Ngoài những yếu tố chuyên môn, bóng đá cũng thu hút khán giả bằng những yếu tố bên ngoài sân cỏ. Ở bài viết này hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những điều thú vị về trang phục thi đấu của các cầu thủ bóng đá.
Trang phục thi đấu của các cầu thủ bóng đá không chỉ để phân biệt giữa các đội bóng, để bảo vệ cầu thủ tránh các chấn thương, mà giờ đây chúng đã trở thành những bộ trang phục mang đậm tính thời trang.
Thuở ban đầu
Ở giai đoạn bắt đầu của môn thể thao vua, các cầu thủ vẫn chưa có những trang phục gọn gàng như hiện tại, thay vào đó họ ra sân với những bộ quần áo dài. Những thiết kế ở thời điểm đó cũng hết sức đơn giản, không có những họa tiết hay màu sắc đa dạng để phân biệt các đội bóng. Những chiếc áo đầu tiên được may bằng len và đôi khi các cầu thủ ra sân với những chiếc áo sơ mi.
Số áo có từ khi nào?
Ngày nay chúng ta quen với việc các cầu thủ ra sân với những số áo sau lưng. Nhưng trước đây, các cầu thủ chưa từng nghĩ đến việc in số lên lưng áo. Năm 1928, huấn luyện viên người Anh Hernert Chapman là người đầu tiên đề xuất ý tưởng in số ở trên lưng áo của các cầu thủ, ban đầu các số áo chỉ được sử dụng trên sân tập.
Mãi đến mùa giải 1938-39, tất cả các câu lạc bộ trong Liên đoàn bóng đá Anh mới bắt buộc phải mặc áo số. Việc đánh số áo cố định của mỗi cầu thủ trong suốt giải đấu chỉ được áp dụng từ World Cup 1954.
Số áo ngoài việc phân biệt các cầu thủ trên sân cũng là thứ để họ khẳng định cá tính riêng của mình. Ngoài những số áo đã trở thành thương hiệu như Ronaldo áo số 7, Messi áo số 10 hay Kaká số 22 thì không ít các cầu thủ gây ấn tượng bằng những số áo đặc biệt như Ivan Zamorano với số 1+8 hay Bixente Lizarazu với số áo 69.
Những thay đổi theo từng giai đoạn
Suốt một quãng thời gian dài của thế kỷ 20, hình ảnh thường thấy trên các sân cỏ thế giới là các cầu thủ ra sân với những chiếc quần short rất ngắn cùng với áo thun ngắn tay không có họa tiết. Ở thời điểm đó trang phục bóng đá thực sự rất đơn giản với vải cotton truyền thống.
Với sự phát triển của truyền hình, của marketing, các nhà tài trợ bắt đầu in logo của họ lên áo đấu từ những năm 80. Vải cotton dần được thay thế bằng vải polyester, điều này giúp cho áo đấu trở nên nhẹ hơn và việc thiết kế, in ấn họa tiết cũng trở nên phổ biến hơn. Những chiếc áo có thiết kế rộng rãi bắt đầu phổ biến từ thập niên 90.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, trang phục đã được nghiên cứu sao cho các cầu thủ vận động thoải mái nhất, hỗ trợ tốt nhất cho việc thi đấu. Những vật liệu nhẹ, thoáng mát nhất được nghiên cứu và đưa vào sản xuất.
Puma là hãng đi đầu trong việc phổ biến những chiếc áo ôm sát giúp tối ưu khả năng vận động của các cầu thủ. Những chiếc áo này rất đẹp tuy nhiên với những cầu thủ “mỏng cơm” thì việc mặc những chiếc áo bó sát như vậy thực sự là một thảm họa.
Những thủ môn gây ấn tượng
Đến năm 1909, thủ môn mới được mặc trang phục với màu sắc riêng để phân biệt với các cầu thủ khác trên sân. Thủ môn là vị trí khác biệt nhất trên sân cỏ, và nhiều thủ môn cũng gây dấu ấn với khán giả bằng những trang phục đặc biệt của mình.
Thủ thành Gabor Kiraly có thể không nổi bật bởi chuyên môn, tuy nhiên mỗi lần ra sân anh đều gây ấn tượng với các khán giả. Thủ thành người Hungary trở nên nổi tiếng khi anh mặc một chiếc quần nỉ dài khi thi đấu tại EURO 2016. Kiraly chia sẻ rằng, anh mặc chiếc quần này vì nó đem lại may mắn cho anh và đồng đội.
Thủ môn huyền thoại người Liên Xô Lev Yashin không chỉ nổi tiếng với tài năng khi từng đạt quả bóng vàng châu Âu mà ông cũng nổi tiếng với chiếc mũ nồi đã trở thương hiệu. Một thủ môn khác cũng nổi tiếng với chiếc mũ bảo hiểm trên đầu, đó là Petr Cech. Anh bắt đầu đội mũ bảo hiểm kể từ khi gặp phải tai nạn vùng đầu vào năm 2006, và chiếc mũ bảo hiểm cũng đã trở thành dấu ấn riêng của Petr Cech.
Chúng ta vừa tìm hiểu những điều thú vị về trang phục thi đấu của các cầu thủ bóng đá. Vẫn còn rất nhiều điều hấp dẫn tới từ môn thể thao vua. Hãy cùng theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những tin tức hấp dẫn nhất của bóng đá thế giới nhé!