi,…
Việc tích lũy Phthalate trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thống nội tiết cùng hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Rochester (Hoa Kỳ) đã xác nhận Phthalates là chất gây nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi khiến tình trạng kháng Insulin tăng lên khi tiếp xúc.
Một số quốc gia đã thiết lập các hạn chế và quy định nghiêm ngặt đối với việc sử dụng phthalate trong quá trình sản xuất.
6. SLS VÀ SLE
SLS (Sodium Lauryl Sulfate) hay SLE (Sodium Laureth Sulfate) là các hợp chất được hình thành từ dầu mỏ và có nguồn gốc từ các loài thực vật như dừa, dầu cọ. Chúng được bổ sung vào các sản phẩm chăm sóc da cho tác dụng tạo bọt, điển hình như: Dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt, nước súc miệng và kem đánh răng. Việc sử dụng các sản phẩm tạo bọt đem lại cho chúng ta cảm giác như được làm sạch tối đa.
Các hợp chất sulfat này có nguy cơ gây kích ứng da, đặc biệt là vùng quanh mắt và miệng, do chúng lấy đi lớp dầu tự nhiên cần thiết để bảo vệ da, mang lại cảm giác “sạch sẽ” nhưng trên khi thực tế thì ngược lại. Đặc biệt khi bạn có cơ địa nhạy cảm, mỹ phẩm chứa SLS và SLE có thể gây kích ứng da nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá.
Vì vậy, nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, bạn nên lựa chọn các sản phẩm dịu nhẹ hơn, tốt nhất là tránh xa các loại mỹ phẩm chăm sóc da tạo bọt, có tính tẩy rửa cao.
7. Retinol
Retinol được nhiều người cho là liều thuốc chống lão hóa giúp đem lại làn da mềm mại, trẻ trung. Hoạt chất này hoạt động bằng cách thấm sâu vào da nhằm đẩy nhanh chu kỳ tái tạo tế bào da mới, làm cho làn da của bạn trẻ ra trông thấy. Tuy nhiên đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khi trên thực tế Retinol không phải là thành phần kỳ diệu như nó được ca ngợi, thậm chí là ngược lại.
Retinol là một phân tử có tính phản ứng cao, nghĩa là nó có khả năng bị phá vỡ và mất tác dụng ngay khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc không khí (hay hiểu đơn giản là ngay khi bạn thoa chúng lên da). Điều này đặc biệt nguy hiểm khi Retinol tồn tại trong nhiều loại kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, kem chống lão hóa và các sản phẩm dành cho môi. Thay vì giữ cho làn da luôn tươi trẻ, chúng thực sự sẽ khiến da lão hóa nhanh hơn do dễ bị bắt nắng.
Cho dù các sản phẩm này hứa hẹn có chỉ số SPF (chỉ số chống tia cực tím) bao nhiêu đi chăng nữa, thì ít nhiều cũng sẽ gây ra tổn thương không mong muốn cho làn da dưới ánh nắng mặt trời.
Mỹ phẩm chứa nhiều thành phần độc hại có thể gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏe của người dùng. Do đó, bạn hãy đặc biệt chú ý và đọc kỹ thông tin thành phần được nhà sản xuất liệt kê trên bao bì sản phẩm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết cùng chủ đề tại đây:
- TOP 5 Dược mỹ phẩm tốt nhất hiện nay: trị mụn, chống nắng, tẩy tế bào chết
- Top 5 thỏi son không chì lên màu đẹp phát mê các nàng chớ bỏ qua
- TOP 10 sữa rửa mặt không tạo bọt, phù hợp với làn da nhạy cảm
Ghé thăm BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật nhiều bí quyết làm đẹp bổ ích bạn nhé!