Myanmar là quốc gia tôn sùng Phật giáo, và cũng nổi tiếng với những truyền thuyết huyền ảo cổ xưa. Trong các địa điểm linh thiêng tại đất nước Đông Nam Á này, Chùa Vàng Shwedagon được coi là thánh địa mà các tín đồ Phật giáo và khách du lịch nói chung đều không thể bỏ qua. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về công trình tuyệt đẹp này nhé!
Ngôi chùa Shwedagon với lối kiến trúc thanh thoát nhưng vẫn trang nghiêm là điểm đến nổi tiếng nhất tại thành phố Yangon của Myanmar. Công trình Phật giáo cao 99 mét được dát vàng sáng rực và sở hữu phần chóp đính kim cương được xây dựng trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ngay giữa thành phố cố đô của đất nước Myanmar huyền bí.
Chùa Shwedagon chiếm vị trí nổi bật của cả khu vực và có thể được trông thấy từ hầu khắp mọi nơi trong thành phố Yangon. Khi màn đêm buông xuống bầu không khí tại thánh địa này lại càng trở nên huyền ảo khi sắc vàng kim ánh lên dưới những ngọn đèn công suất lớn.
Còn được biết đến với tên gọi Chùa Vàng, đây là địa điểm hành hương nổi tiếng nhất của các tín đồ Phật giáo tại Myanmar. Phần chính của chùa được gọi là phù đồ (stupa) là nơi cất giữ những di vật linh thiêng qua ba kiếp của Đức Phật.
Lịch sử của Chùa Vàng Shwedagon
Theo truyền thuyết kể lại, ngôi chùa này đã tồn tại từ thời Đức Phật còn sống, tức tới nay đã hơn 2500 năm tuổi, là ngôi chùa lâu đời nhất tại Myanmar. Các chứng cứ lịch sử gợi ý rằng Chùa Vàng được xây vào khoảng thế kỷ thứ 6, và sau đó được mở rộng cũng như trùng tu cải tạo nhiều lần với nhiều phù đồ và các công trình nhỏ lân cận được bổ sung.
Truyền thuyết kể rằng ngày xưa có hai anh em thương gia từ Okkalapa (ngày nay là Yangon) đã gặp Đức Phật tại Ấn Độ và được Người tặng cho tám sợi tóc, với lời dặn hãy đem chúng về lưu giữ ở chính nơi đang chôn cất những di vật khác của ba kiếp trước của Người tại Okkalapa.
Hai anh em sau đó đã trở về Okkalapa và dâng những báu vật này lên vua của họ, để rồi chính đức vua bắt đầu phái người đi tìm kiếm những địa điểm linh thiêng như lời dặn của Đức Phật. Sau nhiều năm ròng rã trong vô vọng, nhà vua cuối cùng đã được một vị thần tên là Sularata ra tay giúp đỡ.
Tương truyền thần Sularata đã sống hàng triệu năm trên trần thế và đã chứng kiến những tiền kiếp của Đức Phật, do đó thần đã tìm ra một địa điểm trên đồi Singuttara có lưu giữ những di vật quan trọng kia. Cuối cùng chính tại vị trí đó ngôi chùa Shwedagon bề thế đã được xây dựng nên.
Bốn cổng vào được sư tử thần canh gác
Quần thể Chùa Vàng có bốn cổng vào được lắp đặt thang máy hoặc thang cuốn, chỉ trừ cổng phía Đông. Các cổng được canh gác bởi các Chinthe khổng lồ, loài sư tử trong thần thoại Myanmar với thân thể màu trắng và đầu vàng ánh kim.
Tại các cổng vào này, phần trên của các bức tường được trang trí bằng những hình ảnh mang đậm phong cách Myanmar gợi lại những câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật.
Phần trung tâm của quần thể Chùa Shwedagon
Phần trung tâm của quần thể Chùa Shwedagon được tạo thành bởi mặt nền rộng tới 275 mét với phù đồ chính và nhiều phù đồ nhỏ bao quanh. Phù đồ chính là nơi cất giữ những di vật của Đức Phật, đặc biệt là những sợi tóc trong kiếp sống gần đây nhất của Người trên trần thế.
Vì Chùa Shwedagon là địa điểm Phật giáo linh thiêng nhất tại Myanmar nên mỗi ngày có rất nhiều tín đồ đến đây bày tỏ lòng tôn kính với Đức Phật, đi bộ quanh phù đồ chính và dâng những lễ vật lên Người.
Ở mỗi góc của ngôi chùa hình bát giác có một miếu thờ với hình ảnh Đức Phật, mỗi hình tượng trưng cho một ngày trong tuần, riêng thứ tư được chia làm hai hình. Mỗi ngôi miếu này có một tinh cầu và một linh vật gắn liền với nó, tương ứng với chiêm tinh học của phương Tây. Người Myanmar khi đến đây sẽ chiêm bái tại ngôi miếu ứng với ngày sinh của họ trong tuần, thắp nến, dâng hoa và rưới nước lên tượng Đức Phật.
Phù đồ chính dát vàng với phần chóp nạm kim cương
Phù đồ chính là cấu trúc ấn tượng nhất của quần thể Chùa Shwedagon. Nhờ vị trí nằm trên đỉnh đồi cao nên công trình này có thể được nhìn thấy từ hầu hết mọi điểm của thành phố Yangon. Vây quanh phù đồ chính là 64 phù đồ nhỏ hơn.
Phù đồ chính cao 99 mét được dát vàng toàn bộ và là nơi lưu giữ những di vật linh thiêng của Đức Phật, do đó phần “lõi” của nó luôn được canh giữ cẩn mật và không mở cửa cho công chúng ghé thăm.
Trên cùng của Chùa Vàng là phần mái có 7 đỉnh nhọn được thiết kế theo hình dạng như một chiếc ô có gắn những quả chuông bằng vàng. Mái được trang trí bằng hàng nghìn viên kim cương và nhiều loại đá quý khác nữa. Nếu đứng ở đúng vị trí tại sân chùa bên dưới, bạn có thể được chiêm ngưỡng ánh nắng mặt trời phản chiếu qua viên kim cương khổng lồ trên đỉnh, tạo ra nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, tím và cam rất đẹp mắt.
Theo truyền thuyết kể trên thì hai anh em thương gia người Myanmar đã gặp gỡ Đức Phật không lâu sau khi Người đạt được cảnh giới giác ngộ. Sau khi tìm ra địa điểm cất giữ những di vật trước đó của Đức Phật, người ta đã xây nên một căn phòng để thờ phụng những sợi tóc mà Người trao cho, rồi sau đó ngôi chùa được xây dựng bao trùm lấy căn phòng đó.
Những công trình kiến trúc khác của quần thể Chùa Shwedagon
Ngoài phần phù đồ chính linh thiêng tuyệt mật, khu quần thể rộng lớn của Chùa Vàng còn có nhiều công trình khác cũng rất thú vị và đẹp mắt. Chùa Naungdawgyi, nơi chỉ cho phép nam giới được vào, theo truyền thuyết chính là nơi lưu giữ những sợi tóc của Đức Phật trước khi chuyển về phù đồ chính.
Sảnh Chuông là nơi có trưng bày chiếc chuông khổng lồ nặng tới 23 tấn được đúc vào nửa sau thế kỷ 18. Ngoài ra còn có một sảnh đường khác trưng bày hình ảnh cao 9 mét của Đức Phật đang ngồi với chiếc áo màu vàng kim khoác trên người.
Du khách cũng có thể ghé thăm một ngôi chùa với thiết kế mô phỏng đền Mahabodhi ở Ấn Độ, được trang trí những hình ảnh Đức Phật với nhiều màu sắc rất đẹp mắt.
Sảnh Arakanese dành cho du khách thập phương đến chiêm bái cầu nguyện có trưng bày những bức điêu khắc gỗ rất tinh tế, trong khi một sảnh khác có các bức bích họa kể lại những câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật.
Xung quanh quần thể Chùa Vàng có rất nhiều sảnh đường được trang trí tinh xảo với phần mái thiết kế xếp lớp được gọi là Pyatthat cùng với những Tazaung, một loại sảnh đường của người Myanmar thờ các bức tranh Phật.
Mặc dù phần nguyên bản lâu đời nhất của quần thể Chùa Shwedagon nằm bên trong phù đồ chính, nhưng cổ vật có niên đại xưa cũ nhất lại là bức chạm khắc của vua Dhammazedi, với những con chữ được viết bằng tiếng Myanmar, tiếng Mon và tiếng Pali cổ từ năm 1485 kể lại những thông tin về Chùa Vàng.
Dhammazedi, vua của vương quốc Pegu trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 15 đã cho đúc một chiếc chuông khổng lồ vào năm 1484. Được cho là chiếc chuông lớn nhất từng được tạo ra trên thế giới, báu vật này nặng tới gần 300 tấn và được lắp đặt tại chùa Shwedagon.
Năm 1608 một người Bồ Đào Nha tên là Philip de Brito e Nicote cai trị vùng thuộc địa Syriam (nay là thành phố Thanlyin của Myanmar) đã ăn cắp chiếc chuông khổng lồ với dã tâm nấu chảy nó ra để đúc súng thần công. Thật không may cho hắn, chiếc bè chở chuông sau đó đã bị đắm trên sông Yangon và làm cho chiếc chuông chìm vào lòng sông đến tận ngày nay.
Làm thế nào để đến Chùa Shwedagon?
Chùa Shwedagon nằm giữa lòng thành phố Yangon, trên đồi Singuttara thuộc đường Shwedagon Pagoda của thị trấn Dagon, ngay phía Tây của hồ Kandawgyi. Một chuyến taxi từ trung tâm thành phố đến Chùa tốn khoảng 3-4 USD, và lưu ý là bạn nên thỏa thuận giá cước với tài xế trước khi lên xe, bởi họ thường không dùng tới đồng hồ đo cây số đâu!
Chùa Shwedagon mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. Giá vé vào cổng là 5 USD cho một người, và nếu bạn thuê thêm một hướng dẫn viên để đồng hành cùng mình trong hành trình khám phá thì mức thù lao cho họ sẽ dao động từ 5 đến 10 USD cho vài giờ.
Điều bắt buộc đối với du khách đến tham quan là hãy ăn mặc lịch sự, không hở hang hay mặc đồ ngắn. Tại quầy bán vé có phục vụ các bộ Longyi, loại “áo” dài của nam giới Myanmar, để du khách có thể lựa chọn. Trước khi bước vào bên trong các điện thờ, hãy bỏ giày và tất bên ngoài hoặc cho vào túi mang theo bên mình.
Không gian tại Chùa Shwedagon có thể trở nên rất đông đúc vào các dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ của Phật giáo, do đó nếu có ý định đến thăm nơi này bạn hãy lên kế hoạch và chọn ngày khởi hành một cách cẩn thận nhé.
Mời bạn khám phá tiếp những điểm du lịch hấp dẫn cùng BlogAnChoi:
- Công viên Quốc gia Trương Gia Giới – Không chỉ có núi Avatar huyền thoại!
- Cung đường hoa anh đào – Khám phá những di tích của nước Nhật dưới bầu trời hoa!
Hãy đón đọc những bài viết thú vị của BlogAnChoi để chuẩn bị cho mình một chuyến đi tuyệt vời bạn nhé!
Có tiền phải làm 1 chuyến mới đc
ngôi chùa thật đẹp và trang nghiêm