Trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay TikTok Shop, không khó để tìm thấy những chiếc sạc dự phòng với mức giá vô cùng hấp dẫn, chỉ dưới 200.000 đồng. Đi kèm với mức giá rẻ bất ngờ, những sản phẩm này thường được quảng cáo với nhiều tính năng “đáng mơ ước” như dung lượng pin lớn, công suất sạc nhanh, thiết kế nhỏ gọn, đẹp mắt và hỗ trợ nhiều chuẩn sạc.
Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo hoa mỹ ấy, chất lượng thực sự của những chiếc sạc dự phòng giá rẻ này lại là một câu chuyện khác. Ví dụ điển hình là trải nghiệm mua sắm của bản thân mình với một chiếc sạc dự phòng có giá chỉ 145.000 đồng. Mặc dù được đánh giá là sản phẩm bán chạy nhất trên Shopee với hàng ngàn lượt mua mỗi tháng, cùng những lời mô tả hấp dẫn về dung lượng pin, thiết kế và tính năng, sản phẩm khi nhận được lại hoàn toàn không như mong đợi. Chất lượng gia công sơ sài, dung lượng pin thực tế khá thấp so với thông số quảng cáo, và khả năng sạc nhanh cũng không như nhà sản xuất cam kết.
Câu chuyện của mình chỉ là một ví dụ điển hình cho những rủi ro tiềm ẩn khi mua sạc dự phòng giá rẻ. Để đảm bảo an toàn cho thiết bị điện tử và sức khỏe của bản thân, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua những sản phẩm này.
Trải nghiệm “đắng cay” với sạc dự phòng giá rẻ: Quảng cáo lung linh, thực tế “như trời đất”
Lúc đầu khi nhân hàng, mình rất mừng rỡ khi sở hữu chiếc sạc dự phòng giá rẻ chỉ 145.000 đồng, nhưng cũng nhanh chóng tan biến khi mình nhận ra sự thật hoàn toàn trái ngược với những lời quảng cáo “có cánh”.
Vỏ hộp móp méo, thiếu thông tin về sản phẩm như thương hiệu, tên gọi, dung lượng pin hay công suất sạc đã báo hiệu một trải nghiệm không mấy tích cực. Nỗi nghi ngờ càng được khẳng định khi dung lượng ghi trên thân máy (20.000mAh) chênh lệch quá lớn so với dung lượng đặt mua (10.000mAh). Kích thước và trọng lượng nhỏ gọn bất thường so với dung lượng pin khổng lồ cũng đặt ra nhiều nghi vấn.
Thử nghiệm sạc cho Samsung Galaxy A15 (dung lượng pin 5.000mAh) thì chưa đầy pin thì đã sập nguồn, khiến mình không khỏi thất vọng. Sau đó thì mình đã thử sử dụng máy đo dòng, thì đã hiện ra bộ mặt thật của cục sạc dự phòng này khi dung lượng thực tế chỉ vỏn vẹn hơn 16Wh, tương đương dung lượng pin chỉ 5.000 – 6.000mAh – một con số xa vời so với lời quảng cáo “đầy mập mạp” 10.000mAh hay 20.000mAh.
Tốc độ sạc thực tế chỉ đạt 5W-7W khác xa so với tốc sạc 10W được công bố
Trái ngược với lời quảng cáo về khả năng sạc nhanh 10W, thực tế trải nghiệm cho thấy tốc độ sạc của sản phẩm này chỉ đạt 5 – 7W – một con số “lẹt đẹt” so với nhu cầu sạc nhanh phổ biến hiện nay. Hầu hết điện thoại thông minh, kể cả những dòng iPhone đời cũ như iPhone Xs hay iPhone Xs Max đều đã hỗ trợ sạc nhanh với công suất tối thiểu 15W.
Với những cục sạc dự phòng giá rẻ như thế này nguy cơ tiềm ẩn cho thiết bị và người dùng là điều không thể xem nhẹ. Việc thiếu đi các tiêu chuẩn an toàn cơ bản như chống cháy nổ, quá tải hay quá áp biến chiếc sạc dự phòng giá rẻ này thành mối nguy hiểm tiềm tàng. Nguy cơ hỏng hóc thiết bị, thậm chí chập cháy gây thương tích nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.
Với mức giá chỉ 140.000 đồng, rõ ràng đây là một sản phẩm “tiền mất tật mang”. Thay vì mạo hiểm với những nguy cơ tiềm ẩn, người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn những sản phẩm sạc dự phòng chất lượng từ thương hiệu uy tín, có giá tối thiểu từ 250.000 đồng trở lên. Một số gợi ý cho bạn:
- Sạc dự phòng UGREEN PB311 10.000mAh (Lazada, Shopee)
- Sạc dự phòng Baseus Airpow 20W PD 10.000mAh (Lazada, Shopee)
- Sạc dự phòng PISEN POWERLink 10.000mAh (Shopee)
Hãy là người tiêu dùng thông minh, đặt an toàn và chất lượng lên hàng đầu để bảo vệ bản thân và thiết bị điện tử của bạn. Đừng để những lời quảng cáo hoa mỹ đánh lừa mà bỏ qua những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến trải nghiệm và an toàn của bản thân.
Mình luôn mong muốn nghe ý kiến đóng góp của các bạn về những bài viết mình viết ra, hãy bình luận thật nhiều nhé!