Gần như mỗi người đều sẽ có một hoặc thậm chí nhiều vết sẹo trên cơ thể. Sẹo không chỉ gây đau đớn đáng kể khi ở gần các khớp và cản trở khả năng vận động, mà còn có thể làm giảm sự tự tin của bản thân, đặc biệt là khi nằm trên các bộ phận dễ nhìn thấy của cơ thể. Dù không ngăn ngừa hoàn toàn được sẹo, nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của chúng. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về các loại sẹo và cách điều trị sẹo hiệu quả nhất hiện nay nhé!
- 1. Sẹo là gì?
- 2. Các loại sẹo trên cơ thể
- 3. Những điều nên làm để tránh để lại sẹo
- Giữ cho vết thương sạch sẽ
- Tránh gãi hoặc nhặt vảy vết thương
- Cần đến bệnh viện để nếu các vết thương nghiêm trọng
- 4. Các cách điều trị sẹo hiệu quả
- Điều trị bằng các nguyên liệu thiên nhiên
- Bôi kem, gel trị sẹo
- Liệu pháp laser
- Phương pháp áp lạnh
- Tiêm steroid
- 5. Những lưu ý để giảm bớt tình trạng thâm sẹo
1. Sẹo là gì?
Da là cơ quan chiếm diện tích lớn nhất trên cơ thể con người và là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch làm nhiệm vụ như một hàng rào bảo vệ chống lại vi trùng, vi khuẩn xâm nhập. Khi da bị tổn thương, cơ thể chúng ta sẽ tự động tạo ra protein collagen để đóng vết thương và bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trùng, từ đó hình thành nên những vết sẹo.
Mặc dù không đẹp về mặt thẩm mỹ, nhưng sẹo là cách tự nhiên của cơ thể để chữa lành và thay thế làn da bị mất hoặc bị tổn thương. Một vết sẹo thường được cấu tạo bởi các mô sợi và sẹo có thể được hình thành vì nhiều lý do khác nhau như nhiễm trùng, phẫu thuật, chấn thương hoặc viêm mô.
2. Các loại sẹo trên cơ thể
Sẹo lồi
Sẹo lồi là những cụm mô sẹo dày, không đều mọc ở vị trí vết thương trên da nhưng nhô cao hơn vùng da xung quanh. Chúng thường có màu đỏ hoặc sẫm hơn so với vùng da bình thường xung quanh.
Sẹo lồi được hình thành từ collagen mà cơ thể sản xuất sau khi vết thương lành. Những vết sẹo này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến là ở ngực, lưng, vai và dái tai. Chúng có khả năng cao xuất hiện ở những người có làn da sẫm màu, chẳng hạn như người Châu Á và Châu Phi.
Sẹo phì đại
Sẹo phì đại có hình dạng tương tự như sẹo lồi. Nhưng sự phát triển của chúng chỉ giới hạn trong phạm vi của vết thương ban đầu và chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Những vết sẹo này cũng có thể có màu đỏ, thường dày và nổi lên trên bề mặt da giống như sẹo lồi.
Sẹo phì đại thường bắt đầu phát triển trong vài tuần sau khi da bị thương. Sẹo phì đại có thể cải thiện một cách tự nhiên nhưng quá trình này có thể mất đến một năm hoặc hơn.
Sẹo lõm (Sẹo rỗ)
Sẹo lõm (sẹo rỗ) là hiện tượng các vết sẹo có hình dạng lõm xuống so với bề mặt da xung quanh. Sẹo lõm thường xảy ra sau khi vùng da bị mụn trứng cá, mụn mủ, mụn bọc và vùng da bị thủy đậu, trái rạ lành lại.
Sẹo lõm là nỗi ám ảnh đối với nhiều người khi nó thường xuất hiện trên các bộ phận dễ thấy của cơ thể như mặt gây mất thẩm mỹ, khiến chúng ta gặp khó khăn trong đời sống hàng ngày.
Sẹo giãn (Rạn da)
Sẹo giãn (rạn da) thường xảy ra khi da có hiện tượng căng ra hoặc co lại trong khoảng thời gian ngắn. Sẹo giãn thường xuất hiện dưới dạng các dải đường sẫm hoặc sáng màu chạy dọc trên da của bạn.
Rạn da rất phổ biến – ước tính cho thấy có tới 90% số người mắc chúng. Chúng thường xuất hiện trong hoặc sau khi mang thai, hay sau những thay đổi đột ngột hoặc nhanh chóng về cân nặng.
Những vùng da hay xuất hiện vết rạn: Bụng, Ngực, Cánh tay, Đùi, Mông
3. Những điều nên làm để tránh để lại sẹo
Giữ cho vết thương sạch sẽ
Đối với những vết thương thì việc làm sạch và giữ vệ sinh là vô cùng quan trọng. Cần xử lý vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch khử trùng dạng nhẹ ngay khi phát hiện vết thương. Sau đó, sử dụng kem hoặc thuốc mỡ kháng khuẩn và dùng băng che khu vực vết thương lại, điều này có thể giúp vết thương nhanh lành.
Sự xâm nhập của các bụi bẩn, vi khuẩn hoặc các tạp chất khác trong vùng da hở có thể gây nhiễm trùng vết thương. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ làm tăng sự hình thành sẹo. Đó là lý do tại sao phải làm sạch vết thương cẩn thận và với sự trợ giúp của chuyên gia nếu cần thiết.
Tránh gãi hoặc nhặt vảy vết thương
Vết thương đang lành có thể bị ngứa, nhưng bạn nên tránh gãi. Việc gãi vết thương hoặc lấy vảy gây viêm nhiễm nhiều và dễ hình thành sẹo hơn.
Cần đến bệnh viện để nếu các vết thương nghiêm trọng
Nếu vết thương nghiêm trọng thì việc đi đến các cơ quan y tế để xử lý là vô cùng cần thiết. Một số loại vết thương cần sự kiểm tra và chăm sóc của bác sĩ:
- Vết thương sâu, chảy nhiều máu: cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cầm máu và xử lý vết thương ngăn vết thương ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng của cơ thể.
- Vết thương do động vật hoặc người cắn: vết cắn của động vật và người có thể mang theo một số loại vi khuẩn nguy hiểm vì thế nên được rửa sạch và xử lý bởi một người có chuyên môn.
- Vết thương do bỏng: đối với các vết bỏng cấp độ 1 thì không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu vết bỏng từ cấp độ 2 trở lên thì nên được đưa đến cơ quan y tế gần nhất để xử lý để tránh bị nhiễm trùng.
- Vết thương gây sốt và rất đau rát: cần đưa đến cơ quan y tế ngay lập tức vì những triệu chứng này cho thấy bạn có khả năng đang mắc một bệnh nhiễm trùng rất nguy hiểm.
4. Các cách điều trị sẹo hiệu quả
Điều trị bằng các nguyên liệu thiên nhiên
Từ lâu, cách trị bệnh bằng các nguyên liệu tự nhiên đã được áp dụng phổ biến trong dân gian. Phương pháp điều trị bằng nguyên liệu thiên nhiên mang nhiều ưu điểm như nguyên liệu dễ tìm kiếm và không cần tốn kém nhiều chi phí. Vì thế, rất nhiều người lựa chọn phương pháp này để chữa trị sẹo.
Bôi kem, gel trị sẹo
Đây có thể được xem là cách trị sẹo phổ biến và đơn giản nhất được phần lớn người lựa chọn. Hiện nay, có vô vàn sự lựa chọn về kem, gel trị mụn phù hợp với từng loại mụn mà bạn có thể dễ dàng đặt mua trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada. Giá của từng loại kem, gel trị sẹo có thể dao động trong khoảng 30 đến 50 nghìn đồng, nhưng cũng có loại có giá lên đến 200.000 hay 500.000 đồng.
Vì có quá nhiều sự lựa chọn trên thị trường cộng với việc phải lựa chọn sao cho phù hợp với cơ địa da của mỗi người, điều này khiến cho việc lựa chọn một sản phẩm kem, gel trị sẹo uy tín khó khăn hơn bao giờ hết. Vì thế, bạn tham khảo thêm bài viết sau đây để lựa chọn sản phẩm kem, gel trị sẹo tốt nhất cho bản thân nhé!
Liệu pháp laser
Các loại phương pháp điều trị bằng tia laser và ánh sáng có thể làm cho các vết sẹo (bao gồm cả sẹo mụn) mờ đi đáng kể.
Phương pháp điều trị bằng laser sẽ sử dụng một bước sóng ánh sáng cụ thể và điều chỉnh với tần số sao cho phù hợp với tình trạng sẹo trên da. Tia laser Vbeam là một tia laser nhuộm xung ở bước sóng 595 nm (nanomet) nhắm vào các mạch máu nhỏ trên da. Đôi khi vết sẹo vẫn sẽ còn màu hồng hoặc đỏ vì các mạch máu mới phát triển để chữa lành vết thương. Tia laser này có thể cắt các mạch máu nhỏ từ trong ra ngoài để loại bỏ chúng khỏi sẹo và làm cho màu hồng hoặc đỏ mờ đi.
Phương pháp này cũng giúp làm phẳng vết sẹo nếu vết sẹo quá dày hoặc làm dày vết sẹo nếu nó quá mỏng. Các loại laser khác (chẳng hạn như laser Fraxel) có thể làm bay hơi các cột mô nhỏ bên trong vết sẹo giúp phá vỡ các sợi collagen đẩy nhanh quá trình tái tạo và lành sẹo. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể giúp giảm đau, ngứa và khó chịu cho vùng da bị sẹo.
Điều trị bằng laser có thể gây tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố của da ở những người có làn da sẫm màu như người dân Châu Á, Châu Phi. Vì thế, cần phải hỏi ý kiến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn cao trước khi thực hiện việc điều trị.
Phương pháp áp lạnh
Phương pháp áp lạnh là một bước tiến lớn của y khoa trong lĩnh vực điều trị các vấn đề về da liễu.
Điều trị sẹo lồi bằng phương pháp áp lạnh là dùng đầu áp lạnh chườm lên vết sẹo nhằm tạo ra sự đông lạnh vết sẹo nhanh chóng từ phần lõi ra đến bên ngoài. Quá trình đông lạnh gây thiếu máu cục bộ sẽ làm tổn thương trực tiếp đến các mô sẹo. Các đầu áp khác nhau được sử dụng, tùy thuộc vào kích thước và tính chất của sẹo.
Phương pháp áp lạnh chủ yếu được sử dụng để trị các dạng sẹo lồi, sẹo phì đại. Với chi phí phải chăng, đây là phương pháp được đánh giá như một sự lựa chọn hàng đầu cho những bệnh nhân sẹo lồi, phì đại.
Tuy nhiên, cần lưu ý một số trường hợp không nên áp dụng phương pháp này để chữa trị như những người mắc các bệnh Raynaud, xơ cứng bì, lupus, loét mạn tính, viêm tắc động mạch. Cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để có thể theo dõi tình trạng của vết sẹo tránh những tác dụng phụ như đau, sưng, phù nề, lở loét, nhiễm khuẩn,…
Tiêm steroid
Bác sĩ có thể trực tiếp tiêm dung dịch corticosteroid vào vết sẹo phì đại hoặc sẹo lồi nhằm giúp giảm kích thước của vết sẹo. Steroid phá vỡ liên kết giữa các sợi collagen, làm giảm số lượng mô sẹo bên dưới da. Steroid cũng có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, có thể giúp giảm sưng, đỏ, ngứa hoặc đau.
Sẹo phì đại hoặc sẹo lồi hình thành sau phẫu thuật, các bác sĩ da liễu sẽ khuyên bạn nên tiêm steroid mỗi bốn đến sáu tuần, giới hạn tổng số lần tiêm là năm. Quá trình tiêm mất khoảng 15 phút và thường không cần gây mê.
Có một số tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng phương pháp này, thường gặp nhất là giãn, teo da và tăng, giảm sắc tố da. Bác sĩ có thể tạm dừng điều trị nếu phát hiện bất kỳ tác dụng phụ bất thường nào.
5. Những lưu ý để giảm bớt tình trạng thâm sẹo
Giữ ẩm cho vết sẹo
Bạn có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm cho da để bảo vệ da và giữ nước cho các mô sẹo. Điều này có thể giúp cải thiện sự xuất hiện của các vết sẹo, làm cho da trông mịn màng và mềm mại hơn, cũng như giúp giảm ngứa do khô da.
- Tham khảo các sản phẩm dưỡng ẩm cho da mặt tốt nhất mặt tại đây
- Tham khảo các sản phẩm dưỡng ẩm cho body tốt nhất tại đây
Thoa kem chống nắng trên bề mặt sẹo
Làn da tại nơi hình thành sẹo sẽ nhạy cảm và mỏng manh hơn so với vùng da xung quanh, vì thế mô sẹo dễ bị tia UV làm thay đổi hình dạng, màu sắc hơn so với mô da bình thường. Vì vậy bôi kem chống nắng là điều bắt buộc nếu bạn không muốn làn da xảy ra hiện tượng tăng sắc tố sau viêm (PIH).
Vết sẹo nên được bảo vệ cẩn thận khỏi ánh nắng mặt trời ít nhất 1 năm sau khi phẫu thuật hoặc chấn thương. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm tình trạng thâm sẹo ngày càng nghiêm trọng. Sau khoảng 2 tuần vết thương lành, bạn có thể bắt đầu thoa kem chống nắng lên vết sẹo. Kem chống nắng có chứa các chất ngăn chặn tia cực tím (UV) gây hại cho da.
Tham khảo các sản phẩm chống nắng tốt nhất tại đây
Bạn có thể xem thêm các bài viết liên quan tại đây
- Cách trị sẹo lồi đơn giản tại nhà, đánh bay nỗi ám ảnh của chị em
- Bị sẹo nên kiêng ăn những gì và trong thời gian bao lâu?
- 6 cách trị sẹo rỗ để da mịn đẹp ngay tại nhà
- Rạn da phải làm sao? Nguyên nhân, biểu hiện và cách trị rạn da an toàn
Vậy là BlogAnChoi đã cùng bạn tìm hiểu về các loại sẹo và cách điều trị sẹo hiệu quả nhất hiện nay. Đâu là phương pháp mà bạn đánh giá cao nhất? Hãy để lại ý kiến của bạn bên dưới phần bình luận của bài viết và đừng quên theo dõi chuyên mục Làm Đẹp của BlogAnChoi để cập thêm nhiều kiến thức hữu ích nữa nhé!