Những cây cầu ở Đà Nẵng không chỉ có ý nghĩa về giao thông và kinh tế mà còn là một trong những biểu tượng độc đáo của thành phố này. Không phải tự nhiên mà Đà Nẵng được coi là “thành phố của những cây cầu”. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá xem vì sao mà 5 cây cầu ở Đà Nẵng được khách du lịch đánh giá cao đến thế nhé.
Những nét đặc trưng của thành phố Đà Nẵng
Đà Nẵng là một thành phố nằm ở miền Trung Việt Nam. Đây được coi như là một trong những thành phố đáng sống nhất thể giới do khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và những danh lam thắng cảnh đặc biệt cũng như những người dân bản địa thân thiện.
Đà Nẵng được thiên nhiên ưu ái nên sở hữu cả sông, biển và núi cao. Phía Tây là núi (núi Thần Tài, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn), còn phía Đông thành phố là bãi biển đẹp hàng đầu thế giới (nổi bật là biển Mỹ Khê, biển Nam Ô và biển Bắc Mỹ An), ngoài ra còn có cả sông Hàn chạy dọc giữa trung tâm chia thành phố ra làm hai khu vực lớn.
Để thuận tiện cho việc đi lại, Đà Nẵng có các cây cầu lớn bắc ngang sông như cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu Thuận Phước. Những cây cầu này không chỉ quan trọng đối với giao thông kinh tế mà còn là điểm đến nổi tiếng với khách du lịch. Ngoài ra còn có cầu Vàng ở Bà Nà cũng quan trọng và nổi bật không kém. Chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử cũng như điểm độc đáo của những cây cầu này nhé.
1. Cầu sông Hàn
Địa chỉ: Ngã tư Lê Duẩn, Trần Phú, Đà Nẵng
Lịch sử: Cầu được hoàn tất và đưa vào sử dụng năm 2000, dài 487 mét và rộng 12m. Nhiệm vụ chính của cầu là nối liền hai quận Hải Châu và Sơn Trà. Kinh phí xây cầu là 117 tỷ đồng, trong đó 30% đến từ tiền ủng hộ của người dân Đà Nẵng. Cây cầu là niềm kiêu hãnh của người dân vì giá trị kinh tế và thẩm mỹ đặc biệt.
Điểm nổi bật: Điểm đặc biệt của cây cầu là vào mỗi tối cầu sẽ quay 90 độ để phục vụ cho giao thông của những chiếc thuyền cao hơn chiều cao của cầu. Cầu sông Hàn bắt đầu quay vào khoảng 11 giờ đêm và kết thúc vào 12 giờ đêm mỗi ngày.
Tuy nhiên khi cầu quay thì hai bên đầu cầu sẽ bị chặn lại, chúng ta không thể đứng trên cầu mà chỉ có thể quan sát từ hai đầu hoặc xa hơn.
Mọi người thường đùa rằng chưa xem cầu sông Hàn quay là chưa tới Đà Nẵng, nên hãy dành chút ít thời gian vào buổi đêm để ngắm Đà Nẵng khuya và xem cầu sông Hàn quay nhé.
2. Cầu Rồng
Địa chỉ: đường Nguyễn Văn Linh, Phước Ninh, Đà Nẵng.
Lịch sử: Cầu được thi công trong vòng 4 năm và được đưa vào sử dụng năm 2013, có chiều dài 666 mét và rộng 37 mét. Có làn xe máy, xe hơi và 2 làn dành cho người đi bộ. Tổng chi phí là 1.739 tỷ đồng, gấp 15 lần so với xây cầu sông Hàn. Cầu Rồng có nhiệm vụ nối giữa đường Nguyễn Văn Linh và đường Võ Văn Kiệt.
Cầu được thiết kế hình ảnh con rồng thời xa xưa vươn ra phía biển. Đầu cầu hướng về phía biển và đuôi rồng nằm ở phía trung tâm thành phố.
Điểm nổi bật: Đặc biệt là vào mỗi tối thứ 7 hay chủ nhật lúc 21 giờ, cầu sẽ có tiết mục trình diễn phun nước và phun lửa. Đúng giờ, cầu sẽ phun ra những ngọn lửa to từ miệng của rồng trong 2 phút, sau đó là màn phun nước trong 3 phút tiếp theo. Đây là phần trình diễn thu hút được sự chú ý của khách du lịch lẫn người dân địa phương vì sự độc đáo, có một không hai và đầy thú vị.
3. Cầu Trần Thị Lý
Địa chỉ: ngã tư đường 2-9, Duy Tân, Đà Nẵng.
Lịch sử: Cầu Trần Thị Lý ngày xưa là cầu đường sắt dành cho tàu lửa, năm 1975 mới được nâng cấp lên thành cầu đường bộ cho xe qua lại. Cầu từng có tên tiếng Pháp là De Lattre de Tassigny và tên khác là “cầu Trịnh Minh Thế”, đến năm 1975 mới được đổi tên thành cầu Trần Thị Lý và giữ cho đến bây giờ.
Cầu gồm 3 mặt dây phẳng, rộng 36 mét và dài 731 mét, có làn giao thông cho xe và cho người đi bộ, có lan can bảo vệ. Cầu có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và giao thông khi nối liền 3 quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Điểm nổi bật: Nếu như cầu Rồng tượng trưng cho linh vật Long thì cầu Trần Thị Lý tượng trưng cho Phụng. Với hình dáng cây cầu ta có thể liên tưởng đến Phượng Hoàng với 2 sải cánh hướng lên trời. Đây là một trong những biểu tượng phong thủy của người Đà Nẵng, giúp người dân tự tin hơn.
Ngoài hình dáng được so sánh với Phượng Hoàng, cầu còn được ví như một chiếc thuyền có cánh buồm dang rộng ra giữa sông. Thiết kế của cầu rất gợi mở trí tưởng tượng, mỗi người sẽ có cách nhìn khác nhau về hình dáng của nó.
4. Cầu Thuận Phước
Địa chỉ: ngã 3 đường Nguyễn Tất Thành, Như Nguyệt, Đà Nẵng
Lịch sử: Cầu nằm ở vị trí cuối sông Hàn, nơi nước sông Hàn và nước biển gặp nhau. Cầu có giá trị lưu thông khi nối liền đường Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa, Trường Sa. Cầu chính thức được đưa vào sử dụng năm 2009, có chiều dài 1.856 mét và rộng 18m.
Điểm nổi bật: Đây là cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam, được lắp đặt hệ thống đèn Led với công nghệ mới nhất làm nổi bật sự hoành tráng và rực rỡ về đêm. Cũng như những cây cầu khác ở Đà Nẵng, cầu Thuận Phước đẹp nhất là khi trời tối và bắt đầu được thắp sáng. Hệ thống đèn led hiện đại đem lại một cái nhìn rất hùng vĩ và độc đáo.
5. Cầu Vàng
Địa chỉ: Khu du lịch Bà Nà Hills
Lịch sử: Cầu Vàng nằm trong khu du lịch Bà Nà Hills, dài 150 mét và rộng 5 mét, cao hơn mực nước biển 1400 mét, là nơi nối liền khu tháp treo và các phần khác của khu nghĩ dưỡng. Cầu được xây trong vòng 1 năm và khánh thành năm 2018, được thiết kế bởi Trung tâm nghiên cứu của trường Đại học Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm nổi bật: Đoạn giữa của cầu có hai bàn tay to được tạo hình như đang nắm lấy và nâng đỡ cầu. Mặt cầu làm từ gỗ và lan can là inox mạ vàng. Cầu đứng đầu trong danh sách những kì quan thế giới mới theo bình chọn của tờ báo Daily Mail nước Anh.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những thông tin thú vị về các cây cầu nổi tiếng ở Đà Nẵng, chúc các bạn một ngày an lành!
Dưới đây là một số bài viết liên quan của BlogAnChoi:
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
: Các làng nghề và các cây cầu ở Đà Nẵng?
Cầu sông Hàn quê tôi đây, chiều chiều ra quán cafe Thư viện uống cafe ngắm cầu sông Hàn rất thú vị, bài viết rẩy hay