Giá đỗ được biết đến là một nguyên liệu giàu dinh dưỡng, dễ chế biến và phù hợp với nhiều món ăn. Vậy bạn đã biết cách làm giá đỗ đơn giản tại nhà chưa? Thử ngay công thức của BlogAnChoi ngay dưới đây nhé!
- Giá đỗ – Thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng
- Nguyên liệu làm giá đỗ
- Các bước sơ chế trước khi làm giá đỗ
- Cách làm giá đỗ đơn giản tại nhà
- Cách 1: Làm giá đỗ bằng chai nhựa
- Cách 2: Làm giá đỗ bằng hộp sữa
- Cách 3: Làm giá đỗ bằng túi lưới
- Cách 4: Làm giá đỗ bằng rổ
- Cách 5: Làm giá đỗ bằng lọ thủy tinh
- Thành phẩm và thưởng thức
- Một số lưu ý khi làm giá đỗ
Giá đỗ – Thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng
Giá (hay còn gọi là giá đỗ) được nhiều người biết đến là hạt đậu nảy mầm, dài từ 3-5 cm. Các loại đậu thường dùng ủ giá có thể là đậu đỏ, đậu đen, đậu tương, đậu Hà Lan hoặc đậu xanh. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cách làm giá đỗ phổ biến nhất là từ đậu xanh.
Giá đỗ đậu xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao, gồm nhiều loại vitamin (vitamin E, C), chất đạm, carbohydrate và khoáng chất (sắt, đồng). Giá đỗ cũng là thành phần quan trọng và phổ biến trong nhiều món ăn như bánh xèo, bún,…
Với hàm lượng dinh dưỡng nêu trên, giá đỗ hỗ trợ quá trình trao đổi chất, duy trì nồng độ cholesteron ở mức ổn định giúp bảo vệ tim mạch và huyết áp, tăng cường sự chắc khỏe cho xương, hỗ trợ giảm cân, tốt cho mắt và tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới.
Nguyên liệu làm giá đỗ
- Đậu xanh: 50 gam
- Nước: 300 ml
- Chai nhựa: 01 cái
- Vải sạch: 01 tấm kích thước 30 x 50 cm, có khả năng hút nước tốt
- Túi đen: 01 cái
Tùy theo những vật dụng có sẵn trong gia đình, bạn có thể thay thế chai nhựa bằng hộp sữa, túi lưới, rổ nhựa, khăn, lọ thủy tinh, chõ xôi, thùng xốp, cát, tro bếp,… Về phần sơ chế thì giống nhau. Sau đây, BlogAnChoi sẽ giới thiệu cách làm giá đỗ từ 10 vật dụng đơn giản, sẵn có trong gia đình.
Các bước sơ chế trước khi làm giá đỗ
Rửa sạch đậu 2-3 lần bằng nước và nhặt hết những hạt sâu, hạt vỡ. Pha nước với tỉ lệ 2 nước nóng : 1 nước nguội rồi đem đậu đã rửa sạch ngâm khoảng 20-24 tiếng cho đậu no nước mới tiến hành ủ giá.
Cách làm giá đỗ đơn giản tại nhà
Cách 1: Làm giá đỗ bằng chai nhựa
Chai nhựa cắt bỏ phần trên, đục lỗ dưới đáy và xung quanh chai. Giá đỗ sau khi ngâm no nước thì cho vào chai đã chuẩn bị, thấm ướt tấm vải rồi đè lên phần đậu, tủ túi đen lên hoặc cho vào chỗ tối. Mỗi ngày tưới nước ướt đẫm tấm vải, sau 2-3 ngày là giá nảy mầm và có thể thu hoạch rồi.
Cách 2: Làm giá đỗ bằng hộp sữa
Cắt 1 mặt của vỏ hộp sữa hoặc vỏ hộp đựng nước ép trái cây (chỉ cắt 3 cạnh để còn đậy lại được), đục lỗ xung quanh và mặt dưới của hộp. Cho đậu xanh đã ủ vào hộp, đậy “nắp” lại và để chỗ tối. Mỗi ngày tưới đẫm nước 1 lần. Sau 3-4 ngày khi thấy vỏ hộp phồng lên là giá đã có thể thu hoạch được. Bạn đổ giá ra rửa sạch và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Cách 3: Làm giá đỗ bằng túi lưới
Túi lưới đựng trái cây hay thạch rau câu có thể tận dụng làm giá rất tiện lợi. Đậu sau khi ngâm no nước thì cho vào túi lưới, thắt chặt miệng túi. Cho túi vào nồi và đậy kín lại (nếu làm nhiều túi cùng lúc thì không để các túi chồng lên nhau. Mỗi ngày cho nước vào ngập nồi ngâm 10-15 phút rồi đổ ra và đậy nắp lại (nới rộng miệng túi theo sự phát triển của giá). Sau 2-3 ngày thì lấy túi ra khỏi nồi, cắt bỏ phần rễ và đổ giá ra rổ rửa sạch là có thể dùng được rồi.
Cách 4: Làm giá đỗ bằng rổ
Rổ dường như là vật dụng rất phổ biến trong gian bếp của mọi nhà. Chính vì vậy, làm giá bằng rổ vừa đơn giản lại vừa hiệu quả. Đậu xanh sau khi ngâm thì cho vào khăn gói lại và cho vào rổ. Dùng đĩa sứ đè lên và cất vào chỗ tối. Hằng ngày tưới nước cho đậu nhanh nảy mầm. Sau 2-3 ngày cắt bỏ phần rễ và rửa sạch và sử dụng để ăn sống hoặc ăn kèm các món yêu thích cho bữa cơm gia đình thôi nào!
Cách 5: Làm giá đỗ bằng lọ thủy tinh
Lọ thủy tinh dùng làm giá cần chắc chắn đã được tiệt trùng (luộc qua bằng nước sôi). Sau đó, bạn chỉ cần cho đậu đã ngâm vào lọ và cấp nước cho đậu mỗi ngày hai lần (Lưu ý: Cần loại bỏ hết sạch nước sau mỗi lần cấp nước cho đậu). Lọ thủy tinh cần được để ở nơi tối, tránh ánh sáng để đậu được nảy mầm. Khoảng 2-3 ngày, khi giá đã đạt tới độ thu hoạch, bạn chỉ cần dốc ngược lọ thuỷ tinh, đổ giá ra rửa sạch là có thể dùng rồi!
Thành phẩm và thưởng thức
Khi giá đã lên cao và vừa đủ độ ăn thì đổ giá ra rổ, rửa sạch, cắt bớt phần rễ. Giá đỗ làm theo công thức này sẽ có phần thân dài, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Giá đỗ có thể ăn sống hoặc ăn kèm với bún, phở,… đồng thời làm nguyên liệu cho nhiều món ngon khác. Điều quan trọng là giá ủ tự nhiên tại nhà thì rất an toàn và giàu giá trị dinh dưỡng phải không nào?
Một số lưu ý khi làm giá đỗ
- Đậu xanh dùng ủ giá phải là loại đậu còn nguyên chưa cà vỏ
- Rửa sạch đậu trước khi ngâm để hạt lên đều, đẹp
- Không ngâm đậu bằng nước quá nóng hoặc quá nguội
- Giá sau khi thu hoạch nên cắt bớt phần rễ và rửa sạch sau đó ngâm nước bảo quản trong tủ lạnh để giữ giá tươi ngon được lâu hơn (thay nước hằng ngày có thể bảo quản trong 7-10 ngày)
- Trong quá trình ủ giá đổ, tránh ánh sáng trực tiếp vào sẽ làm giá bị tím và đắng
Một số bài viết khác mà bạn có thể tham khảo:
- Cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu thơm ngon, không cần nhào bột
- “Bắt trend” Tiktok: Thử ngay công thức làm bánh trung thu từ bánh mì sandwich cực đơn giản
- Công thức làm bánh mì phô mai tan chảy siêu dễ không cần lò nướng
- Cách làm pate thịt heo không cần gan đơn giản mà cực ngon tại nhà, bạn đã biết chưa?
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi và chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm làm bếp hữu ích trong phần bình luận bên dưới nhé!