Hiện nay thời tiết ở một số tỉnh thành nắng mưa thất thường, làm cơ thể chúng ta cảm thấy khó chịu, yếu đi và dễ bị cảm lạnh. Thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác, vì vậy chế độ ăn uống trong thời tiết này phải thật sự cẩn thận, tránh độ ẩm và nhiệt có thể ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa. Vào thời tiết gió mùa, hệ tiêu hóa của chúng ta hoạt động chậm chạp và dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu,… Vậy chế độ ăn uống trong thời tiết gió mùa như thế nào để giữ sức khỏe tốt?
Ăn uống đúng cách giúp cơ thể tránh bị bệnh và luôn khỏe mạnh. Chăm sóc hệ tiêu hóa trong thời tiết thất thường này rất quan trọng vì 70% hệ thống miễn dịch của chúng ta nằm trong đường tiêu hóa, và nếu hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng.
1. Chia ra các bữa ăn nhẹ
Chúng ta nên cân bằng giữa việc uống nước và ăn để có đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Thường xuyên ăn nhiều bữa nhỏ hơn là các bữa ăn lớn trong ngày, giúp cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết và tác động tích cực đến mức năng lượng cũng như tâm trạng.
2. Dùng ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt được khuyên dùng trong thời tiết gió mùa. Hàm lượng chất xơ cao có trong ngũ cốc giúp hỗ trợ tiêu hóa và cung cấp năng lượng ổn định để duy trì sức khỏe tốt. Chúng rất giàu chất xơ không hòa tan và là thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột của chúng ta, giúp vi khuẩn tốt phát triển và ức chế vi khuẩn có hại.
3. Thực phẩm lên men
Các vi khuẩn sống có lợi đã được chứng minh là giúp hỗ trợ đường ruột của chúng ta. Thực phẩm lên men bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể, do đó khả năng miễn dịch được cải thiện tốt hơn, bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh nhiễm trùng thông thường.
4. Trái cây ít đường
Táo, xoài, lê được cho là chứa nhiều đường fructose và có thể làm nặng thêm các triệu chứng đầy hơi và chướng bụng. Các loại trái cây có hàm lượng đường thấp như trái cây họ cam, quýt, quả mọng và chuối sẽ phù hợp hơn với thời tiết gió mùa. Chuối cũng chứa inulin giúp nuôi dưỡng các vi sinh vật tốt cho cơ thể.
5. Tránh đồ uống có đường
Nước trái cây và nước ngọt có chứa nhiều đường gây đầy hơi vì ruột không thể xử lý lượng đường quá nhiều. Chúng cũng làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến và nếu sử dụng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chúng ta có thể thay thế các loại thức uống này bằng các thức uống như nước chanh tươi, nước dừa tươi để đường ruột tiêu hóa tốt hơn. Nếu cần thiết, thỉnh thoảng bạn có thể uống một lượng nhỏ nước ép trái cây tươi.
6. Thời gian ăn uống hợp lý
Thời gian ăn uống tốt nhất là từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, ăn sáng muộn hay ăn tối muộn dẫn đến quá trình tiêu hóa bị gián đoạn. Nếu sắp xếp được thời gian, bạn hãy kết thúc việc ăn uống vào lúc 7 giờ 30 tối để đường ruột được hoạt động một cách tốt nhất. Ăn đúng bữa, đúng giờ giúp ổn định nội tiết tố, tác dụng tổng thể đến sức khỏe.
7. Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tiêu hóa. Chúng ta chỉ cần tập các bài đơn giản như hít thở sâu, làm một vài động tác chậm để kích hoạt năng lượng trong cơ thể. Bạn cũng có thể đi bộ 10-15 phút sau mỗi bữa ăn sẽ giúp quá trình tiêu hóa được diễn ra tốt hơn.
Đôi khi chúng ta cũng cần lắng nghe cơ thể cần gì và không cần gì để lọc ra những hoạt động cần thiết phù hợp với bản thân. Điều quan trọng nhất bạn cần phải tuân theo đó là một chế độ ăn uống phù hợp để giữ sức khỏe.
Một số bài viết hữu ích liên qua bạn có thể tham khảo:
- 5 cách đơn giản bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh mà ai cũng có thể làm được
- Ăn nhiều muối có hại cho người bệnh tiểu đường như thế nào? Nên ăn bao nhiêu là đủ?
Để biết thêm nhiều thông tin mới mẻ về Sức khỏe, hãy ghé trang thông tin BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều kiến thức hay nhé, cùng với các chuyên mục xung quanh đời sống thường ngày bạn có thể cập nhật mỗi ngày.