Chắc bạn đã nghe về game Axie Infinity đình đám do người Việt Nam sáng tạo đã gây sốt cả trong và ngoài nước? Nhưng bạn có biết Axie chỉ là một trong số rất nhiều GameFi “chơi để kiếm tiền” đang phát triển rầm rộ trên khắp thế giới? Vậy tại sao chơi game cũng kiếm ra tiền, và có nên tham gia vào cơn sốt GameFi này hay không? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp game

Axie Infinity cùng với các dự án GameFi tương tự và các game “play to earn” (chơi để kiếm tiền) đang tạo ra bước đột phá trong ngành công nghiệp game trên khắp thế giới. Hiểu đơn giản thì các game kiếm tiền điện tử (game crypto) này giúp người chơi kiếm được tiền dựa trên công nghệ blockchain thông qua hình thức chơi game. Điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng với game truyền thống là người chơi hướng đến việc kiếm tiền hơn là giành chiến thắng.

Axie Infinity là game kiếm tiền nổi nhất hiện nay (Ảnh: Internet).
Axie Infinity là game kiếm tiền nổi nhất hiện nay (Ảnh: Internet).

Những phần thưởng thực dụng dành cho người chơi chính là lý do dẫn đến sự bùng nổ nhanh chóng của các game chơi để kiếm tiền này, thường được gọi là GameFi. Vừa chơi vui lại kiếm được tiền, ai mà không thích? Vậy hãy cùng tìm hiểu thế giới của GameFi xem nguồn gốc của nó xuất phát từ đâu, có phải là lừa đảo hay không, các hình thức khác nhau để kiếm được tiền khi chơi và trong tương lai nó sẽ phát triển như thế nào.

GameFi là gì?

GameFi được ghép từ “game” và “finance” (tài chính), với ý nghĩa là biến các hệ thống tài chính phức tạp thành trò chơi đơn giản và vui vẻ để tạo ra lợi nhuận từ việc chơi game. Các dự án GameFi được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain phi tập trung, cho phép người chơi có thể xác minh quyền sở hữu đối với các vật phẩm ảo trong game.

GameFi là sự kết hợp giữa chơi game với kiếm tiền (Ảnh: Internet).
GameFi là sự kết hợp giữa chơi game với kiếm tiền (Ảnh: Internet).

Khái niệm GameFi đã xuất hiện dưới hình thức sơ khai ở các máy chủ đời đầu của Minecraft được tích hợp với Bitcoin, hay các game online như Bombermine và các dịch vụ ngang hàng cho phép game thủ kiếm tiền từ các hoạt động online.

Tại Hội nghị Blockchain Thế giới được tổ chức ở Trung Quốc hồi tháng 11/2019, các nhà sáng lập của hãng game blockchain MixMarvel đã nhấn mạnh khả năng sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Sau đó thuật ngữ “GameFi” xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2020 trong một bài đăng trên Twitter của Andre Cronje, nhân vật nổi tiếng trong giới blockchain và là người sáng lập Yearn Finance.

Sau đó thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi để chỉ các trò chơi điện tử kết hợp các yếu tố tài chính phi tập trung dựa trên blockchain. Sức hấp dẫn của game nói chung cộng với các tính năng độc đáo của tiền điện tử đã giúp cho GameFi trở thành một lĩnh vực mới vô cùng hấp dẫn.

GameFi hoạt động như thế nào? Tại sao chơi game lại ra tiền?

Các game kiểu mới này thường có điểm chung là các vật phẩm trong game được thể hiện dưới dạng NFT – một đoạn mã không thể sao chép dùng để chứng minh quyền sở hữu của người chơi đối với vật phẩm như hình đại diện, vũ khí, trang phục của nhân vật trong game, v.v.

Người chơi kiếm được những vật phẩm này trong quá trình chơi game và có thể mua bán chúng trên thị trường dành riêng cho NFT để kiếm lợi nhuận, hoặc đổi vật phẩm lấy tiền điện tử, từ đó có thể đổi thành tiền thật ngoài đời.

Các Axie cũng là vật phẩm NFT và được mua bán bằng tiền điện tử ETH (Ảnh: Internet).
Các Axie cũng là vật phẩm NFT và được mua bán bằng tiền điện tử ETH (Ảnh: Internet).

Các GameFi đầu tiên sử dụng Bitcoin, nhưng đồng tiền ảo này có nhược điểm là phí giao dịch khá cao và tốc độ chậm, do đó nhiều tựa game mới đã áp dụng mạng lưới blockchain của Ethereum (ETH).

Các nhà phát triển game crypto hiện đang sử dụng ETH rất phổ biến, nhưng đồng tiền này cũng có nhược điểm là hạn chế về không gian của các khối làm cho hiệu suất không cao. Điểm yếu này lộ rõ khi game CryptoKitties phát triển mạnh vào cuối năm 2017 dẫn đến nghẽn mạng ETH và làm cho mức phí của nó tăng vọt.

Mức phí giao dịch quá cao trong game sẽ không thu hút được người chơi, do đó một số nhà phát triển đã chuyển từ ETH sang các mạng lưới blockchain khác có tốc độ nhanh và dung lượng lớn hơn, bao gồm Solana, Polkadot, Polygon, Wax và BSC.

Trong GameFi có nhiều hình thức khác nhau để kiếm tiền. Người chơi có thể tăng thu nhập bằng cách “cày” để nhân vật của mình trở nên mạnh hơn, xây dựng các công trình trên đất của mình để người khác trả tiền vào tham quan, hoặc chiến đấu với nhau trong các giải đấu để kiếm tiền thưởng.

Tất cả dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống blockchain công cộng phi tập trung, ghi lại tài sản mà mọi người sở hữu. Như vậy tất cả các tài sản này thuộc quyền sở hữu của cộng đồng người chơi chứ không phải nhà phát triển game như truyền thống.

Bất kỳ tài sản nào mà bạn kiếm được trong game đều do bạn sở hữu và tự lưu giữ, kể cả khi máy chủ bị tắt hoặc hãng game gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng hoạt động. Điều này làm cho GameFi trở thành một nguồn thu nhập thực sự cho người chơi, thậm chí một số game thủ còn coi đây là công việc toàn thời gian.

Blockchain giúp người dùng tự quản lý dữ liệu của mình (Ảnh: Internet).
Blockchain giúp người dùng tự quản lý dữ liệu của mình (Ảnh: Internet).

Các ưu điểm khác của GameFi

Các dự án GameFi đang ngày càng kết hợp thêm nhiều yếu tố của tài chính phi tập trung (DeFi), giúp người chơi có thêm nhiều cách để kiếm được thu nhập thụ động trong game. Người chơi có thể cất giữ tài sản ảo của mình vào các ví điện tử của blockchain để nhận tiền lãi hàng năm và các phần thưởng khác, hoặc dùng số tiền này để mở khóa các cấp độ mới, mua thêm các vật phẩm mới trong game. Ngược lại, bạn cũng có thể vay tiền bằng cách thế chấp tài sản ảo.

Không giống như các game truyền thống hoàn toàn nằm trong tay nhà phát triển, GameFi có thể cho phép cộng đồng người chơi tham gia ra quyết định. Một số game cho người chơi có quyền bỏ phiếu biểu quyết về các thay đổi trong tương lai, thường có tác động về mặt tài chính, chẳng hạn như tăng phần thưởng cho một hoạt động cụ thể trong game.

Người chơi có vai trò giống như một "cổ đông" trong GameFi (Ảnh: Internet).
Người chơi có vai trò giống như một “cổ đông” trong GameFi (Ảnh: Internet).

Những điểm khác biệt giữa GameFi và game truyền thống

Giống như các xu hướng khác dựa trên công nghệ blockchain, GameFi đã làm lung lay ngành công nghiệp game truyền thống. Dù khác biệt về hình thức nhưng hầu hết các game kiểu mới này đều có nhiều tính năng vượt trội hơn.

Mô hình play-to-earn

Chơi để kiếm tiền là đặc điểm mang tính cách mạng của GameFi. Đối với game truyền thống, nhà phát triển kiếm tiền thông qua tính năng mua hàng trong ứng dụng, liên kết tiếp thị và quảng cáo. Còn người chơi phải bỏ tiền ra mua các vật phẩm trong game để giành chiến thắng hoặc mạnh hơn người khác. Số tiền đó sẽ về tay hãng game.

Ngoài ra các game truyền thống như Minecraft và PUBG sử dụng những đồng tiền rất “có giá” trong game nhưng hoàn toàn vô nghĩa ngoài đời. Chúng chỉ có tác dụng giải trí chứ không đem lại giá trị thực tế cho người chơi.

Chơi để kiếm tiền hấp dẫn hơn nhiều so với chơi để tiêu tiền (Ảnh: Internet).
Chơi để kiếm tiền hấp dẫn hơn nhiều so với chơi để tiêu tiền (Ảnh: Internet).

Trong khi đó mô hình mới của GameFi lại lật ngược hoàn toàn: người chơi có thể biến các giao dịch ảo trong game thành giá trị thật ngoài đời. Các vật phẩm trong game được lưu trữ trên hệ thống blockchain của tiền điện tử, tạo điều kiện để mua bán và quy đổi chúng thành tiền điện tử, sau đó là tiền thật.

Để chơi game vui hơn và giành chiến thắng, người chơi phải mua các vật phẩm ảo như tiền xu, vũ khí, mạng, nhân vật đặc biệt, v.v. Đối với game truyền thống, các món này phải mua từ nhà phát triển và do đó làm giàu cho họ, đồng thời những người chơi không có điều kiện sẽ bị hạn chế rất nhiều. Với GameFi thì khác, những giao dịch này được thực hiện bằng tiền điện tử và thường là mua bán tài sản có giá trị giữa những người chơi với nhau.

Game truyền thống cũng cho phép người chơi sở hữu các vật phẩm kỹ thuật số, nhưng chúng không có giá trị thực hoặc không thể quy ra tiền thật như GameFi, nói cách khác là bạn không thể trao đổi tài sản của mình trong game với các người chơi khác để đổi lấy tiền.

Ít hoặc không có phí trả trước

Hầu hết các GameFi đều có thể tải và chơi miễn phí, do đó dễ tiếp cận hơn so với game truyền thống. Mặc dù không có chi phí trả trước nhưng game có thể yêu cầu người chơi mua token, nhân vật và các vật phẩm khác mới có thể bắt đầu chơi.

Quyền sở hữu vĩnh viễn đối với các tài sản trong game

Các tài sản và NFT của người chơi GameFi được lưu trữ trên blockchain mãi mãi, trong khi các game truyền thống có thể bị sập bất cứ lúc nào khiến game thủ mất hết toàn bộ số tiền đã đầu tư vào nó. Đối với game truyền thống, tất cả nội dung đều thuộc về nhà phát triển, người chơi không có quyền kiểm soát nền tảng trò chơi.

Người chơi có nhiều quyền tự chủ hơn trong GameFi (Ảnh: Internet).
Người chơi có nhiều quyền tự chủ hơn trong GameFi (Ảnh: Internet).

Hơn nữa, các game online truyền thống thường không an toàn và dễ bị hacker tấn công làm cho người chơi có thể mất hết tài sản đã tích lũy chỉ trong một vụ hack. GameFi được xây dựng dựa trên blockchain nên độ bảo mật cao hơn rất nhiều.

Cách chơi đơn giản

Các GameFi thường được thiết kế đơn giản, dễ hiểu để người chơi ở mọi lứa tuổi và mọi trình độ đều có thể tham gia thoải mái. Dù sao thì điểm nhấn quan trọng của chúng là yếu tố kiếm tiền, còn cách chơi không cần quá phức tạp.

Tương lai của GameFi sẽ như thế nào?

Mặc dù nguồn gốc ban đầu xuất phát từ tiền điện tử, nhưng giờ đây GameFi đã dần được chấp nhận như một lĩnh vực mới độc lập. Ví dụ rõ ràng nhất chứng minh sự phát triển của xu hướng này là thành công vang dội của Axie Infinity – dự án GameFi đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD doanh số bán token vào tháng 8/2021 và hiện nay đã có ​​hơn một triệu người chơi hoạt động hàng ngày.

Rất nhiều game đang được phát triển theo hình thức này (Ảnh: Internet).
Rất nhiều game đang được phát triển theo hình thức này (Ảnh: Internet).

Xu hướng bùng nổ của game crypto kéo theo sự phát triển của nền tảng công nghệ đằng sau nó, giúp cho các dự án GameFi mới đang thu hút lượng người chơi khổng lồ cũng như nguồn tài trợ dồi dào của các tổ chức. Các chuyên gia trong ngành tin rằng thể loại game này là lĩnh vực nhiều tiềm năng nhất để áp dụng rộng rãi công nghệ blockchain. Khi các game thủ truyền thống chuyển sang chơi GameFi, tiền điện tử cũng sẽ ngày càng được phổ biến và phát triển hơn

GameFi đang ngày càng chiếm thị phần lớn hơn trong thị trường game trị giá 175 tỷ USD hiện nay. Với các đặc điểm về tài chính và trao quyền cho người chơi nhiều hơn, có thể nói một kỷ nguyên mới sắp mở ra cho GameFi. Những ông lớn trong ngành như hãng game Ubisoft và MOBOX hay nhà sản xuất linh kiện bán dẫn AMD đã tham gia vào Liên minh Game Blockchain, một tổ chức giúp phổ biến GameFi.

Star Atlas liên kết với tiền ảo Solana (Ảnh: Internet).
Star Atlas liên kết với tiền ảo Solana (Ảnh: Internet).

GameFi đang phát triển nhanh chóng với tổng vốn hóa thị trường của các game blockchain hàng đầu hiện nay đã vượt mốc 14 tỷ USD (theo CoinDesk) và chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa với quy mô khổng lồ của ngành công nghiệp game nói chung. Một số dự án GameFi hiện đang được phát triển là:

  • Star Atlas
  • The Sandbox
  • Ember Sword
  • Dr. Who: Worlds Apart
  • Guild of Guardians

Những game mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để vừa chơi vừa kiếm tiền và trải nghiệm nhiều tính năng hấp dẫn. Thậm chí các nền tảng chơi game như MOBOX đang được xây dựng để cho phép người chơi tự tạo ra NFT và game của riêng mình với khả năng tương tác cao.

Tổng kết

GameFi rõ ràng là bước đột phá lớn so với các game online kiểu cũ, với cơ chế chơi để kiếm tiền giúp cho tiền điện tử được phổ biến rộng rãi hơn. Sẽ không ngạc nhiên nếu xu hướng này tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ trong tương lai. Với đà phát triển như hiện nay, GameFi và NFT có thể sẽ là tương lai của cả ngành game và triển vọng cho lĩnh vực mới này là vô hạn.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!

Xem thêm

TOP 10 micro karaoke Bluetooth loại tốt nhất, giá rẻ mà đẹp, giọng hát hay không thua ca sĩ!

Hát karaoke là hoạt động giải trí phổ biến, đặc biệt khi dịp lễ tết đang đến gần. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay đã khiến cho nhiều phòng karaoke phải đóng cửa, do vậy nhu cầu sử dụng micro karaoke Bluetooth tại nhà đang ngày càng lên cao. Trong bài viết này, BlogAnChoi sẽ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận