Tập trung vào sự tinh tế, tai nghe earbud Nothing Ear 2 mang đến thiết kế tiện dụng tương tự như tai nghe không dây Ear 1 thế hệ trước, được cải thiện về khả năng kết nối, vật liệu chất lượng cao hơn, điều khiển tốt hơn và âm thanh rõ ràng hơn.

Thông số kỹ thuật

  • Kích thước:
    • Tai nghe: 29,4 x 21,5 x 23,5 mm
    • Hộp sạc: 55,5 x 55,5 x 22 mm
  • Trọng lượng:
    • Tai nghe: 4,5g
    • Hộp sạc: 51,9g
  • Kết nối:
    • Bluetooth 5.3 với Bluetooth đa điểm
    • Google Fast Pair
    • Microsoft Swift Pair
    • AAC/SBC/LHDC 5.0
  • Cảm biến:
    • Phát hiện đeo vào tai
    • Cảm biến áp lực để điều khiển cảm ứng
  • Thời lượng pin:
    • Tai nghe bật ANC: tối đa 4 giờ
    • Tai nghe tắt ANC: tối đa 6,3 giờ
    • Tai nghe kèm hộp sạc, bật ANC: tối đa 22,5 giờ
    • Tai nghe kèm hộp sạc, tắt ANC: tối đa 36 giờ
  • Sạc: USB-C, sạc không dây tối đa 2,5W
  • Loa: driver điều khiển động 11,6mm
  • Khử tiếng ồn: ANC lên tới 40db
  • Khả năng chống thấm nước:
    • Tai nghe: IP54
    • Hộp sạc: IP55
  • Màu sắc: Trắng đen
  • Giá bán: 149 USD
Tai nghe không dây Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)
Tai nghe không dây Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)

Hai năm sau khi ra mắt mẫu tai nghe Ear 1, hãng Nothing trở lại với thế hệ tiếp theo là Ear 2. Nhìn thoáng qua, tai nghe không dây này trông giống hệt như thế hệ trước, từ vỏ nhựa trong suốt đến chấm đỏ ở bên phải, nhưng thực ra có nhiều cải tiến cơ bản. Vậy tai nghe Ear 2 có thoải mái như Ear 1 hay không và có thực sự đáng mua?

Thiết kế bên ngoài gần như giống hệt thế hệ trước

Nothing Ear 2 giữ nguyên các ưu điểm của thế hệ trước, hộp sạc và tai nghe trông gần giống như Nothing Ear 1, nhưng ngoài ra cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh một vài cải tiến nhỏ về thẩm mỹ bên ngoài còn có rất nhiều cải tiến bên trong về chức năng.

Tai nghe Nothing Ear 2 với hộp trong suốt (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 2 với hộp trong suốt (Ảnh: Internet)

Ngay khi mở hộp sản phẩm, bạn sẽ ngay lập tức bị ấn tượng bởi hộp sạc hình vuông được thiết kế nhỏ gọn hơn rất nhiều. Theo thông số, nó chỉ ngắn hơn và hẹp hơn 3 MX Master so với thế hệ trước, nhưng trên thực tế chiếc hộp này có cảm giác nhỏ hơn nhiều và dễ mang đi hơn. Nó cũng nhẹ hơn 5g với cấu trúc cao cấp hơn một cách rõ ràng. Loại nhựa cấp thấp không thực sự trong suốt của Ear 1 đã được thay thế bằng loại nhựa hoàn toàn trong suốt và sáng bóng được cho là có khả năng chống trầy xước tốt hơn, với phần đế nhựa trắng nhô ra có chức năng như ốp lưng. Cổng sạc USB-C và nút ghép nối vẫn được duy trì, cùng với đó là “lúm đồng tiền” trên nắp hộp ở giữa hai chiếc tai nghe.

Trải nghiệm thực tế sử dụng hộp đựng trong 4 tháng, mặc dù nắp nhựa bị trầy xước khá nhiều nhưng các mặt xung quanh trong suốt và phần đáy hộp vẫn không bị trầy xước.

Mặt đáy của hộp đựng tai nghe Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)
Mặt đáy của hộp đựng tai nghe Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)
Nút và cổng sạc của hộp đựng tai nghe Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)
Nút và cổng sạc của hộp đựng tai nghe Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)

Giống như hộp đựng, thiết kế của tai nghe Ear 2 cũng có vẻ không thay đổi so với Ear 1. Phần cuống trong suốt chứa các cảm biến, linh kiện điện tử và chân sạc có thể nhìn thấy từ bên ngoài, cùng với tông màu trắng và đen. Nếu quan sát kỹ bạn sẽ nhận thấy những thay đổi nhỏ như cảm biến và nút mới ở mặt bên của mỗi chiếc tai nghe giúp điều khiển bằng cảm ứng.

Tai nghe Nothing Ear 2 trong hộp đựng (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 2 trong hộp đựng (Ảnh: Internet)

Có lẽ cách tốt nhất để phân biệt Ear 2 và Ear 1 là dòng chữ ở mặt ngoài của tai nghe có số 1 và 2 khác nhau rõ ràng.

Cải tiến về chất lượng âm thanh và tính năng điều khiển

Nothing Ear 2 có rất nhiều cải tiến bên trong, kết hợp các tính năng tốt nhất của tai nghe Ear 1 và Nothing Ear Stick cùng với một số tính năng mới được bổ sung thêm. Thiết kế nằm gọn trong tai tiện dụng giống như Ear 1 và tính năng khử tiếng ồn chủ động (có chế độ xuyên thấu) với các nút điều khiển bằng thao tác bóp giống như Ear Stick thay vì vuốt. Ear 2 được trang bị driver 11,6 mm tùy chỉnh với thiết kế hai buồng, cùng với 3 micrô nâng cao giúp cải thiện khả năng thu âm giọng nói và khử tiếng ồn chủ động, tính năng tùy chỉnh EQ trong ứng dụng và chế độ giảm độ trễ.

Tai nghe Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 2 (Ảnh: Internet)

Đặc biệt là khả năng kết nối Bluetooth đã được nâng cấp lên 5.3 với hỗ trợ đa thiết bị, cho phép bạn sử dụng tai nghe Ear 2 với 2 thiết bị khác nhau cùng lúc. Tính năng kết nối Fast Pair dành cho Android và Swift Pair dành cho Microsoft vẫn được duy trì giúp đơn giản hóa việc ghép nối tai nghe với điện thoạimáy tính. Nâng cấp lớn thứ 2 là hỗ trợ LHDC 5.0, codec Bluetooth độ phân giải cao với độ trễ thấp giúp bạn thưởng thức âm thanh chất lượng cao từ các ứng dụng như Apple Music, Tidal và Amazon Music.

Sự khác biệt giữa Nothing Ear 1 và Ear 2 là gì?

Tai nghe Nothing Ear 1 và Ear 2 (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 1 và Ear 2 (Ảnh: Internet)

Tai nghe Nothing Ear 2 (bên trái) có nhiều điểm tương đồng về thiết kế bên ngoài với Ear 1, từ thiết kế vỏ hộp cho đến hình dáng của tai nghe. Những điểm cải tiến lớn nhất của Nothing Ear 2 là:

  • Hộp đựng nhỏ hơn, nhẹ hơn và chất lượng xây dựng tốt hơn.
  • Điều khiển bằng cảm ứng không còn nữa, được thay thế bằng thao tác bóp hoặc chụm ngón tay
  • Tai nghe được trang bị driver 11,6mm có khả năng tùy chỉnh mới và vị trí micrô được thay đổi tốt hơn
  • Nothing Ear 2 có khả năng kết nối Bluetooth với 2 thiết bị cùng lúc
  • Ngoài khả năng hỗ trợ codec SBC và AAC, tai nghe Ear 2 còn hỗ trợ LHDC 5.0 để nghe âm thanh độ phân giải cao
  • Thời lượng pin được cải thiện đôi chút
  • Các cải tiến phần mềm bao gồm chế độ ANC được cá nhân hóa, EQ tùy chỉnh và cấu hình âm thanh tùy chỉnh

Trải nghiệm sử dụng thoải mái

Tai nghe Ear 1 trước đây được nhiều người đánh giá là tai nghe không dây thoải mái nhất. Nhờ thiết kế gần như giống hệt nên tai nghe Ear 2 cũng có ưu điểm tương tự, vừa khít với hình dạng tự nhiên của tai và cảm giác thoải mái không hề gây áp lực khiến bạn không muốn chuyển sang sử dụng các loại tai nghe khác.

Tai nghe Nothing Ear 2 trong tai (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 2 trong tai (Ảnh: Internet)

Cùng với Google Pixel Buds Pro, đây là loại tai nghe mà bạn có thể đeo hơn 30 phút mà không cảm thấy khó chịu và đau tai, thậm chí có thể sử dụng vài giờ cho đến khi hết pin.

Sự thoải mái là yếu tố chủ quan nhất nhưng cũng là yếu tố quan trọng nhất khi sử dụng tai nghe earbud. Các thông số kỹ thuật và chất lượng âm thanh tốt cũng trở nên vô nghĩa nếu bạn không thể đeo tai nghe trong thời gian dài một cách thoải mái. Tất nhiên không thể đảm bảo rằng tai nghe Ear 2 sẽ mang đến cảm giác thoải mái cho tất cả mọi người, nhưng hầu hết các đánh giá của người dùng về tai nghe Ear 1 và 2 cho đến nay đều nhất trí rằng đây là những chiếc tai nghe thoải mái nhất mà họ đã sử dụng.

Tai nghe Nothing Ear 2 với ứng dụng kết nối trên điện thoại (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 2 với ứng dụng kết nối trên điện thoại (Ảnh: Internet)

Với trải nghiệm thoải mái mà những chiếc tai nghe này mang lại, bạn sẽ muốn kết nối chúng với nhiều thiết bị để sử dụng mọi lúc mọi nơi. Ear 2 là tai nghe đầu tiên của hãng Nothing hỗ trợ kết nối đa thiết bị, sau khi bật tính năng này trong ứng dụng di động bạn có thể ghép nối Ear 2 với nhiều thiết bị, trong đó 2 thiết bị có thể hoạt động cùng lúc.

Ví dụ bạn có thể sử dụng tai nghe này để nghe nhạc trên máy tính iMac trong lúc làm việc và nhận cuộc gọi trên điện thoại Pixel 7 Pro, hoặc kết nối điện thoại Xiaomi 12T Pro và Pixel với tai nghe cùng một lúc. Thậm chí có thể sử dụng Nothing Ear 2 với TV hoặc iPad mà không cần phải ghép nối lại khi chuyển sang máy tính và điện thoại. Hãng Nothing cũng triển khai tính năng chọn thiết bị Bluetooth trong ứng dụng điều khiển, rất hữu ích khi bạn muốn ghép nối tai nghe cố định với một thiết bị cụ thể.

Ứng dụng điều khiển tai nghe Nothing Ear 2 trên điện thoại (Ảnh: Internet)
Ứng dụng điều khiển tai nghe Nothing Ear 2 trên điện thoại (Ảnh: Internet)

Tính năng điều khiển được nhiều người ưa thích ở tai nghe Ear Stick đã được áp dụng cho Ear 2, đó là thao tác điều khiển bằng cách bóp (hoặc chụm ngón tay) mang đến trải nghiệm tổng thể tốt hơn so với vuốt. Điều này giúp tránh tình trạng vô tình chạm vào tai nghe làm kích hoạt các thao tác điều khiển như kết thúc cuộc gọi hay chuyển nhạc. Thay vì nhấn vào tai nghe và đẩy vào trong tai, bạn chỉ cần giữ bằng 2 ngón tay và bóp nhẹ.

Tiếng click phát ra khi bóp tai nghe đóng vai trò là tín hiệu phản hồi, và bạn có thể tùy chỉnh các tính năng điều khiển này trong ứng dụng theo ý thích, ví dụ như nhấn đúp, nhấn 3 lần, nhấn giữ hoặc nhấn giữ 2 lần cho từng bên tai nghe riêng biệt. Bạn có thể quy định các thao tác này có chức năng theo ý muốn như tua lại bản nhạc hoặc chuyển bài, tăng giảm âm lượng, kích hoạt trợ lý giọng nói mặc định của điện thoại (Google, Alexa, Siri) và thay đổi chế độ khử tiếng ồn.

Ứng dụng điều khiển tai nghe Nothing Ear 2 trên điện thoại (Ảnh: Internet)
Ứng dụng điều khiển tai nghe Nothing Ear 2 trên điện thoại (Ảnh: Internet)

Mọi khía cạnh của trải nghiệm âm thanh với tai nghe Nothing Ear 2 cũng được cải thiện so với thế hệ trước. Bắt đầu với gọi thoại: 3 micrô được đặt ở vị trí tối ưu và được huấn luyện bằng dữ liệu tốt hơn có khả năng tách biệt hơn 20 triệu âm thanh (so với 2 triệu của Ear 1 và 12 triệu của Ear Stick) mang đến âm thanh cuộc gọi rõ ràng hơn. Thử nghiệm thực tế ghi lại giọng nói với tiếng mưa và giông ngoài trời, trong khi tai nghe Ear 1 phát ra một vài tiếng sấm lớn hơn thì Ear 2 hầu như không có, giọng nói cũng sắc nét hơn rất nhiều, ít tiếng vang hơn.

Ear 2 được trang bị tính năng EQ tùy chỉnh giống như Ear Stick nhưng cũng cho phép người dùng tùy chỉnh cấu hình âm thanh cụ thể theo ý thích cá nhân. Bạn có thể chọn các chế độ như cải tiến cấu hình được đề xuất, phiên bản âm thanh nhẹ nhàng hơn hoặc phong phú hơn. Trải nghiệm thực tế cho thấy driver tùy chỉnh mới của Ear 2 giúp âm trầm mạnh mẽ hơn và âm cao rõ ràng hơn một chút so với tai nghe Ear 1, không bao giờ phải tăng âm lượng trên mức 60%.

Tính năng khử tiếng ồn chủ động của Ear 2 cũng có thể được điều chỉnh phù hợp theo ý thích của bạn với tính năng thử nghiệm ANC mới và 4 cấp độ khác nhau để lựa chọn thay vì 2 cấp độ như tai nghe Ear 1. Các cấp độ này cho phép bạn tùy chỉnh trải nghiệm nghe âm thanh tốt hơn, chọn phong cách âm thanh và mức độ tiếng ồn phù hợp nhất trong mọi tình huống.

Tai nghe Nothing Ear 2 có nhược điểm gì?

Sử dụng tai nghe Nothing Ear 2 để nghe nhạc Spotify (Ảnh: Internet)
Sử dụng tai nghe Nothing Ear 2 để nghe nhạc Spotify (Ảnh: Internet)

Với tất cả những ưu điểm như trên, thật khó để tìm ra điều gì đáng phàn nàn về tai nghe Nothing Ear 2. Điều đáng thất vọng rõ ràng nhất là thời lượng pin: dù bạn sử dụng như thế nào thì cũng không duy trì được lâu sau mỗi lần sạc. Thử nghiệm thực tế có thể dùng được khoảng 6 giờ khi tắt ANC và 4 giờ khi bật ANC, nhưng giảm xuống còn khoảng 3 tiếng rưỡi khi bật tính năng kết nối Bluetooth đa thiết bị – trong khi các loại tai nghe của hãng khác có thể nghe được từ 7 đến 10 giờ.

Tai nghe này không phù hợp để sử dụng khi bắt đầu một ngày làm việc kéo dài, cũng không lý tưởng để mang theo khi đi tàu hoặc máy bay nhiều giờ. Với khả năng sử dụng được 3 đến 4 giờ, bạn chỉ nên sử dụng Nothing Ear 2 trong thời gian ngắn như trên đường đi làm, đi dạo, gọi điện công việc hoặc khi có điều kiện thoải mái để sạc pin. Trải nghiệm thực tế một lần sạc đầy mất khoảng 45 đến 50 phút, phù hợp cho giờ nghỉ trưa ở nơi làm việc.

Đối với người dùng bình thường, tai nghe này có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu nghe nhạc hoặc podcast, vì vậy thời lượng pin ngắn không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm, đặc biệt là khi pin lớn hơn có thể làm cho tai nghe trở nên cồng kềnh hơn. Tuy nhiên bạn nên xem xét kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng của bản thân về thời lượng pin trước khi mua, nhất là nếu bạn thường xuyên sử dụng tai nghe nhiều hơn 6 giờ hoặc bật tính năng khử tiếng ồn lâu hơn nửa ngày làm việc.

Tai nghe Nothing Ear 2 với tính năng khử tiếng ồn trong ứng dụng (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 2 với tính năng khử tiếng ồn trong ứng dụng (Ảnh: Internet)

Mặc dù Ear 2 có khả năng khử tiếng ồn chủ động tốt hơn và có thể tùy chỉnh nhiều hơn so với Ear 1 nhưng vẫn ở mức trung bình khá về khả năng giảm tiếng ồn bên ngoài. Trải nghiệm thực tế tai nghe này có thể chặn và giảm bớt các âm thanh tần số thấp như quạt và động cơ máy móc nhưng vẫn có thể nghe thấy được. Những âm thanh tần số cao và những tiếng ồn thay đổi liên tục như tiếng nói chuyện của mọi người chỉ giảm đi một chút, không thể so sánh với khả năng khử ồn của những loại tai nghe cao cấp đắt tiền như Apple Airpod Pro (thế hệ 2), Sony WF-1000XM4 hay Bose QuietComfort Earbuds 2.

Đối với người dùng bình thường, tai nghe Ear 2 vẫn có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày, thậm chí việc không chặn hoàn toàn tiếng ồn có thể hữu ích trong các trường hợp như khi đi trên đường hay làm việc một mình ở nhà, vì bạn vẫn nghe được một chút âm thanh của môi trường xung quanh. Nhưng nếu bạn muốn có cảm giác tập trung hoàn toàn vào âm thanh của tai nghe thì nên chuyển sang các loại tai nghe khác.

Hãng Nothing được đánh giá cao về khả năng hỗ trợ âm thanh chất lượng cao với codec LHDC 5.0, nhưng lưu ý rằng điện thoại của bạn phải hỗ trợ LHDC để sử dụng được tính năng này. Ví dụ như điện thoại Nothing Phone 2 và Phone 1 có LHDC, nhưng iPhone của Apple, điện thoại Pixel của Google, Samsung Galaxy và nhiều dòng điện thoại phổ biến khác không hỗ trợ Bluetooth qua LHDC.

Kể cả khi đã bật LHDC trong ứng dụng Nothing X, dùng điện thoại tương thích và chọn đúng codec trong cài đặt Bluetooth của tai nghe, thì bạn vẫn phải chọn các nội dung âm thanh chất lượng cao để tận hưởng tính năng này ở mức tối ưu, ví dụ phải đăng ký dịch vụ phát trực tuyến chất lượng cao như Apple Music, Amazon Music hoặc Tidal. Nếu bạn sử dụng Spotify hoặc YouTube Music thì tính năng này cũng không tạo ra sự khác biệt đáng kể khi nghe nhạc. Do đó nhiều người cho rằng hãng Nothing nên chọn các loại codec được hỗ trợ rộng rãi hơn như LDAC hoặc aptX để sử dụng tai nghe Ear 2 dễ dàng hơn.

Tóm lại: Tai nghe Nothing Ear 2 có đáng mua hay không?

Ưu điểm

  • Cảm giác đeo rất thoải mái
  • Điều khiển cảm ứng bằng cách bóp
  • Kết nối Bluetooth đa thiết bị
  • Chất lượng âm thanh cuộc gọi và mic tốt
  • Tính năng tùy chỉnh âm thanh và ANC

Nhược điểm

  • Thời lượng pin ở mức trung bình
  • Hiệu suất ANC trung bình
  • Không hỗ trợ codec aptX/LDAC
Tai nghe Nothing Ear 2 kèm hộp đựng (Ảnh: Internet)
Tai nghe Nothing Ear 2 kèm hộp đựng (Ảnh: Internet)

Tai nghe Nothing Ear 2 duy trì mọi ưu điểm mà người dùng yêu thích ở thế hệ trước và cải thiện tốt hơn nữa: hộp đựng nhỏ hơn và cao cấp hơn, tai nghe cho cảm giác thoải mái, khả năng khử tiếng ồn tốt hơn một chút, âm thanh mạnh mẽ hơn và có thể tùy chỉnh nhiều hơn, cũng như micrô rõ ràng hơn cho nhu cầu gọi điện thoại và thu âm giọng nói. Đặc biệt là tính năng kết nối Bluetooth với nhiều thiết bị như điện thoại và máy tính và điều khiển bằng thao tác chụm ngón tay đơn giản.

Nếu bạn đã yêu thích tai nghe Ear 1 thì không thể bỏ qua Ear 2. Và nếu bạn chưa từng dùng thử Ear 1 nhưng đang tìm mua tai nghe earbud giá phải chăng với sự cân bằng tốt về âm thanh, thông số kỹ thuật và các tính năng bổ sung, thì Ear 2 cũng là lựa chọn lý tưởng. Hai nhược điểm duy nhất cần xem xét là thời lượng pin và hiệu suất ANC ở mức trung bình, nhưng tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người.

Bạn có thể mua tai nghe Nothing Ear 2 tại đây

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

5 chiếc tai nghe gaming giá rẻ dưới 1 triệu dành cho game thủ

Nhu cầu giải trí hiện nay đang tăng về thị trường công nghệ nên nhiều người đòi hỏi các sản phẩm công nghệ phải đáp ứng nhu cầu của họ. Đối với những người là game thủ thì họ sẽ cần những sản phẩm công nghệ tốt để phục vụ nhu cầu chơi game tốt nhất và tai nghe ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận