Tai nghe AirPods của Apple có thể sẽ được trang bị tính năng theo dõi sức khỏe tim mạch của người dùng, dựa theo nguồn tin về một đơn xin cấp bằng sáng chế mới đây của hãng. Trang Patently Apple cho biết rằng tính năng mới sẽ sử dụng tín hiệu âm thanh do tai nghe phát ra và xử lý bằng thuật toán để phát hiện một số vấn đề tim mạch như nhịp tim chậm và nhịp tim nhanh bất thường.
Tai nghe AirPods sẽ có tính năng theo dõi sức khỏe tim mạch?
Hồi đầu tháng 9, trang tin 9to5mac cũng cho biết rằng trong hệ điều hành iOS 18 có mã chứng tỏ Apple đã thử nghiệm tính năng theo dõi sức khỏe mới cho các mẫu tai nghe AirPods Pro 3 và Powerbeats Pro 2 sắp ra mắt.
Đơn xin cấp bằng sáng chế của Apple đã giải thích về tính năng mới: khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe tim mạch của người dùng, tai nghe sẽ cảnh báo bằng cách phát ra thông báo hoặc âm thanh. Ngoài ra Apple cũng có thể theo dõi sức khỏe tim mạch của người dùng thông qua các thiết bị khác (ví dụ như đồng hồ thông minh Apple Watch) với công nghệ được gọi là Pulse Transit Time (PTT). Phương pháp này sử dụng các cảm biến trên 2 thiết bị để đo nhịp tim của người dùng, sau đó so sánh dữ liệu để phát hiện sự bất thường. Dữ liệu cũng được lưu vào ứng dụng Apple Health để phân tích rõ ràng hơn về tình trạng tim mạch. Đây là tính năng rất hữu ích, đặc biệt đối với những người quan tâm đến sức khỏe.
Hiện nay bệnh tim mạch vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, vì vậy người dùng rất kỳ vọng tính năng mới của Apple sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tim mạch và góp phần cứu sống nhiều người hơn. Cùng với tính năng trợ thính mới được trang bị gần đây cho tai nghe AirPods, có thể thấy Apple đang tích cực phát triển khả năng hỗ trợ sức khỏe người dùng cho các thiết bị.
Dự kiến các mẫu tai nghe AirPods Pro 3 và Powerbeats Pro 2 sẽ được tung ra thị trường trong năm 2025, nhưng hiện tại Apple vẫn chưa xác nhận ngày cụ thể và liệu chúng có được trang bị các tính năng sức khỏe nêu trên hay không. Bên cạnh đó cũng không rõ liệu các tính năng trên có hoạt động hiệu quả như kỳ vọng hay không. Dù sao đây cũng là sự cải tiến quan trọng của Apple giúp theo dõi sức khỏe tim mạch của người dùng.
Tai nghe AirPods Pro giúp bảo vệ thính giác của người dùng như thế nào?
AirPods Pro 2 không chỉ là mẫu tai nghe lý tưởng mang đến âm thanh chất lượng cao cho người dùng iPhone. Mới đây Apple đã thông báo kế hoạch bổ sung các tính năng mới cho AirPods Pro 2 giúp bảo vệ thính giác của người dùng, thậm chí có thể thay thế cho máy trợ thính.
Tính năng Bảo vệ thính giác
Tại sự kiện “It’s Glowtime” ra mắt dòng điện thoại iPhone 16 vừa qua, Apple đã giới thiệu tính năng hỗ trợ thính giác cho tai nghe AirPods Pro 2 được gọi là Bảo vệ thính giác. Mẫu tai nghe này được trang bị chip H2 có khả năng chủ động làm giảm các tiếng ồn lớn và phát ra không liên tục với tần số 48.000 lần mỗi giây.
Tính năng này sẽ được bật theo mặc định trên tất cả các chế độ của tai nghe AirPods Pro. Ngoài ra sẽ có thuật toán giúp giữ nguyên âm thanh trực tiếp của môi trường xung quanh một cách tự nhiên và sống động.
Kiểm tra thính lực
Để giúp người dùng tự đánh giá tình trạng thính lực của mình, tai nghe AirPods Pro 2 sẽ được trang bị tính năng đo thính lực theo tiêu chuẩn y tế lâm sàng, hoạt động kết hợp với các mẫu iPhone và iPad tương thích.
Bài kiểm tra thính lực này sử dụng phép đo âm thanh thuần túy và kéo dài khoảng 5 phút, trong đó người dùng phải nhấn vào màn hình iPhone hoặc iPad mỗi khi nghe thấy âm thanh. Sau đó hệ thống sẽ đưa ra kết quả cho biết tình trạng thính lực của mỗi bên tai và kèm theo khuyến nghị giúp bảo vệ tai. Các dữ liệu này sẽ được lưu trong ứng dụng Health của Apple để người dùng có thể theo dõi và chia sẻ cho bác sĩ nếu cần thiết.
Tính năng trợ thính
Có lẽ đây là tính năng hữu ích nhất từ trước đến nay của tai nghe AirPods Pro 2, có thể hoạt động như máy trợ thính để hỗ trợ cho người dùng bị giảm thính lực ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Tính năng này sẽ hoạt động dựa theo kết quả bài kiểm tra thính lực của người dùng, go hỗ trợ chính xác theo cách cá nhân hóa.
Bên cạnh đó còn có các tính năng điều chỉnh âm thanh cho từng người dùng cụ thể giúp tăng âm lượng theo thời gian thực. Tai nghe cũng dựa vào tình trạng thính lực của từng cá nhân để tự động điều chỉnh âm thanh của các hoạt động khác như xem phim, nghe nhạc, chơi game và nghe gọi điện thoại trên nhiều thiết bị Apple khác nhau. Ngoài ra người dùng có thể điều chỉnh tính năng này dựa theo kết quả đo thính lực bên ngoài.
Kể cả khi tính năng kiểm tra thính lực của Apple cho thấy người dùng không mắc vấn đề gì thì tai nghe vẫn có thể dựa vào các dữ liệu đó để điều chỉnh tần số âm thanh mang đến trải nghiệm tối ưu cho người dùng.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Đồng hồ thông minh Withings ScanWatch Light: Kiểu dáng như đồng hồ thường với các tính năng theo dõi sức khỏe
- So sánh tai nghe Sony WF-1000XM5 và AirPods Pro 2 của Apple: Lựa chọn nào phù hợp cho bạn?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Những bình luận của các bạn sẽ là động lực để mình viết những bài viết tốt hơn!