Tiểu đường là một bệnh chuyển hóa đang có tốc độ gia tăng rất nhanh trong cộng đồng, xã hội. Nếu không kiểm soát tốt, nó sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tính mạng con người. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng bệnh tiểu đường và cách điều trị đúng đắn nhé! 

Theo công bố của tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 1985 có 30 triệu người mắc đái tháo đường, con số này ở năm 2010 là 215,6 triệu người và sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh chóng vào thời gian tới. Vì thế, người dân rất cần bổ sung hiểu biết, nhận thức đúng đắn về căn bệnh này.

Tiểu đường hay đái tháo đường được định nghĩa là một rối loạn chuyển hóa của cơ thể, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính, kèm theo sự rối loạn chuyển hóa của Lipid, Carbohydrat hay Protein. Bệnh do sự thiếu hụt Insulin của cơ thể, tế bào kháng Insulin hoặc cả hai.

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường có rất nhiều thể, tiểu đường tuyp I, tuyp II, tiểu đường do thiếu hụt chức năng tế bào Beta, do tuyến tụy ngoại tiết, do thuốc hoặc hóa chất, do nhiễm khuẩn,…Tuy nhiên, 2 loại thường gặp nhất là đái tháo đường tuyp I và đái tháo đường tuyp II.

cấu trúc insulin
Tiểu đường do thiếu hụt hoặc sự không đáp ứng Insulin của cơ thể (Nguồn: Internet).

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuyp I hay tuyp II đều có liên quan tới hoormon Insulin. Insulin là một hoormon do tế bào beta của đảo tụy tiết ra với chức năng kiểm soát đường huyết thông qua việc báo hiệu cho các cơ quan, tế bào biết để sử dụng glucose từ máu cho việc tạo năng lượng hoạt động.

Bệnh tiểu đường tuyp I là bệnh do tế bào beta của đảo tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu Insulin hoàn toàn. Khi thiếu Insulin, glucose không vào được tế bào nên nồng độ tăng lên trong máu. Thể này đa số gặp ở trẻ em, chỉ gặp ở số lượng rất ít người lớn.

Tiểu đường tuyp II thì nguyên nhân lại được biết đến là do sự kháng Insulin của tế bào. Nghĩa là đảo tụy vẫn tiết Insulin nhưng các tế bào, mô, cơ quan của cơ thể không đáp ứng nên sự chuyển hóa glucose xảy ra khó khăn. Tình trạng này sẽ kích thích tăng tiết Insulin ở giai đoạn đầu, về sau tế bào beta đảo tụy bị suy giảm chức năng và xảy ra sự thiếu hụt Insulin, glucose sẽ tăng lên trong máu.

Triệu chứng bệnh tiểu đường

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường cần phải dựa vào xét nghiệm, triệu chứng lâm sàng có thể âm thầm, ít người để ý. Bốn triệu chứng điển hình luôn được nhắc đến mỗi khi nói về đái tháo đường là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều. Tuy nhiên, vẫn có sự khác nhau về biểu hiện của các thể đái tháo đường.

1. Triệu chứng đái tháo đường tuyp I

  • Thường gặp ở đối tượng <30 tuổi.
  • Triệu chứng lâm sàng rầm rộ: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều.
  • Đối tượng thường gặp có thể trạng trung bình hoặc gầy.
  • Tiền sử gia đình có liên quan: Gia đình có người bị mắc tiểu đường hoặc các bệnh lý tự miễn khác.
tiểu đường tuyp I
Trẻ em cũng có thể mắc bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet).

2. Triệu chứng lâm sàng đái tháo đường tuyp II

  • Đối tượng mắc bệnh > 30 tuổi.
  • Bệnh thường được phát hiện tình cờ do khám sức khỏe hay xét nghiệm máu cho mục đích khác. Triệu chứng trên lâm sàng âm thầm, không điển hình.
  • Thường gặp ở nam giới thể trạng béo.
  • Với nữ giới thường gặp ở người đã có tiền sử đái tháo đường thai kỳ.

Đường máu bao nhiêu thì chẩn đoán là đái tháo đường?

Như đã nói ở trên, để chẩn đoán xác định đái tháo đường, cần làm xét nghiệm để có kết quả chính xác, triệu chứng lâm sàng chưa đủ để kết luận bệnh. Và các xét nghiệm cần được làm tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo tính đúng đắn. Theo tiêu chuẩn đái tháo đường của ADA (Hiệp hội đái tháo đường Mỹ) năm 2010, chẩn đoán đái tháo đường khi có một trong các tiêu chuẩn sau:

  • Đường huyết đo được tại thời điểm bất kì > 11,1 mmol/l kèm theo các dấu hiệu lâm sàng của tăng đường máu như ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều.
  • Đường huyết lúc đói (nghĩa là không ăn gì > 8 tiếng) > 7 mmol/l được đo vào 2 buổi sáng khác nhau.
  • Đường máu 2h sau uống 75g glucose > 11,1 mmol/l (hay còn được gọi là nghiệm pháp tăng đường huyết).
  • Chỉ số HbA1c > 6,5%.
kiểm soát tiểu đường
Phải làm xét nghiệm máu mới đủ tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường (Nguồn: Internet).

Cách điều trị bệnh tiểu đường

Ở giai đoạn cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc với người bị đái tháo đường, bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày cũng là vô cùng quan trọng để kiểm soát bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

1. Chế độ ăn cho người tiểu đường

Chế độ ăn hợp lý vô cùng quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường, với từng đối tượng thì sẽ có chế độ ăn cụ thể khác nhau theo lời khuyên của bác sĩ, tuy nhiên, tất cả đều phải đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Cân đối hợp lý về hàm lượng chất béo, vitamin, đạm, đường, tinh bột, muối khoáng.
  • Không ăn quá nhiều để sau ăn không bị tăng đường huyết.
  • Không ăn quá ít để không bị hạ đường huyết khi xa bữa ăn.
  • Đủ năng lượng để duy trì hoạt động thể lực hằng ngày.
  • Nếu cân nặng đã hợp lý thì cần giữ để tránh tăng cân, nếu cân nặng quá cao cần giảm cân đến mức vừa phải.
  • Không nên thay đổi cơ cấu bữa ăn quá nhanh và quá nhiều.
  • Rượu bia chỉ uống lượng vừa phải (5-15g/ ngày), nếu uống các rượu mạnh nhiều làm tăng nguy cơ bệnh gan, tăng huyết áp,…
  • Phân bố bữa ăn: Chia nhỏ các bữa ăn để không ăn quá nhiều một bữa. Ăn 3 bữa chính và có thể chia thêm 2 bữa phụ nếu tiêm nhiều Insulin. Nếu bạn được chỉ định tiêm một mũi Insulin trước khi đi ngủ thì hãy ăn một bữa nhỏ lúc đó để tránh hạ đường huyết ban đêm.
chế độ ăn cho người tiểu đường
Việc điều chỉnh chế độ ăn phù hợp là rất cần thiết với người tiểu đường (Nguồn: Internet).

2. Chế độ vận động thể lực với người mắc bệnh tiểu đường

Việc luyện tập thể lực cũng đóng vai trò rất quan trọng để giữ đường huyết ổn định thông qua việc tiêu thụ đường cho việc luyện tập. Mỗi ngày tập thể dục 30-45 phút đều đặn, mỗi tuần 5 ngày sẽ giúp bạn kiểm soát đường máu tốt hơn.

Cần chú ý lựa chọn mức độ bài tập cho phù hợp tình trạng bệnh, theo lời khuyên của bác sĩ nhất là với đối tượng đã có biến chứng mạn tính của đái tháo đường.

Đặc biệt, bạn cũng nên chú ý thường xuyên kiểm tra đường huyết và huyết áp tại nhà để nắm rõ tình hình sức khỏe bản thân nhé.

Tìm mua máy đo đường huyết tại nhà ở đây!

Bạn có thể đặt mua máy đo huyết áp tại nhà ở đây!

3. Các thuốc điều trị đái tháo đường

  • Insulin: Vì cơ thể bị thiếu hụt Insulin nên việc sử dụng Insulin bổ sung đúng chỉ định là cần thiết. Người ta thường tiêm Insulin dưới da, tiêm tĩnh mạch được các cơ sở y tế áp dụng trong cấp cứu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách tiêm đúng và đưa liều lượng tùy theo tình trạng bệnh.
  • Thuốc viên Nateglinid và Meglitinid: Cơ chế là kích thích tuyến tụy sản xuất Insulin, thuốc có thể dùng cho bệnh nhân suy thận hoặc bệnh nhân cao tuổi.
  • Nhóm thuốc Biguanid: thuốc duy nhất còn sử dụng ở nhóm này là Metformin, làm giản tân tạo glucose ở gan, tăng bắt giữ gllucose ở cơ vân. Đặc biệt thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân tiểu đường tuýp II mà không dùng với tuýp I.
  • Nhóm thuốc Thiazolidinediones (Pioglitazon): Nhóm thuốc này làm tăng vận chuyển glucose, giảm tân tạo glucose ở gan. Thuốc cũng chỉ có chỉ định với tiểu đường tuyp II khi có tình trạng kháng Insulin. Uống 1 lần trong ngày, xa bữa ăn, thường uống thời điểm trước bữa ăn sáng.
biến chứng tiểu đường
Nếu không điều trị tốt tiểu đường có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet).

Bệnh tiểu đường nếu kiểm soát tốt sẽ không quá đáng ngại, nhưng khi có bệnh lý khác đi kèm hoặc xảy ra biến chứng sẽ vô cùng nguy hiểm.

Một số bài viết liên quan bạn đọc có thể tham khảo:

Vậy là BlogAnChoi vừa giải đáp các vấn đề về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của bệnh tiểu đường. Nếu không may mắc phải căn bệnh này, hãy tới gặp bác sĩ sớm để được tư vấn và điều trị hợp lý nhé. Đừng quên tìm đọc những bài viết hữu ích khác trong chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi bạn nhé!

Xem thêm

HIV lây qua đường nào và làm sao để phòng tránh căn bệnh tử thần này?

HIV là một căn bệnh nguy hiểm gây suy giảm miễn dịch, căn bệnh này được coi là căn bệnh thế kỷ vì hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu để biết HIV lây qua đường nào và làm sao để phòng tránh căn bệnh tử thần này?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
hieuho

lien hệ 0818702323