Cần Thơ – thành phố trung tâm của miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những loại hình du lịch đậm chất miền sông nước. Bên cạnh những điểm đến hoài cổ, những con phố nhộn nhịp lung linh ánh đèn, những khu chợ nổi nhộn nhịp sầm uất, Cần Thơ còn nổi tiếng bởi con người nhiệt tình, hiếu khách, những không gian du lịch giản dị, mộc mạc nhưng đầy thú vị níu chân du khách. Cồn Sơn – điểm đến độc đáo trong hành trình du lịch ở Cần Thơ bạn nên ghé tới. Với vẻ đẹp bình yên, mộc mạc, hòn cù lao xanh sẽ giúp bạn rũ bỏ những ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị, nạp lại năng lượng sau những ngày dài làm việc mệt mỏi. Cùng bỏ túi những chia sẻ thú vị để khám phá Cồn Sơn – hòn ngọc xanh của xứ Tây Đô, qua bài viết dưới đây cùng BlogAnChoi nhé!
- 1. Đôi nét về Cồn Sơn
- 2. Đường đi tới Cồn Sơn như thế nào?
- 3. Khám phá nét độc đáo tại Cồn Sơn
- Cá lóc bay Tín Hòa
- Trải nghiệm làm bánh dân gian Nam Bộ tại Cồn Sơn
- Tận hưởng du lịch miệt vườn tại Cồn Sơn
- Tát ao bắt cá tại Cồn Sơn
- 4. Nên đi Cồn Sơn vào thời gian nào?
- 5. Một số lưu ý khi du lịch tại Cồn Sơn
- 6. Đánh giá của du khách về Cồn Sơn, Cần Thơ
1. Đôi nét về Cồn Sơn
Cồn Sơn nằm ở đâu?
Cồn Sơn là một cù lao nằm giữa sông Hậu nơi tiếp giáp giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Cồn Sơn thuộc địa phận phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 8km. Cồn Sơn có diện tích khoảng 70ha với hơn 100 hộ dân sinh sống, là một làng du lịch cộng đồng độc đáo dần dần trở nên là một điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Vì sao có tên gọi Cồn Sơn?
Lúc hình thành, hòn cù lao này có rất nhiều cây sơn nên có tên gọi là Cồn Sơn. Theo sử sách ghi lại thì Cồn Sơn trước đó còn có các tên gọi khác là Cồn Linh hay cù lao Trà Nóc. Làng du lịch Cồn Sơn được đưa vào hoạt động từ năm 2015 với đặc trưng du lịch cộng đồng, mỗi gia đình trên cù lao cùng làm du lịch dựa vào thế mạnh của mình.Theo thời gian, làm nghề từ cây sơn dần mai một, người dân ở Cồn Sơn làm kinh tế chủ yếu từ trồng cây ăn quả, nuôi cá và làm nghề thủ công, dần dần đó cũng chính là thế mạnh du lịch của Cồn Sơn nói chung và của từng hộ gia đình trên cù lao này nói riêng.
2. Đường đi tới Cồn Sơn như thế nào?
Để tới được Cồn Sơn, bạn phải di chuyển bằng phương tiện đò. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ với khoảng 15 phút đi xe theo hướng QL91, tới bến đò Cô Bắc, sau khi đi đò khoảng 10 phút bạn đã đặt chân đến Cồn Sơn. Giá vé khi đi đò khá rẻ, dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/ người/ khứ hồi tùy thuộc vào số lượng khách. Khi ngồi trên đò để qua Cồn Sơn, bạn được tận hưởng khung cảnh miền quê sông nước hữu tình, ngắm nhìn Cồn Sơn dần hiện mình sau những những hàng bần xanh thắm, bao bọc quanh cù lao.
3. Khám phá nét độc đáo tại Cồn Sơn
Cá lóc bay Tín Hòa
Mô hình cá lóc bay được xem là một trong những điểm gây ấn tượng đối với du khách khi tham quan tại Cồn Sơn. Cá lóc được nuôi trong lồng trên ao, khi nghe tiếng kẻng báo hiệu cho thức ăn cùng hiệu lệnh “Bay” của người chủ sẽ bay lên khỏi mặt nước và đớp thức ăn tạo nên một cảnh tượng thú vị, bắt mắt. Có khá nhiều gia đình trên Cồn Sơn khai thác mô hình cá lóc bay, trong đó có điểm tham quan Tín Hòa, với 3 lồng nuôi cá lóc “bay” cùng những hàng cây ăn trái xanh mát trải dài hai bên bờ kênh, khuôn viên trang trí gần gũi, chân quê với những loài hoa tươi mát tạo cho du khách tham quan một cảm giác cực kỳ thư giãn.
Tại điểm tham quan cá lóc bay Tín Hòa cũng phục vụ ăn uống cho du khách, giá cả hợp lý. Giá vé khi tham quan cá lóc bay khoảng 40.000 đồng/người.
Trải nghiệm làm bánh dân gian Nam Bộ tại Cồn Sơn
Tới Cồn Sơn không những bạn được thưởng thức những món bánh truyền thống, dân giã của người dân Nam Bộ mà còn được tham gia trải nghiệm từng công đoạn làm các loại bánh dân gian. Cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của người dân, thưởng thức những món do chính tay mình tự làm ra giúp bạn có một trải nghiệm hết sức thú vị. Có nhiều sự lựa chọn về loại bánh để làm cũng như cách trải nghiệm khác nhau tùy thuộc vào số lượng người cùng đi trong đoàn của bạn. Do đó, bạn có thể lựa chọn hình thức buffet nếu đoàn tham quan có đông người hoặc lựa chọn làm một vài loại bánh nếu đoàn có ít người hơn.
Tận hưởng du lịch miệt vườn tại Cồn Sơn
Khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, những vườn trái cây trên Cồn Sơn vào độ trĩu quả, đây cũng là lúc Cồn Sơn đón nhiều lượt khách du lịch hơn cả. Trên cù lao, các loại cây được trồng chủ yếu là chôm chôm, dâu Hạ Châu, nhãn, sầu riêng, cam, quýt,…. Giá vé khi trải nghiệm tại các vườn trái cây dao động từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/người/lượt. Ngoài việc được trải nghiệm, thăm thú và thưởng thức những loại trái cây ngon ngọt bởi phù sa sông Hậu bồi đắp quanh năm, du khách khi tới tham quan còn có thể chọn mua về làm quà cho người thân và bạn bè.
Tát ao bắt cá tại Cồn Sơn
Tại Cồn Sơn, bạn còn được trải nghiệm như một người nông dân thực thụ khi tham gia tát mương bắt cá. Các loại cá đồng được thả tại các mương như cá lóc, cá rô phi khi được bắt lên sẽ được chế biến thành những món ăn vô cùng dân giã, ngon miệng. Được tận hưởng sản phẩm do chính sức lao động của mình làm ra trong vất vả nhưng tràn đầy tiếng cười sẽ giúp bạn rũ bỏ mọi căng thẳng, áp lực công việc. Giá vé tham khảo, 500.000 đồng – 1.200.000 đồng/mương.
4. Nên đi Cồn Sơn vào thời gian nào?
Nổi tiếng nhờ những vườn trái cây xanh rợp bóng mát và trĩu quả, Cồn Sơn đẹp nhất mỗi độ những vườn trái cây vào mùa, đó là khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Đây cũng là khoảng thời gian khách du lịch tới tham quan nhiều nhất. Thời tiết ở Cồn Sơn khá ổn định, hầu như mát mẻ quanh năm, có nắng nhẹ, để tham quan những gia đình làm nghề thủ công truyền thống, checkin bên những hồ cá koi xinh đẹp, bắt mắt, bạn có thể tới tham quan Cồn Sơn vào mọi thời gian trong năm. Trong ngày, bạn có thể tới Cồn Sơn từ buổi sáng sớm, dành cả 1 ngày để thăm quan hết những điểm đến thú vị trên cù lao này để hòa mình vào không gian xanh mát, yên bình, tạm xa những ồn ào, náo nhiệt của phố thị và áp lực của công việc.
5. Một số lưu ý khi du lịch tại Cồn Sơn
Để dễ dàng đi tham quan được nhiều địa điểm, bạn có thể chọn di chuyển bằng xe máy hoặc xe đạp, tuy nhiên, do đường đi trên Cồn Sơn khá nhỏ nên bạn cần cân nhắc. Thông thường, du khách sẽ lựa chọn chèo xuồng hoặc đi bộ khi tham quan ở địa điểm này. Thời gian để bạn trải nghiệm hết những điểm tham quan ở Cồn Sơn là khoảng 1 ngày, ở đây cũng phục vụ dịch vụ ăn uống cho khách du lịch, giá cả hợp lý, bàn ăn gia đình 4-5 người với giá 400.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, để khỏi tình trạng ngồi chờ đợi món ăn quá lâu hay bị hết bàn, bạn nên liên hệ trước với các cơ sở du lịch tại Cồn Sơn để đặt trước.
Thêm một lưu ý nhỏ, nếu đi bộ tham quan địa điểm này, bạn cần trang bị đồ che chắn để bảo vệ làn da mình khỏi bị cháy nắng, do thời tiết trên cù lao nhiều nắng và gió. Người dân trên Cồn Sơn rất nhiệt tình và mến khách, nếu không rõ đường đi hoặc muốn tư vấn về những điểm tham quan thú vị, bạn đừng ngần ngại hỏi những người dân ở đây nhé.
Tham quan Cồn Sơn bằng việc đi bộ khiến bạn khá mỏi chân đấy! Tuy nhiên dọc đường đi, có nhiều điểm dừng chân, nơi có những vườn trái cây , những hàng dừa cao rợp bóng mát, nghỉ ngơi một lúc và thưởng thức những món nước uống dân giã rồi lại tiếp tục hành trình cũng là một lưu ý hay dành cho bạn. Đồ uống và trái cây cũng như các món đồ lưu niệm được bày bán ở dọc đường có giá cả hợp lý, được chào bán bởi những người dân địa phương nhiệt tình, hiếu khách phần nào cũng giúp bạn ấn tượng về điểm đến độc đáo này.
6. Đánh giá của du khách về Cồn Sơn, Cần Thơ
Cồn Sơn được đánh giá tích cực trên mạng xã hội, đó chính là thành quả của sự nỗ lực trong chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch của thành phố cũng như tấm lòng mến khách, chân chất của người dân miền Tây sông nước. BlogAnChoi chúc bạn và người thân, bạn bè có một chuyến đi tuyệt vời khi ghé thăm địa điểm thú vị này nhé!
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- 10 địa điểm siêu thú vị khi du lịch Cần Thơ không thể bỏ lỡ để có chuyến đi tuyệt vời
- Top 10 quán đặc sản siêu ngon giá hạt rẻ giúp bạn phá đảo ẩm thực Cần Thơ
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
chưa bao giờ đi Cồn Sơn cả
nhìn cảnh đẹp thèm đi ghê ấy
Các bạn có thể giúp mình nâng cao chất lượng bài viết bằng cách đánh giá và để lại bình luận phía dưới được không?