Bạn đã bao giờ nghe nói đến “màn hình LCD” hay “màn hình LED” của tivi, máy tính và điện thoại? Chắc hẳn là rất nhiều. Nhưng chính xác thì chúng là gì và khác nhau ra sao? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá về các công nghệ này nhé!

Công nghệ chế tạo màn hình cho các thiết bị điện tử ngày nay đang phát triển chóng mặt với hàng loạt những tên gọi như màn hình độ nét cao, 3D, smart, 4K, 4K Ultra, và rất nhiều công nghệ khác vẫn đang được nghiên cứu phát triển.

Các loại màn hình ngày càng phát triển đa dạng (Ảnh: Internet).
Các loại màn hình ngày càng phát triển đa dạng (Ảnh: Internet).

Trong số đó hai khái niệm quen thuộc nhất với người dùng có lẽ là LCD và LED. Nhưng bạn đã biết sự khác biệt giữa chúng là gì, và có ảnh hưởng như thế nào đến việc lựa chọn loại màn hình để phục vụ cho các mục đích khác nhau như chơi game hay thiết kế đồ họa?

LCD và LED có phải là một?

Tất cả màn hình LED đều là màn hình LCD, nhưng không phải màn hình LCD nào cũng được gọi là LED. Hay nói cách khác, LED là một phân nhóm của LCD.

Màn hình LCD và LED có liên quan với nhau (Ảnh: Internet).
Màn hình LCD và LED có liên quan với nhau (Ảnh: Internet).

Mặc dù các khái niệm này nghe có vẻ khá khó hiểu đối với những người đang muốn tìm mua thiết bị điện tử tốt nhất cho bản thân và gia đình, nhưng hãy cùng tìm hiểu và bạn sẽ thấy chúng thực ra rất đơn giản thôi!

Công nghệ hiển thị hình ảnh bằng tinh thể lỏng (liquid crystal display – LCD)

Cả hai loại màn hình LED và LCD đều sử dụng tinh thể lỏng để tạo nên hình ảnh, nhưng sự khác biệt giữa chúng nằm ở ánh sáng nền. Trong khi màn hình LCD tiêu chuẩn sử dụng ánh sáng nền huỳnh quang thì màn hình LED lại dùng công nghệ điốt phát quang (light emitting diode) để tạo ra luồng sáng này.

Nhìn chung màn hình LED thường có chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhưng chúng lại có nhiều cấu hình ánh sáng nền khác nhau và trong số đó có một số cấu hình sẽ cho ra chất lượng hình ảnh cao hơn các cấu hình khác.

Trước năm 2014, công nghệ hình ảnh plasma chiếm vị trí độc tôn trong ngành sản xuất màn hình điện tử, nhưng sau đó LCD đã soán ngôi. Màn hình LED cũng sử dụng công nghệ tinh thể lỏng, do đó về mặt kỹ thuật thì phải gọi là “màn hình LCD LED” mới chính xác.

Đầu tiên hãy cùng tìm hiểu về các tinh thể lỏng được dùng trong LCD và LED. Cơ sở khoa học đằng sau chúng bao gồm nhiều lĩnh vực phức tạp như quang học, hóa học và chế tạo điện tử, nhưng chúng ta sẽ tìm hiểu bằng những khái niệm đơn giản và dễ hiểu nhất nhé.

Tinh thể lỏng là gì?

Màn hình tinh thể lỏng được sử dụng phổ biến ngày nay (Ảnh: Internet).
Màn hình tinh thể lỏng được sử dụng phổ biến ngày nay (Ảnh: Internet).

Ở trường phổ thông chúng ta đều được dạy rằng vật chất tồn tại ở một trong các thể: rắn, lỏng, khí hoặc plasma. Tuy nhiên trên thực tế lại có những chất pha trộn giữa nhiều trạng thái khác nhau. Tinh thể lỏng là một chất như vậy, sở hữu những đặc tính của cả chất rắn và chất lỏng.

  • Chất rắn: các phân tử trong tinh thể lỏng có thể sắp xếp thành những hình khối đơn giản và có tính chất hình học đặc trưng.
  • Chất lỏng: các phân tử của tinh thể lỏng cũng có thể tồn tại ở dạng lỏng, không có cấu trúc cố định.
Tinh thể lỏng nhìn dưới kính hiển vi (Ảnh: Internet).
Tinh thể lỏng nhìn dưới kính hiển vi (Ảnh: Internet).

Ở điều kiện thông thường, các phân tử này sẽ chen chúc nhau dày đặc và không có cấu trúc rõ ràng. Nhưng khi tiếp xúc với dòng điện chúng sẽ ngay lập tức sắp xếp thành những hình dạng có cấu trúc và liên kết chặt chẽ với nhau.

Khái niệm về pixel

Pixel (điểm ảnh) là đơn vị cơ bản tạo nên các hình ảnh kỹ thuật số, có thể hiểu đó là một chấm nhỏ phát ra ánh sáng trên màn hình điện tử.

Màn hình được cấu tạo từ các pixel (Ảnh: Internet).
Màn hình được cấu tạo từ các pixel (Ảnh: Internet).

Mỗi màn hình được tạo nên bởi rất nhiều pixel và chúng hiển thị vô số màu sắc khác nhau để tạo nên các hình ảnh từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm cả chính những dòng chữ mà bạn đang đọc ngay lúc này. Có thể nói màn hình điện tử là một bức tranh khảm được ghép từ những mảnh cực nhỏ rất khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Mỗi pixel được tạo thành bởi ba bộ lọc màu được gọi là subpixel, chúng có nhiệm vụ vụ tạo cho ánh sáng có màu đỏ, xanh dương hoặc xanh lục. Và khi nhiều pixel nằm cạnh nhau thể hiện một trong ba màu này theo những độ sáng khác nhau thì mắt của chúng ta sẽ cảm nhận được vô số màu sắc phong phú được tạo nên bởi những tổ hợp pixel đa dạng.

Màn hình LCD hoạt động như thế nào?

Các tinh thể lỏng nằm giữa 2 tấm kính trong màn hình LCD (Ảnh: Internet).
Các tinh thể lỏng nằm giữa 2 tấm kính trong màn hình LCD (Ảnh: Internet).

Mỗi pixel có hai tấm thủy tinh và tấm ở phía ngoài có chứa các subpixel, còn các tinh thể lỏng được kẹp giữa hai tấm này. Màn hình LCD có nguồn sáng nền nằm ở phía sau phát ra ánh sáng trắng, và các tia sáng không thể đi xuyên qua tinh thể lỏng khi chúng ở trạng thái lỏng – tức không có dòng điện chạy vào thiết bị.

Nhưng khi màn hình được bật lên, dòng điện chạy qua các tinh thể lỏng sẽ khiến chúng sắp xếp lại thành cấu trúc có trật tự cho phép ánh sáng đi xuyên qua. Mỗi pixel có 3 nguồn sáng nền tách biệt nhau để phát ra các tia sáng đi qua bộ lọc màu đỏ, xanh dương hoặc xanh lục, từ đó tạo ra ánh sáng có màu nhất định.

Như vậy cấu trúc của màn hình LCD sắp xếp từ sau ra trước bao gồm các bộ phận:

  • Nguồn sáng nền
  • Tấm thủy tinh 1
  • Các tinh thể lỏng
  • Tấm thủy tinh 2 có các bộ lọc màu
  • Màn hình hiển thị hình ảnh

Các loại ánh sáng nền khác nhau

Màn hình LCD và LED đều sử dụng tinh thể lỏng, và chính kiểu ánh sáng nền mới làm nên sự khác biệt giữa chúng.

Ánh sáng nền của màn hình LCD

Màn hình LCD tiêu chuẩn sử dụng các đèn huỳnh quang cathode lạnh (cold cathode fluorescent lamp, hay viết tắt là CCFL) để phát ra ánh sáng nền. Những bóng đèn huỳnh quang này được sắp xếp trải đều khắp phía sau màn hình để cung cấp nguồn sáng ổn định trong suốt quá trình thiết bị hoạt động. Như vậy tất cả các vùng của hình ảnh đều có độ sáng tương đương nhau.

Dàn đèn CCFL trong màn hình LCD tiêu chuẩn (Ảnh: Internet).
Dàn đèn CCFL trong màn hình LCD tiêu chuẩn (Ảnh: Internet).

Ánh sáng nền của màn hình LED

Màn hình LED không sử dụng đèn huỳnh quang, mà thay vào đó là các điốt phát quang – một dạng bóng đèn cực nhỏ. Có hai phương pháp chiếu sáng nền cho loại màn hình này, đó là chiếu sáng toàn dãy (full-array backlighting) và chiếu sáng viền (edge backlighting).

Đối với chiếu sáng toàn dãy, các bóng đèn LED được sắp xếp đều khắp toàn bộ màn hình giống như trong LCD nhưng khác ở chỗ chúng được “gom” thành từng vùng. Mỗi vùng này có thể được điều khiển để tối đi, hay còn được gọi là làm tối cục bộ.

Cách sắp xếp ánh sáng nền của các loại màn hình LED (Ảnh: Internet).
Cách sắp xếp ánh sáng nền của các loại màn hình LED (Ảnh: Internet).

Tính năng làm tối cục bộ có vai trò cực kỳ quan trọng để cải thiện chất lượng hình ảnh, bởi hình ảnh đẹp là khi có tỷ lệ tương phản cao, hay nói cách khác là những hình ảnh sở hữu đồng thời cả những pixel cực sáng và những pixel cực tối trên cùng một màn hình.

Khi có một phần nào đó của hình ảnh cần phải tối hơn (chẳng hạn như bầu trời đêm) thì các bóng đèn LED ở vùng đó sẽ được điều khiển để tối lại, tạo ra màu đen đích thực. Điều này không thể thực hiện được đối với màn hình LCD tiêu chuẩn bởi vì toàn bộ hình ảnh được chiếu sáng đồng đều trong suốt quá trình hoạt động.

Với kỹ thuật làm tối cục bộ, màn hình có thể tạo ra nhiều chi tiết chính xác và sống động làm thỏa mãn thị giác người dùng ở mức độ cao nhất.

So sánh độ tương phản giữa 2 kiểu màn hình LED (Ảnh: Internet).
So sánh độ tương phản giữa 2 kiểu màn hình LED (Ảnh: Internet).

Trong khi đó một số màn hình LED lại sử dụng kỹ thuật chiếu sáng viền, tức là các bóng đèn LED được đặt dọc theo cạnh của màn hình chứ không phải là phía sau. Cụ thể có một vài cách sắp xếp được sử dụng phổ biến là:

  • Dọc theo cạnh dưới màn hình
  • Dọc theo cạnh dưới và cạnh trên
  • Dọc theo hai cạnh bên trái và phải
  • Hoặc dọc theo cả bốn cạnh của màn hình

Kỹ thuật chiếu sáng viền không có khả năng làm tối cục bộ, do đó cũng không thể tạo ra hình ảnh có độ tương phản cao như màn hình LED toàn dãy. Tuy nhiên chiếu sáng viền lại giúp nhà sản xuất có thể làm ra những màn hình siêu mỏng với chi phí thấp để phù hợp với phân khúc người dùng bình dân.

So sánh màn hình LCD và LED

Nếu nói về chất lượng hình ảnh thì màn hình LED chiếu sáng toàn dãy hầu như luôn luôn vượt trội so với LCD tiêu chuẩn. Tuy nhiên màn hình LED theo kiểu chiếu sáng viền trên thực tế có thể không tốt bằng LCD.

Nên chọn loại màn hình nào để chơi game?

Chắc chắn bạn nên chọn màn hình LED toàn dãy. Vấn đề đối với kiểu chiếu sáng cạnh là sẽ không có nhiều góc quan sát tối ưu để chơi game thoải mái. Mặc dù đó không phải là vấn đề quan trọng nếu bạn thích ngồi yên một chỗ ngay phía trước màn hình trong khi chơi, nhưng nếu bạn thuộc tuýp người thích nghiêng ngả qua lại hoặc muốn nhìn hình ảnh từ nhiều góc độ khác nhau thì màn hình LED viền sẽ cản trở trải nghiệm thị giác khi rời khỏi góc nhìn chính diện.

Màn hình LED toàn dãy là lựa chọn số một khi chơi game (Ảnh: Internet).
Màn hình LED toàn dãy là lựa chọn số một khi chơi game (Ảnh: Internet).

Nhưng kể cả khi bạn ngồi yên phía trước màn hình thì màn hình LED viền vẫn có nhiều vấn đề so với kiểu toàn dãy, đặc biệt là gây chói mắt do cách sắp xếp nguồn sáng không đều – rất sáng dọc theo các cạnh và tối hơn khi tiến về giữa màn hình. Trong khi đó màn hình LCD có các pixel được phân bố trải đều sẽ cho bạn nhiều góc nhìn tốt hơn và không bị chói so với LED viền.

Màn hình LED viền có giá rẻ hơn và thích hợp với không gian chật hẹp

Đó là hai ưu điểm cực lớn của loại màn hình này. Nếu chỗ ở của bạn không được rộng rãi lắm thì chắc hẳn bạn sẽ muốn có một chiếc màn hình LED viền bởi chúng thường mỏng hơn các loại khác, đồng thời cũng có giá phải chăng, dễ tiếp cận với đa số người tiêu dùng phổ thông.

Các màn hình LED siêu mỏng thường dùng kiểu chiếu sáng viền (Ảnh: Internet).
Các màn hình LED siêu mỏng thường dùng kiểu chiếu sáng viền (Ảnh: Internet).

Cũng đừng quên các thông số kỹ thuật khác

Khi tìm mua màn hình mới hãy nhớ xem xét tất cả các thông số kỹ thuật của mỗi sản phẩm. Mặc dù kiểu chiếu sáng nền là quan trọng nhưng bạn cũng nên kiểm tra độ phân giải và tần số quét màn hình bởi đó đều là những yếu tố quyết định đến chất lượng hình ảnh.

Độ phân giải là khái niệm cho biết có bao nhiêu pixel được hiển thị trên màn hình. Số lượng pixel càng nhiều thì các màu sắc càng đa dạng và sống động hơn. Các màn hình chất lượng cao hiện nay có độ phân giải ít nhất là 1920 x 1080 pixel.

Còn tần số quét (hay tần suất làm mới – refresh rate) là chỉ số cho biết màn hình cập nhật những hình ảnh mới nhanh đến mức nào. Nếu bạn là một game thủ thì hãy chọn các màn hình có tần số quét cao để tránh tình trạng hình ảnh bị lag, giật cục – hiện tượng xảy ra khi màn hình không bắt kịp với tốc độ làm việc của bộ xử lý đồ họa (GPU).

Bạn có thể tìm hiểu thêm về tần số quét và cách kiểm tra chỉ số này trên điện thoại tại bài viết: Tần số quét của màn hình điện thoại có ý nghĩa gì, và làm sao để kiểm tra được?

Đó là những thông tin cơ bản về hai loại màn hình LCD và LED được dùng trong các thiết bị điện tử. Bạn hãy cân nhắc lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

7 cách kiểm tra bộ sạc có an toàn và phù hợp với điện thoại của bạn hay không

Hầu hết những trường hợp điện thoại bị cháy nổ khi đang sạc có nguyên nhân là do sử dụng bộ sạc kém chất lượng. Tuy nhiên những bộ sạc hàng nhái thường được làm rất giống với hàng thật khiến người dùng khó phân biệt. Vậy làm cách nào để kiểm tra xem bộ sạc điện thoại có ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mộc Chi

Tác giả viết rất hay