Thiên nhiên luôn có những bí mật kì thú mà con người không thể khám phá hết được. Một trong số đó là hiện tượng một số bãi biển có thể… phát sáng trong màn đêm. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về những địa điểm xảy ra hiện tượng độc đáo này nhé.

Khi màn đêm buông xuống, tại một số bãi biển trên thế giới, các đợt sóng bỗng phát ra ánh sáng xanh kỳ lạ. Những chấm màu neon ấy tuy nhỏ bé nhưng lại tạo cảm giác như mặt biển đang phản chiếu cả bầu trời đêm. Cảnh tượng hết sức kì thú và nên thơ.

Những cảnh tượng lạ lùng đó không phải là một phép thuật như trong phim Harry Potter mà đã được các nhà khoa học đưa ra lời giải thích hợp lí. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các sinh vật phù du đã phát triển để làm “giật mình” hay đánh lạc hướng các loài cá hay loài vật săn mồi khác.

Một số nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng chuông báo động”. Bởi với việc tự tỏa sáng, sinh vật phù du thậm chí còn chủ động đe dọa lại các loài động vật ăn thịt lớn hơn, thay vì tìm cách lẩn trốn. “Lân quang” chỉ xảy ra khi các vi sinh vật, vốn tồn tại trên toàn thế giới, được dao động, chẳng hạn như khi nước tạt lên bờ, một ai đó bước trên cát ẩm ướt,…

Ảnh hưởng của hiện tượng này có thể khác nhau tùy thuộc vào thời gian trong năm và thời tiết, do đó chúng ta không thể biết được khi nào chúng sẽ xuất hiện. Mặc dù vậy, dưới đây là 7 địa điểm mà nhiều khả năng bạn có thể chứng kiến hiện tượng phát sáng trên bãi biển.

1. Bãi biển Maldives

Du khách đến quần đảo Ấn Độ Dương này có thể sẽ chứng kiến hiện tượng bãi biển phát sáng vào khoảng tháng 7 tới tháng 2 năm sau. Hiện tượng phát quang sinh học này có thể xuất hiện trong 26 hòn đảo san hô của quốc gia này. Nhưng nhiều người cho rằng nơi hiện tượng này xảy ra rõ nhất là nhóm đảo Mudhdhoo, Vaadhoo và Rangali.

Biển Maldives
Bãi biển phát sáng ở Vaadhoo, Maldives. (ảnh: internet)

2. Vịnh Bioluminescent (Puerto Rico)

Vịnh Muỗi trên đảo Vieques có biệt danh là “Bioluminescent Bay” (thường được gọi là Vịnh Sinh học) vì có những sinh vật phù du soi sáng mặt nước. Những sinh vật này đã khiến cho bờ biển phát sáng trong bóng đêm và thu hút nhiều khách du lịch.

Tuy vậy vào tháng 1/2014, vịnh lại bất ngờ không “phát sáng” nữa. Một số nhà khoa học cho rằng sự thay đổi của hướng gió đã đẩy đi nhiều loại sinh vật phù du, trong đó có các vi sinh vật phát sáng, ra khỏi vịnh. Nhưng đó cũng chỉ là lí thuyết, bởi vẫn còn rất nhiều yếu tố khác nhau tạo nên sự phát quang sinh học mà chúng ta chưa biết hết.

Vịnh Muỗi
“Vịnh Muỗi” là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng trong vùng, vì thế mà các nhà khoa học và người dân nơi đây đều mong muốn bảo tồn hiện tượng kì ảo này. (ảnh: internet)

Rất may, vịnh lại “phát sáng” một lần nữa vào tháng 6, mặc dù ở một cường độ thấp hơn. Không ai biết vịnh có thể trở lại như xưa hay không. Các công ty lữ hành vẫn đang mở các tour du lịch thuyền kayak từ thứ 6 cho tới Chủ Nhật, trong khi các nhà khoa học làm việc trong những ngày còn lại với hy vọng giữ gìn ánh sáng huyền diệu này.

3. San Diego (Mỹ)

Hiện tượng phát quang sinh học này cũng xảy ra ở thành phố San Diego, Mỹ. Hiện tượng đã xảy ra khi hàng triệu động vật thủy sinh tạo thành một nhóm tảo lớn và làm đổi màu cả các vùng nước lân cận.

Bờ biển San Diego cũng xuất hiện “thuỷ triều đỏ” mỗi vài năm một lần. Những loại tảo biển tạo cho nước một màu đỏ vào ban ngày và ánh sáng màu xanh tươi sáng vào ban đêm.

San Diego
Hiện tượng kì thú này ở San Diego khiến nhiều người dân thích thú. (ảnh: internet)

Khi có sự kết hợp của nhiệt độ và của nước, gió, bầu trời đêm cùng một vài yếu tố đi kèm, con người có thể lướt sóng và bơi lội qua các vùng nước nhờ ánh sáng từ chính mặt nước.

Mặc dù một số loại tảo phát sáng này có thể gây hại, nhưng các loài sinh vật phát quang phổ biến ở San Diego, như “Lingulodinium polyedrum” thì được cho là không độc hại.

4. Hang động Xanh (Malta)

Chỉ những chiếc thuyền được cấp phép mới được hoạt động trong hang động Xanh ở Malta. Đây được coi là một trong những điểm tham quan độc đáo nhất trên thế giới.

Những hang động trên hòn đảo nhỏ Filfa được bao quanh bởi những vách đá rất cao, sóng vỗ không ngừng. Đây cũng là nơi xuất hiện những vệt phát sáng trên mặt biển. Hang động Xanh chỉ là một trong chín hang động trong khu du lịch nổi tiếng này.

Hang động Xanh
Khung cảnh kì thú này thật khó tìm thấy ở nơi nào ngoài hang động Xanh ở Malta. (ảnh: internet)

Trong đó thì Filfa là điểm đến nổi tiếng nhất, nằm cách bờ biển khoảng 4 km và hoàn toàn không có người ở ngoại trừ một số loài chim và thằn lằn mà bạn không thể tìm thấy ở một nơi nào khác.

5. Bờ biển Navarre, Florida (Mỹ)

Những tháng mùa hè là thời điểm thích hợp để chèo thuyền Kayak tại Florida, đặc biệt là khu vực Indian River và Mosquito Lagoon. Ở đó, khi các loài sinh vật phù du xuất hiện đúng thời điểm, mặt nước sẽ phát sáng khi các loài cá di chuyển qua. Theo trang web du lịch Florida, hiệu ứng này làm cho “cá trông giống như sao chổi màu xanh.”

Bãi biển Navarre
Bãi biển Navarre với ánh sáng xanh tuyệt đẹp. (ảnh: internet)

6. Vịnh Toyama (Nhật Bản)

Đây là trường hợp có một chút khác biệt so với phần còn lại. Ở các địa danh khác, mặt nước phát sáng là do tảo có trong nước. Còn ánh sáng tại vịnh Toyama không xuất phát từ thực vật phù du mà từ một sinh vật phát quang, gọi là mực đom đóm.

Hàng năm từ tháng Ba đến tháng Sáu, vịnh tràn ngập hàng triệu con mực dài khoảng 10 cm, trồi lên từ sâu thẳm của đại dương để sinh sản. Khi chúng xuất hiện ở các vùng biển, cả ngư dân và các hoạt động du lịch mùa xuân đều bắt đầu diễn ra nhộn nhịp.

Toyama Bay
Vịnh Toyama phát sáng nhờ hàng trăm, hàng ngàn chú mực đom đóm tới đây sinh sản. (ảnh: internet)

7. Đảo Matsu (Đài Loan)

Cái gọi là “nước mắt xanh” đã gây ra khá nhiều tranh cãi ở quần đảo Matsu. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Đại dương Đài Loan đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài bốn tháng ở các vùng biển, lấy mẫu và nghiên cứu sinh vật trong nước.

Theo tờ China Post, các nhà nghiên cứu xác định chính xác loại sinh vật scintillans Noctiluca là thủ phạm chính khiến mặt biển phát sáng. Họ sẽ mất thêm một năm nữa để tiếp tục nghiên cứu các vùng nước, xem còn sinh vật nào khiến vùng biển đổi màu như thế không.

Nếu nhận thấy đây không phải là một hiện tượng đáng ngại, các hoạt động du lịch có thể sẽ được xúc tiến ở khu vực này. Đây hứa hẹn sẽ là một địa điểm thu hút khách du lịch.

Nước mắt xanh
Hiện tượng “nước mắt xanh” gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học. (ảnh: internet)

Những bãi biển phát sáng trên đây quả là có một không hai. Nếu bạn có dịp tới thăm thú những địa điểm này thì đừng quên đợi màn đêm buông xuống để chiêm ngưỡng hiện tượng kì ảo này nhé.

Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác:

Và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để tiếp tục cập nhật những tin tức độc lạ trên thế giới.

Xem thêm

Khoai tây đã giúp phương Tây phát triển vượt trội như hiện nay?

Khoai tây là một trong 4 loại lương thực quan trọng nhất đối với nhân loại, bên cạnh gạo, bắp và lúa mì. Nhưng ít ai biết rằng, trong quá khứ, khoai tây đã từng bị cả châu Âu kì thị, gắn cho tên gọi là "trái táo quỷ". Vậy có phải khoai tây đã giúp phương Tây phát ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận