Được thành lập từ năm 1698, vùng đất mang tên Sài Gòn đã trải qua hơn 300 năm lịch sử với những bước chuyển mình đáng kể. Từ sự sụp đổ của chế độ cũ năm 1975 rồi đến phát triển kinh tế nhanh chóng sau chiến tranh, nhiều địa danh Sài Gòn xưa như chứng nhân cho những đoạn lịch sử thăng trầm của hòn ngọc viễn Đông này.

Hãy cùng nhìn lại xem thành phố đã thay đổi như thế nào qua những bức ảnh về các địa danh trọng yếu của Sài Gòn bạn nhé!

1. Nhà thờ Đức Bà

Địa chỉ: 1 Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà thờ Đức Bà của những ngày xưa cũ. (Ảnh: Internet)
Nhà thờ Đức Bà của những ngày xưa cũ. (Ảnh: Internet)

Bạn sẽ biết mình chắc chắn đang ở Sài Gòn khi nhìn thấy Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn, vì nhà thờ Công giáo này đã được công nhận là biểu tượng của thành phố kể từ khi hoàn thành vào năm 1865. Nhà thờ có 2 tháp chuông cao 58m có thể nhìn thấy từ rất xa. Tất cả các vật liệu xây dựng đều được nhập khẩu từ Pháp, bao gồm gạch có khắc chữ và cửa sổ kính màu lấp lánh.

Bên trong Nhà thờ Đức Bà của Sài Gòn. (Ảnh: Internet)
Bên trong Nhà thờ Đức Bà của Sài Gòn. (Ảnh: Internet)

Nhà thờ hiện đang được rào lại để tu bổ và không mở cửa cho du khách tham quan kể từ năm 2015. Người Công giáo vẫn được vào để tham dự thánh lễ mỗi thứ bảy và chủ nhật.

2. Nhà thờ Tân Định

Địa chỉ: 289 Hai Bà Trưng, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Được xây dựng vào năm 1876 và sơn màu hồng vào năm 1957, đây là nhà thờ lớn thứ 2 ở Sài Gòn và được xem là công trình tôn giáo có kiến trúc đẹp nhất thành phố với sự kết hợp của 3 phong cách Romanesque – Gothic – Phục hưng.

Nhà thờ Tân Định ngày xưa. (Nguồn: Internet)
Nhà thờ Tân Định ngày xưa. (Nguồn: Internet)

Dưới thời của Cha Donatien Eveillard (1835-1883), nhà thờ có một trại trẻ mồ côi, một trường nội trú và một nhà xuất bản Công giáo. Chính những đóng góp như vậy nên khi qua đời vào năm 1883, ông đã được chôn cất bên dưới gian giữa của nhà thờ mà đến ngày nay bạn vẫn có thể tham quan.

Và địa điểm hường phấn bây giờ. (Ảnh: Internet)
Và địa điểm hường phấn bây giờ. (Ảnh: Internet)

Nhà thờ nổi tiếng ngập trong sắc hồng này gần đây cũng được tạp chí Condé Nast Traveler vinh danh là một trong những địa điểm có màu hồng đẹp nhất thế giới.

3. Bưu điện thành phố

Địa chỉ: 2 Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891, Bưu điện Sài Gòn là địa danh lịch sử lâu đời có kiến trúc tân Baroque điển hình với tiền sảnh lớn, trần nhà cao cũng như cửa sổ hình vòm và cửa chớp bằng gỗ.

Bưu điện Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ. (Ảnh: Internet)
Bưu điện Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ. (Ảnh: Internet)

Nằm liền kề với Nhà thờ Đức Bà, hai di tích kiến ​​trúc lịch sử này như một hình ảnh thu nhỏ để bạn có thể hình dung về trung tâm thành phố trong thời kỳ Đông Dương.

Bưu điện ngày nay vẫn rực rỡ và lộng lẫy như vậy. (Ảnh: Internet)
Bưu điện ngày nay vẫn rực rỡ và lộng lẫy như vậy. (Ảnh: Internet)

Bưu điện vẫn đang hoạt động bình thường nên bạn có thể sử dụng các dịch vụ bưu chính cũng như mua quà lưu niệm tại đây.

4. Dinh Độc Lập

Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Dinh Norodom những ngày mới hoàn thành. (Ảnh: Internet)
Dinh Norodom những ngày mới hoàn thành. (Ảnh: Internet)

Sau khi chiếm đóng miền Nam, người Pháp đã tổ chức lễ xây dựng khu phức hợp vào năm 1868, hoàn thành vào năm 1873 và đặt tên là Dinh Norodom. Nơi này được sử dụng làm chỗ ở và văn phòng của tất cả các thống đốc Đông Dương thuộc Pháp. Trong chính quyền Diệm, dinh được gọi là Dinh Độc Lập.

Và Dinh Độc Lập ngày nay đã trở thành một chứng nhân lịch sử. (Ảnh: Internet)
Và Dinh Độc Lập ngày nay đã trở thành một chứng nhân lịch sử. (Ảnh: Internet)

Đến thăm Dinh Độc Lập ngày nay, bạn có thể tham quan văn phòng chính phủ cũ, hiện vật hay phòng chỉ huy vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Và đừng quên chiếc xe tăng T-54 trong khu vườn trước cổng dinh, một phương tiện đã đi vào huyền thoại khi được sử dụng để đánh sập cổng dinh vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 – thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.

5. Bảo tàng thành phố

Địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh – tiền thân là Dinh Gia Long – là một di tích lịch sử nằm ở ngã tư đường Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cách Dinh Độc Lập khoảng 10 phút đi bộ.

Dinh Gia Long những năm 1960. (Ảnh: Internet)
Dinh Gia Long những năm 1960. (Ảnh: Internet)

Từ năm 1954 đến năm 1963, Dinh Gia Long trở thành nơi ở của ông Ngô Đình Diệm.

Bảo tàng thành phố bây giờ. (Ảnh: Internet)
Bảo tàng thành phố bây giờ. (Ảnh: Internet)

Ngày nay tòa nhà được gọi là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật chiến tranh.

6. Nhà hát lớn

Địa chỉ: 07 Công Trường Lam Sơn, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà hát lớn Sài Gòn những ngày xưa cũ. (Ảnh: Internet)
Nhà hát lớn Sài Gòn những ngày xưa cũ. (Ảnh: Internet)

Nhà hát lớn Sài Gòn ban đầu được xây dựng để làm Hạ viện của chính quyền miền Nam sau năm 1965. Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, tòa nhà mới được sử dụng làm nhà hát và tu sửa lại vào năm 1995.

Mặt tiền của nhà hát không có nhiều thay đổi qua nhiều thế kỷ. (Ảnh: Internet)
Mặt tiền của nhà hát không có nhiều thay đổi qua nhiều thế kỷ. (Ảnh: Internet)

Nhà hát có thể chứa 1800 người và được xây dựng với 2 lớp cửa để ngăn chặn tiếng ồn giao thông. Địa điểm này hiện vẫn được sử dụng để tổ chức các sự kiện và hoạt động giải trí cao cấp trong thành phố.

7. Hội trường UBND thành phố

Địa chỉ: Số 86 Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotel de Ville của ngày xưa. (Ảnh: Internet)
Hotel de Ville của ngày xưa. (Ảnh: Internet)

Người dân Sài Gòn những năm 1900 hẳn đã quen thuộc với cái tên Hotel de Ville, nay là Ủy ban Nhân dân Thành phố. Tòa nhà được khởi công xây dựng từ năm 1902, hoàn thành năm 1908 và khánh thành năm 1909, đánh dấu kỷ niệm 50 năm người Pháp có mặt tại Sài Gòn.

Và hội trường UBND thành phố ngày nay. (Ảnh: Internet)
Và hội trường UBND thành phố ngày nay. (Ảnh: Internet)

Cho đến ngày nay, đây vẫn là một công trình kiến ​​trúc ngoạn mục với mặt tiền rộng 66 mét và nội thất lộng lẫy. Sự thay đổi duy nhất là ở lớp sơn bên ngoài, chuyển từ màu trắng hoàn toàn sang màu vàng trên tường và màu đỏ trên mái nhà.

8. Khách sạn Grand Hotel

Địa chỉ: 8 Đồng Khởi, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Tọa lạc trên đường Đồng Khởi ở quận 1, Grand-Hotel Saigon được xây dựng vào năm 1929 thời Đông Dương, có 68 phòng. 2 năm sau, nó được bán cho thương gia người Pháp Patrice Luciani và đổi tên thành Saigon Palace.

Grand-Hotel Saigon lừng lẫy thời Pháp thuộc. (Ảnh: Internet)
Grand-Hotel Saigon lừng lẫy thời Pháp thuộc. (Ảnh: Internet)

Thường xuyên tổ chức các sự kiện giải trí dành cho giới thượng lưu, Saigon Palace nhanh chóng trở thành một trong những khách sạn đông đúc nhất trong thành phố và được những nhân vật cao cấp nhất Đông Dương lui tới trong những năm 1930.

Grand Hotel bây giờ: khách sạn lâu đời và sang trọng nhất Sài Gòn. (Ảnh: Internet)
Grand Hotel bây giờ: khách sạn lâu đời và sang trọng nhất Sài Gòn. (Ảnh: Internet)

Sau năm 1975, khách sạn một lần nữa được đổi tên thành Grand Hotel. Đến năm 2011, Grand Hotel trở thành khách sạn 5 sao với 233 phòng cung cấp chỗ ở hiện đại.

9. Chợ Bình Tây

Địa chỉ: 57A Tháp Mười, Phường 2, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Chợ Bình Tây xưa. (Ảnh: Internet)
Chợ Bình Tây xưa. (Ảnh: Internet)

Được xây dựng từ những năm 1880, Chợ Bình Tây còn được gọi là chợ Lớn là chợ đầu mối lớn ở Sài Gòn. Qua nhiều năm, sự kết hợp giữa hai yếu tố Hoa và Pháp vẫn thể hiện rõ nét qua kiến trúc độc đáo của chợ.

Và một chợ Lớn "khét tiếng" bây giờ. (Ảnh: Internet)
Và một chợ Lớn “khét tiếng” bây giờ. (Ảnh: Internet)

Bạn có thể mất hơn 1 giờ để tham quan hết bên trong khu chợ rộng lớn này với hơn 2300 gian hàng. Chợ cũng có một khu ẩm thực phục vụ các bữa ăn nóng và món tráng miệng để giúp bạn nạp năng lượng trước khi tiếp tục mua sắm.

10. Chợ Bến Thành

Địa chỉ: Đường Lê Lợi, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Chợ Bến Thành năm 1966. (Ảnh: Internet).
Chợ Bến Thành năm 1966. (Ảnh: Internet).

Chợ Bến Thành có lẽ là khu chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn do có vị trí đắc địa với 4 lối vào hướng ra các con đường lớn nhất quận 1. Bạn có thể đến chợ từ đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.

Chợ Bến Thành ngày nay. (Ảnh: Internet)
Chợ Bến Thành ngày nay. (Ảnh: Internet)

Với hơn 1500 gian hàng, đây là nơi bạn có thể mua đủ loại mặt hàng từ thủ công mỹ nghệ, đồ ăn, hàng hiệu cho đến thực phẩm khô.

11. Chùa Bà Thiên Hậu

Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Bà Thiên Hậu những năm 1969 - 1970. (Ảnh: Internet)
Chùa Bà Thiên Hậu những năm 1969 – 1970. (Ảnh: Internet)

Chùa Thiên Hậu trước đây có tên Tuệ Thành Hội Quán là một ngôi chùa kiểu Trung Quốc được xây dựng vào năm 1760 để tôn vinh Mazu, một nữ thần biển.

Cho đến bây giờ vẫn còn giữ được phong cách của chùa Hoa. (Ảnh: Internet)
Cho đến bây giờ vẫn còn giữ được phong cách của chùa Hoa. (Ảnh: Internet)

Trong suốt nhiều thế kỷ, kiến ​​trúc của chùa và phần lớn các yếu tố bên trong vẫn được duy trì tốt. Chùa không chỉ là địa điểm lui tới của người Hoa kiều vào lễ hội hoặc những dịp đặc biệt mà còn rất phổ biến đối với các nhiếp ảnh gia hay các bạn trẻ muốn tìm kiếm background cực chất cho những bức ảnh sống ảo siêu chill.

12. Bệnh viện Chợ Rẫy

Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Chợ Rẫy thời Pháp thuộc có tên là Hôpital Indigene de Cochinchine. (Ảnh: Internet)
Bệnh viện Chợ Rẫy thời Pháp thuộc có tên là Hôpital Indigene de Cochinchine. (Ảnh: Internet)

Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập từ những năm 1900 thời Pháp thuộc. Trong những năm qua, nơi này được mở rộng và chuyển đổi hoàn toàn từ một tòa nhà 3 tầng thành một khu phức hợp nhiều tầng để phục vụ nhiều bệnh nhân hơn, lên đến 500.000 người mỗi năm.

Bệnh viện Chợ Rẫy ngày nay. (Ảnh: Internet)
Bệnh viện Chợ Rẫy ngày nay. (Ảnh: Internet)

Do đã được tu bổ kỹ lưỡng nên bây giờ hầu như không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của các yếu tố kiến ​​trúc Pháp trong bệnh viện nữa.

13. Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

Địa chỉ: 235 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Trung học Phổ thông Năng khiếu Lê Hồng Phong được thành lập từ năm 1927 dưới thời Pháp thuộc, là một trong những ngôi trường lâu đời nhất của Việt Nam vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

Trường Petrus Ký - một thời để nhớ. (Ảnh: Internet)
Trường Petrus Ký – một thời để nhớ. (Ảnh: Internet)

Ban đầu trường được thành lập với tư cách là phân hiệu của Collège Chasseloup-Laubat (nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Năm 1928, trường được đổi tên thành Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký – học giả lừng lẫy nhất Việt Nam mọi thời đại.

Trường Phổ thông Năng khiếu Lê Hồng Phong hiện tại. (Ảnh: Internet)
Trường Phổ thông Năng khiếu Lê Hồng Phong hiện tại. (Ảnh: Internet)

Năm 1976, trường đổi tên thành Trường Phổ thông Năng khiếu Lê Hồng Phong. Tuy nhiên, cái tên Petrus Ký ngày nay vẫn được các cựu sinh viên và cư dân Sài Gòn nhớ đến.

14. Sân bay Tân Sơn Nhất

Địa chỉ: Đường Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất mở cửa vào năm 1926 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đến Đông Dương ngày càng tăng. Năm 1932, các chuyến bay thương mại hàng tuần giữa Pháp và Sài Gòn được lên lịch và khai thác bởi Air Orient, một công ty hàng không có trụ sở tại Pháp.

Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất 100 năm về trước. (Ảnh: Internet)
Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất 100 năm về trước. (Ảnh: Internet)

Mãi đến năm 1951, Tân Sơn Nhất mới chứng kiến ​​sự xuất hiện của hãng hàng không Việt Nam đầu tiên – Air Vietnam – hãng hàng không quốc gia của chế độ cũ.

Sân bay đã bị phá hủy nhiều lần trong Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 và vài tuần trước khi Sài Gòn thất thủ năm 1975.

Một sân bay quốc tế hiện đại và rộng lớn của hôm nay. (Ảnh: Internet)
Một sân bay quốc tế hiện đại và rộng lớn của hôm nay. (Ảnh: Internet)

Tân Sơn Nhất được mở lại phục vụ vào năm 1976. Hiện nay, trung bình mỗi ngày sân bay phục vụ 130.000 hành khách quá cảnh với tổng số chuyến bay lên đến 1.000 chuyến.

15. Hồ Con Rùa

Địa chỉ: phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Với không gian thoáng đãng và rộng rãi, Hồ Con Rùa rất được các bạn trẻ yêu thích. Đây cũng là một địa điểm rất phổ biến cho các cặp đôi hẹn hò kể từ những năm 60 đến ngày nay, bởi vì hồ nằm ở trung tâm của thành phố.

Những năm 60, hồ đúng là có một chú rùa đá dùng để trấn yểm. (Ảnh: Internet)
Những năm 60, hồ đúng là có một chú rùa đá dùng để trấn yểm. (Ảnh: Internet)

Hồ Con Rùa không hề thay đổi trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ là theo thời gian xung quanh hồ được trồng nhiều cây xanh hơn và nhiều quầy hàng tạm nằm rải rác bên bờ hồ hơn mà thôi.

Hồ Con Rùa tươi xanh bây giờ và chẳng còn cụ rùa nào nữa. (Ảnh: Internet)
Hồ Con Rùa tươi xanh bây giờ và chẳng còn cụ rùa nào nữa. (Ảnh: Internet)

Một thành phố mới chỉ có tuổi đời hơn 300 năm nhưng đã trải qua bao sóng gió của thời cuộc và lịch sử. Trong suốt triều đại của các chúa Nguyễn, thực dân Pháp, phát xít Nhật chiếm đóng và chiến tranh, các địa danh Sài Gòn đã tồn tại qua nhiều biến cố để có được ngày hôm nay – một trong những đô thị sầm uất nhất Đông Nam Á.

Sự quyến rũ, năng động và cả những hoài niệm xưa cũ của hòn ngọc viễn Đông sẽ không bao giờ dừng lại!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

10 địa điểm du lịch nhất định phải check-in khi đến Tam Đảo

Nếu bạn đang tìm một địa điểm đi trốn ngay gần Hà Nội mà vẫn cực chill, thì chắc chắn phải nhắc đến Tam Đảo trong danh sách rồi. Hãy để BlogAnChoi giúp chuyến du lịch của bạn tuyệt vời hơn với gợi ý 10 địa điểm du lịch Tam Đảo nhất định phải đến check-in nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận