Khi sử dụng máy tính hoặc mua bàn phím mới, bạn có để ý thấy các loại bàn phím không giống nhau khiến bạn “lạ tay” và không thoải mái? Đúng là có những cách sắp xếp khác nhau cho các phím trên keyboard, nhưng đều tuân theo tiêu chuẩn rõ ràng. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu chi tiết xem bàn phím ANSI và ISO là gì nhé!

Bố cục bàn phím là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo cảm giác thuận tiện cho người dùng và tối ưu hóa hiệu suất làm việc, đặc biệt là đối với những người sử dụng bàn phím hằng ngày như game thủ, nhân viên đánh máy và lập trình viên.

Bàn phím ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả làm việc của người dùng (Ảnh: Internet).
Bàn phím ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả làm việc của người dùng (Ảnh: Internet).

Nếu đã từng mua bàn phím cho máy tính thì có thể bạn đã bắt gặp các khái niệm ANSI và ISO. Đây là hai cách bố trí bàn phím phổ biến nhất, đặc biệt là ở các nước phương Tây, nhưng có thể khiến những người mới sử dụng bối rối khi cân nhắc không biết nên chọn loại nào cho phù hợp.

ANSI và ISO là gì?

Đó là tên viết tắt của hai trong số các tổ chức đặt ra các tiêu chuẩn đồng thuận cho các sản phẩm hàng hóa trên thế giới. ANSI là Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Mỹ (American National Standards Institute), còn ISO là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (International Organization for Standardization).

Bàn phím máy tính theo tiêu chuẩn ANSI (Ảnh: Internet).
Bàn phím máy tính theo tiêu chuẩn ANSI (Ảnh: Internet).

Hai tổ chức này đưa ra cách bố trí khác nhau cho bàn phím máy tính, cụ thể là kích thước và vị trí của các phím. Tuy nhiên ANSI và ISO không thay đổi bố cục “trực quan”, tức là trật tự của các phím chữ và số. Trật tự này bao gồm cách sắp xếp QWERTY hoặc Dvorak và thường thay đổi tùy theo các ngôn ngữ hoặc ứng dụng khác nhau. Bạn có thể dễ dàng tự chuyển đổi các bố cục trực quan khác nhau với hệ điều hành Windows.

Bố cục trực quan kiểu QWERTY được sử dụng phổ biến nhất (Ảnh: Internet).
Bố cục trực quan kiểu QWERTY được sử dụng phổ biến nhất (Ảnh: Internet).

Bàn phím ANSI và ISO về cơ bản rất giống nhau, chỉ khác ở một vài điểm mà chúng ta sẽ so sánh ngay sau đây. Nhìn chung bàn phím kiểu ANSI là cách bố trí phổ biến nhất, đặc biệt là ở Mỹ, trong khi đó bàn phím ISO chủ yếu được sử dụng ở châu Âu.

Bàn phím ANSI so với ISO: 5 điểm khác biệt chủ yếu

Những khác biệt này liên quan đến vị trí và hình dạng của phím Enter, phím Shift bên trái, phím gạch chéo ngược (), phím Alt bên phải và phím Alt Graph (AltGr).

1. Phím Enter

Theo tiêu chuẩn của ANSI, phím Enter có dạng dài và hình chữ nhật, trong khi ISO lại thiết kế phím Enter lớn hơn và cao hơn nhiều, có hình dạng giống như chữ L lộn ngược.

So sánh phím Enter của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).
So sánh phím Enter của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).

2. Phím Shift bên trái

Trên bàn phím ANSI, các phím Shift trái và phải có cùng kích thước, hình chữ nhật dài. Ở bàn phím ISO, phím Shift bên trái có kích thước bằng một nửa phím Shift bên phải (tức là cùng kích thước với phím Ctrl bên trái).

So sánh phím Shift bên trái của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).
So sánh phím Shift bên trái của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).

3. Phím gạch chéo ngược

Theo tiêu chuẩn ANSI, phím gạch chéo ngược nằm ngay phía trên phím Enter và có cùng kích thước với phím Ctrl bên phải. Còn trên bàn phím ISO nó lại nằm ngay bên trái của phím Enter.

So sánh phím gạch chéo ngược của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).
So sánh phím gạch chéo ngược của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).

4. Phím Alt bên phải

Phím Alt bên phải và Alt bên trái giống hệt nhau trên bàn phím ANSI. Còn ở bàn phím ISO, Alt bên phải được thay thế bằng Alt Graph.

So sánh phím Alt bên phải của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).
So sánh phím Alt bên phải của hai kiểu bàn phím (Ảnh: Internet).

5. Số lượng phím

Bàn phím ANSI có 104 phím ở kích thước đầy đủ và 87 phím ở dạng thu gọn. Còn ở bàn phím ISO lần lượt là 105 và 88 phím, tức là thêm một phím so với ANSI. Hình ảnh dưới đây cho thấy bố cục của bàn phím ANSI và ISO ở dạng thu gọn (không có các phím số bên phải).

So sánh bàn phím ANSI và ISO (Ảnh: Internet).
So sánh bàn phím ANSI và ISO (Ảnh: Internet).

Ưu điểm của bàn phím ISO

1. Phím Alt Graph

Bố cục ISO được sử dụng phổ biến ở châu Âu và các nơi khác do có phím Alt Graph (hay AltGr). Phím này cho phép người dùng dễ dàng gõ các ký tự đặc biệt hoặc có dấu trong nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Pháp chẳng hạn.

Các ký tự đặc biệt có thể gõ được với Alt Graph (Ảnh: Internet).
Các ký tự đặc biệt có thể gõ được với Alt Graph (Ảnh: Internet).

Với những ký tự có nhiều “biến thể”, phím Alt Graph cũng cho phép người dùng gõ được các biến thể đó. Nếu không có phím Alt Graph bạn vẫn có thể gõ được nhưng phải qua nhiều thao tác hơn (chẳng hạn như remap bàn phím) có thể ảnh hưởng đến tốc độ đánh máy của bạn.

2. Phím gạch chéo ngược gần hơn

Phím gạch chéo ngược của ISO nằm ngay bên trái phím Enter, do đó bạn sẽ dễ dàng gõ nó hơn. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các nhà lập trình phần mềm vì họ thường xuyên phải sử dụng nó khi viết code. Tuy vậy phím gạch chéo ngược lại không được sử dụng nhiều trong các công việc thường ngày khác.

Dấu gạch chéo ngược được dùng khi viết đường dẫn (Ảnh: Internet).
Dấu gạch chéo ngược được dùng khi viết đường dẫn (Ảnh: Internet).

Nhược điểm của bàn phím ISO

1. Phím Enter ở xa hơn

Phím Enter nằm xa hơn trên bàn phím ISO vì nó được rút ngắn lại để tạo chỗ cho dấu gạch chéo ngược. Đây là một vấn đề ảnh hưởng đến sự thuận tiện của người dùng vì Enter là phím được sử dụng rất nhiều.

Trái lại, bàn phím ANSI lại có ưu điểm ở vấn đề này vì khi so sánh mức độ sử dụng thường xuyên thì phím Enter hiển nhiên vượt trội hơn nhiều so với dấu gạch chéo ngược. Vì vậy đối với hầu hết người dùng, việc tiếp cận với phím Enter sẽ quan trọng hơn nhiều so với phím gạch chéo ngược.

So sánh phím Enter của ANSI và ISO (Ảnh: Internet).
So sánh phím Enter của ANSI và ISO (Ảnh: Internet).

2. Phím Shift bên trái xa

Phím Shift bên trái được rút ngắn theo thiết kế của ISO để cho phép chèn thêm dấu gạch chéo ngược hoặc dấu lớn hơn – nhỏ hơn (>, <). Nhìn chung phím Shift bên trái được sử dụng thường xuyên hơn nhiều so với dấu gạch chéo ngược hoặc phím >/<, do đó việc rút ngắn phím này cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

3. Chi phí và mức độ sẵn có

Vì bàn phím kiểu ISO ít phổ biến hơn so với ANSI nên bạn sẽ khó tìm mua chúng trên thị trường. Điều này dẫn đến bàn phím ISO thường có giá đắt hơn và có ít sự lựa chọn hơn. Ngoài ra nếu bạn muốn tìm bộ keycap (phím rời) của ISO để thay thế thì cũng không dễ dàng như với bàn phím ANSI.

Còn bàn phím JIS là gì?

Bàn phím JIS dùng để gõ tiếng Nhật (Ảnh: Internet).
Bàn phím JIS dùng để gõ tiếng Nhật (Ảnh: Internet).

Kiểu thiết kế bàn phím được tiêu chuẩn hóa phổ biến thứ ba là bố cục JIS (Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản – Japanese Industrial Standard). Đây là cách bố trí tiêu chuẩn ở Nhật Bản và có tổng cộng 109 phím. Năm phím được thêm vào là cần thiết để gõ các ký tự tiếng Nhật. Bố cục JIS này có phím khoảng trắng nhỏ hơn nhiều để dành chỗ cho các phím mới kia.

Nên chọn kiểu bàn phím nào?

Nhìn chung, ANSI là kiểu bố trí bàn phím thông dụng và tiện dụng hơn. Phím Sifth trái và phím Enter dài hơn mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Loại này cũng được sản xuất phổ biến, vì vậy bạn có thể thoải mái lựa chọn giữa các thương hiệu và bộ keycap khác nhau.

Có nhiều mẫu bàn phím ANSI cho bạn lựa chọn (Ảnh: Internet).
Có nhiều mẫu bàn phím ANSI cho bạn lựa chọn (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên bố cục ISO lại rất quan trọng đối với một số quốc gia nhất định. Đó là do phím AltGr cho phép người dùng gõ các ký tự thường được sử dụng trong một số ngôn ngữ. Tuy nhiên vấn đề này có thể tránh được nếu bạn sử dụng loại bàn phím có thể tự thiết kế hoàn toàn. Khi đó bạn có thể tùy chỉnh các phím bổ sung để gõ được tất cả các ký tự cần thiết của bất kỳ ngôn ngữ nào.

Hãy gõ theo cách của bạn!

Lựa chọn giữa bàn phím ANSI hay ISO là tùy vào ý thích, mức độ tiện dụng và hiệu quả công việc của mỗi người. Trong đó tối ưu hóa hiệu quả là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với những người phải sử dụng bàn phím thường xuyên.

Dựa vào sự khác biệt giữa hai kiểu thiết kế phổ biến này sẽ cho phép bạn đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mình. Nhìn chung bạn nên sử dụng bàn phím ANSI đối với hầu hết các nhu cầu thường ngày.

Bạn có thể mua bàn phím ANSI tại đây.

Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản của bàn phím ANSI và ISO – hai loại bàn phím được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Bạn muốn sở hữu loại nào trong số chúng? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

7 cách kiểm tra bộ sạc có an toàn và phù hợp với điện thoại của bạn hay không

Hầu hết những trường hợp điện thoại bị cháy nổ khi đang sạc có nguyên nhân là do sử dụng bộ sạc kém chất lượng. Tuy nhiên những bộ sạc hàng nhái thường được làm rất giống với hàng thật khiến người dùng khó phân biệt. Vậy làm cách nào để kiểm tra xem bộ sạc điện thoại có ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận