Nếu bạn là người yêu thích lịch sử và muốn khám phá những công trình có kiến trúc độc đáo thì Thành Cổ Loa là một địa điểm không thể bỏ lỡ. Nơi đây gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ thời các vua Hùng. Ngày hôm nay, hãy theo chân mình để cùng khám phá ngôi thành cổ này nhé.
Vị trí Thành Cổ Loa
Hiện nay, Thành Cổ Loa (hay Cổ Loa thành) tọa lạc trên địa phận của 3 xã là Cổ Loa, Việt Hùng và Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, chỉ cách trung tâm thủ đô khoảng chừng 24km. Nơi đây hiện được nhiều du khách ghé thăm đặc biệt là thế hệ các bạn trẻ nhằm tham quan, tìm hiểu, sống lại một thời hào hùng của cha ông.
Ngoài tên gọi Cổ Loa, thành cổ này còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác như Loa Thành, Thành Côn Lôn, Thành Tư Long,… Ngôi thành này thường được biến đến với nhiều sự tích thần thoại từ thời các vua Hùng như sự tích xây thành, mối tình Mị Châu – Trọng Thủy, Chiếc Nỏ thần…
Đôi nét về lịch sử của thành Cổ Loa
Thành Cổ Loa được An Dương Vương xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ III TCN, nơi đây từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc suốt những năm trị vì của các vua Hùng và cũng được Ngô Quyền lấy làm trung tâm của đất nước sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm vào thế kỉ thứ X.
Sở dĩ nơi đây được các vị vua trong lịch sử chọn làm kinh đô là do Thành Cổ Loa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nằm ở đỉnh của tam giác châu thổ Sông Hồng, cũng là nơi gặp nhau, giao lưu của hệ thống đường thủy và đường bộ. Chính đặc điểm này giúp cho thành Cổ Loa có thể kiểm soát được các vùng lãnh thổ xung quanh cả về đồng bằng cũng như sơn địa, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ vừa thích hợp cho việc tấn công.
Hiện nay, Thành Cổ Loa là một trong tổng số 21 Khu du lịch Quốc gia và đã được Thủ tướng chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 27/9/2012.
Khám phá kiến trúc cổ của Thành Cổ Loa
Khi tiến hành nghiên cứu và đánh giá, các nhà khảo cổ đã nhận định rằng thành Cổ Loa là một tòa thành có cấu trúc vô cùng độc đáo với quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử được xây dựng bởi người Việt cổ.
Ban đầu chất liệu xây dựng thành chủ yếu là bằng đất, sau đó được cải tiến thành đá và gốm vỡ. Trong quá trình xây dựng thành, cha ông ta đã biết lợi dụng tối đa địa hình của tự nhiên, tận dụng độ cao của các gò, đồi đất để đắp nên bức tường thành bên ngoài. Thành Cổ Loa được xây dựng theo hình xoắn trôn ốc với ba vòng là thành ngoại, thành trung và thành nội với tổng diện tích trung tâm lên đến 2km².
- Thành ngoại: được uốn lượn theo dòng chảy của địa hình, chính vì thế mà không có bất kì hình dáng cụ thể nào với chiều dài 8km và độ cao trung bình từ 3-4m.
- Thành trung: là thành bên trong liền kề thành ngoại, có chiều dài khoảng 6,5km với nhiều độ cao khác nhau, nơi cao nhất có thể tới 10m và bề rộng trung bình là 10m. Thành trung có 4 cửa hướng về 4 phương Bắc, Nam, Đông, Tây.
- Thành nội: là thành nằm phía trong cùng. Theo các nhà khảo cổ thì thành này được xây dựng dưới thời Ngô Quyền với độ cao trung bình là 5m, bề rộng của mặt thành từ 6-12m, chân lũy thành rộng từ 20-30m cùng chiều dài hơn 1,6km.
Ngăn cách mỗi vòng thành là hệ thống hào nước bao quanh với độ rộng trung bình từ 20-30m và đều thông với nhau nối ra hệ thống sông bên ngoài.
Khi đến thành Cổ Loa, du khách có thể ghé thăm cũng như tham quan Đền thờ An Dương Vương, Ngự triều di quy – đình Cổ Loa, Am Bà Chúa, Đền thờ Cao Lỗ.
Du khách đến tham quan thành cần lựa chọn những trang phục lịch sự, trang nhã, tránh việc nói to, ồn ào làm ảnh hưởng đến người khác và không gian thanh tịnh của thành.
Trên đây là một vài thông tin về thành Cổ Loa. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Hẹn gặp lại vào các bài viết tiếp theo. Nếu có bất kì ý kiến đóng góp nào hãy để lại ở phần bên dưới. Thân ái!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Nhà thờ Tân Định Sài Gòn – Địa điểm check-in độc lạ của du khách gần xa
- Tham quan khám phá Nhà thờ gỗ Kon Tum hơn trăm tuổi vẫn được bảo tồn nguyên vẹn
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!