Trong phần đầu của bài viết, BlogAnChoi đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về thương hiệu thời trang Chanel nổi tiếng. Nếu thông tin đó vẫn chưa đủ với bạn thì hãy cùng xem qua phần 2 của bài viết về thương hiệu đình đám này ngay sau đây nhé!
Sau chiến tranh thế giới thứ I và sự ra đời của nước hoa Chanel No.5
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong cách ăn mặc của phụ nữ ít nhiều cũng có sự thay đổi. Họ chuyển từ phong cách mạnh mẽ, tiện dụng sang phong cách nữ tính và thanh lịch hơn nhiều. Những chiếc đầm đính cườm lộng lẫy và những chiếc áo vest được cắt may tinh xảo chiếm được sự yêu mến của nhiều người. Vào năm 1921, Coco đã đặt Ernest Beaux, một chuyên gia về nước hoa điều chế ra một loại nước hoa độc đáo dành riêng cho thương hiệu thời trang của bà. Trong đó có loại nước hoa nổi tiếng đến tận ngày nay là Chanel No.5, đặt tên theo con số trên mẫu nước hoa mà Chanel thích nhất. Lúc đầu nước hoa Chanel No.5 chỉ dùng làm quà tặng cho khách hàng của House of Chanel. Nhưng sau đó, do được nhiều người ưa chuộng, vào năm 1922, House of Chanel đã sản xuất với số lượng lớn để bán lẻ. Sau sự thành công vang dội của No.5, Coco đã tiếp tục cho ra đời nhiều loại nước hoa và kinh doanh rộng khắp lãnh thổ Pháp nói riêng và toàn bộ Châu Âu nói chung. Bên cạnh quần áo, nước hoa chính là con bài chủ chốt trong sự nghiệp kinh doanh thời trang của Coco Chanel. Nhờ sự giới thiệu của Théophile Bader (người sáng lập ra Galeries Lafayette), Coco Chanel đã gặp nhà đầu tư tài chính Pierre Wertheimer. Họ đã thỏa thuận và thành lập Công ty nước hoa Chanel (Parfums Chanel), trong đó Wertheimer nắm 70% cổ phần, Bader 20% và Chanel chỉ có 10%. Tuy rằng việc phát triển mặt hàng nước hoa ngày càng đạt được nhiều thành công vang dội nhưng mối quan hệ làm ăn giữa Coco Chanel và Pierre Wertheimer ngày càng xấu đi một cách trầm trọng. Coco cho rằng Pierre đang bóc lột quá đáng tài năng thiết kế và kinh doanh của bà trong khi Pierre cho rằng ông chính là người giúp sự nghiệp thời trang của Coco phất lên như diều gặp gió. Chính vì vậy, cổ phần của Chanel vẫn giữ nguyên ở mức 10% trong một thời gian dài.
Không những chú trọng vào quần áo và nước hoa, Coco còn rất ưu ái việc thiết kế những phụ kiện đi kèm góp phần tôn lên nét đẹp của những bộ cánh. Chanel đã tổ chức triển lãm những món trang sức như vòng cổ kim cương, hoa tai, vòng tay và trâm cài áo. Đến năm 1937, khi nhận thấy được sức ảnh hưởng của mình đối với lĩnh vực thời trang, Coco đã mở rộng thiết kế của mình hơn đến với nhiều mẫu phụ nữ. Đặc biệt, Chanel đã góp phần lăng-xê cho xu hướng thời trang Gamine (kiểu trang phục cho những phụ nữ nhỏ nhắn, linh hoạt, tinh nghịch, có một chút gì đó nam tính) những năm 1930–1940.
Biểu tượng của Chanel
Biểu tượng hai chữ C lồng vào nhau là một biểu tượng khá độc đáo so với biểu tượng của các nhãn hiệu thời trang khác. Các tín đồ của Chanel đều rất phấn khích khi sở hữu được một đôi hoa tai hay một chiếc trâm cài áo được mô phỏng theo biểu tượng này. Logo chính thức của Chanel do chính Coco Chanel thiết kế với hình hai chữ C đấu lưng vào nhau là chữ viết tắt tên của bà. Màu đen trên chữ cái của logo thể hiện sự sang trọng, tinh tế và xuất sắc của thương hiệu. Logo này được đăng ký bản quyền khi cửa hàng Chanel đầu tiên được mở.