Arsenal của giai đoạn 2008 – 2012 là một đội bóng đầy sự hoa mỹ, nhưng trớ trêu thay, Pháo thủ không dành nổi bất cứ danh hiệu nào ở những đấu trường mà họ tham dự.

Mùa giải 2008/2009 có thể là một trong những khoảng thời gian đáng nhớ của các cổ động viên Arsenal, khi họ đón về những cầu thủ tài năng, và chia tay những công thần một thời. Những Andrey Arshavin, Aaron Ramsey hay Samir Nasri chuyển tới với hi vọng tỏa sáng, ngược lại, những Alexander Hleb, Jens Lehmann hay Gilberto Silva ra đi với những kỉ niệm đẹp.

Từ đây, Arsenal bắt đầu một giai đoạn đầy đam mê, nhưng chẳng thể có một tình yêu trọn vẹn.

Arsenal với bộ khung tài năng

Arsenal khi ấy chỉ có vài cầu thủ ở độ tuổi từ 25 trở lên, đáng chú ý là Van Persie, Sagna, Arshavin, Rosicky,… Còn lại, đa số là những chàng trai thuộc dạng “còn phát triển”, như Cesc Fabregas, Samir Nasri, Aaron Ramsey, Jack Wilshere, Theo Walcott, Alex Song,…

Tất nhiên, lớp cầu thủ trẻ này được Arsene Wenger trao nhiều cơ hội, để rồi phối hợp ăn ý cùng với các đàn anh, và dần trở thành những nhân tố chủ chốt ở giai đoạn đặc biệt này.

Robin Van Persie là cái tên nổi bậc nhất ở vị trí trung phong, anh ra sân 107 lần và ghi 68 bàn thắng ở Ngoại Hạng Anh cho Arsenal. Trong đó, có đến 3 mùa giải cầu thủ người Hà Lan là người ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội bóng.

Persie là tiền đạo xuất sắc của Arsenal
Van Persie là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất của Arsenal. Ảnh: Internet

Ngoài ra, Van Persie còn đạt được nhiều danh hiệu cá nhân, như chiếc giày vàng Premier League 2012, cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải 2008/2009 của Arsenal, cầu thủ xuất sắc nhất Ngoại Hạng Anh mùa 2011/2012,…

Vị trí tiền đạo của Pháo thủ ở giai đoạn này cũng xuất hiện một vài cái tên đáng chú ý, có thể kể đến Nicklas Bendtner, Adebayor, Carlos Vela hay Marouane Chamakh.

Bên cạnh đó, hai cái tên tấn công cực kỳ nổi bật khác ở hai biên là Samir Nasri và Andrey Arshavin. Đây là niềm cảm hứng chính cho những pha lên bóng đầy tốc độ của Arsenal. Nhưng về sau, Theo Walcott lại xuất hiện nhiều hơn trên hàng công, khi Nasri chuyển qua Man City vào năm 2011.

Lối chơi hào hoa của đội bóng thành London không thể không kể đến những nhân tố ở hàng tiền vệ, nơi đây đã được “cai quản” bởi nhiều hảo thủ trong giai đoạn 2008/2012. Đóng góp quan trọng là những Cesc Fabregas, Alex Song, Diaby, Wilshere, hay Rosicky; và đâu đó là một vài dấu ấn của Denilson, hay Aaron Ramsey.

Hàng phòng ngự được dẫn dắt bởi những Vermaelen, Bacary Sagna, Koscielny,… và thủ thành Almunia. Về sau, Szczesny dần thay thế Almunia và được thi đấu thường xuyên hơn.

Giai đoạn này chứng kiến một Arsenal tập hợp những tài năng sáng giá, cùng khí thế ngút trời của tuổi trẻ. Thậm chí, đây là thời điểm quan trọng nhất trong đời cầu thủ của rất nhiều cái tên, là bệ phóng lí tưởng cho sự nghiệp “quần đùi áo số” của họ.

Thực tế đã cho thấy điều đó, lần lượt Gael Clichy, Cesc Fabregas, Eboue, Samir Nasri, Alex Song, Van Persie,… chia tay đội bóng để đến với những chân trời mới. Chính vì vậy mà người ta thường nói: Arsenal không mua ngôi sao, mà là nơi tạo ra những ngôi sao.

Chấn thương kinh hoàng của Aaron Ramsey
Chấn thương kinh hoàng của Aaron Ramsey vào năm 2010. Ảnh: Internet

Nhưng song song với đó, tại đây cũng chứng kiến tình trạng “đang hay lại đứt dây đàn” của nhiều cầu thủ đang được mong chờ, như Diaby, Eduardo, hay Aaron Ramsey,… Những chấn thương cướp đi nhiều thứ đối với bản thân họ, và mang lại cả sự cay đắng cho Arsenal.

Vì khoản nợ khi xây sân vận động Emirates, đội bóng phải bán đi những con cưng dưới sự theo đuổi gắt gao của các đại gia châu Âu. Những lý do trên khiến đội bóng thành London dần đánh mất mình và nhận lấy vô số thất bại ở nhiều giai đoạn sau này.

Có thể nói, khoảng thời gian 2008 – 2012 là những ký ức đẹp đẽ của các cổ động viên Pháo thủ, nhưng cũng chẳng có gì ở đây cả, ngoài tình yêu và sự tiếc nuối.

Arsenal với lối tấn công mê hoặc và sự mong manh dễ vỡ

Sức hút của Arsenal lúc bấy giờ là lối chơi tấn công rực lửa và đầy đam mê. Đội bóng luôn nằm trong top 3 đội ghi nhiều bàn thắng nhất trong các mùa giải ở giai đoạn này. Cùng với sự dẫn dắt của Fabregas, sự cơ động và xuất sắc của các cầu thủ trên hàng công, đã giúp Arsenal tạo ra vô số bàn thắng, và cũng ghi rất nhiều bàn thắng trong một trận đấu.

Theo thống kê, đội bóng thành London đã có tổng cộng 297 bàn thắng ở Ngoại Hạng Anh trong giai đoạn 2008 – 2012, trung bình 74,25 bàn mỗi mùa. Con số này của 4 mùa gần nhất là 72,25 bàn.

Hàng công thăng hoa của Arsenal
Arsenal có một hàng công thăng hoa ở thời điểm này. Ảnh: Internet

Không những thế, số bàn thắng của Arsenal trong một trận đấu có lúc đạt đến con số 6 – 7 bàn. Điều mà chính họ cũng không thể làm được trong 6 mùa giải gần nhất, kể cả mùa giải năm nay.

Một cách trớ trêu nào đó, song song với lối tấn công đẹp mắt, lại là hàng thủ mong manh đến dễ vỡ. Pháo thủ đã nhận tổng cộng 170 bàn thua ở Ngoại Hạng anh trong giai đoạn này, trung bình cứ 1 trận lại có ít nhất 1 bàn thua.

Có một con số thống kê khác cũng khiến cho Giáo sư Wenger phải đau đầu, đó là Arsenal luôn nằm trong top các đội bóng lớn dẫn đầu ở khâu phản lưới nhà. Thậm chí, họ còn đứng vị trí thứ nhất ở mùa giải 2011/2012, với 5 “bàn thắng” ghi được.

Hàng thủ non nớt của Arsenal
Thời điểm đáng thất vọng của hàng phòng ngự Arsenal. Ảnh: Internet

Với sức mạnh trên hàng công và sự non nớt ở hàng thủ, đội bóng thành London đã làm nên những trận đấu bùng nổ bàn thắng và cũng nhận không ít bàn thua. Giai đoạn ấy cũng chứng kiến nhiều trận cầu điên rồ của các học trò nhà Wenger.

Arsenal và những trận đấu đáng nhớ

Giai đoạn 2008/2012 xuất hiện hàng tá trận đấu có tỷ số không tưởng, tất nhiên là với sự góp mặt của Arsenal. Không chỉ về mặt tỷ số, những trận đấu này còn có ý nghĩa quan trọng về lòng tự tôn, và cả khả năng cạnh tranh chức vô địch của các đội bóng.

Liverpool 4-4 Arsenal

Mùa giải 2008/2009 chứng kiến một Liverpool mạnh mẽ và tham vọng cạnh tranh chức vô địch với Manchester United. Thực tế, đội bóng thành phố Cảng bám sát thầy trò Alex Ferguson một chặng đường dài nghẹt thở. Để duy trì điều đó Liverpool sẽ phải đánh bại Arsenal ngay tại sân nhà vào ngày 21/04/2009.

Nhưng kịch bản trận đấu lại gây bất ngờ cho các cổ động viên. Một ngày mà Andrey Arshavin hóa “cơn điên”, và tạo nên trận cầu với 8 bàn thắng chia đều cho hai đội. Phút thứ 36, “Sóc nhỏ” ghi bàn mở tỷ số cho Arsenal, và bắt đầu cho một cuộc rượt đuổi nghẹt thở tại sân Anfield.

Arshavin là cầu thủ ghi cả 4 bàn thắng cho Pháo thủ, đan xen với đó là sự xuất sắc của Fernando Torres và Yossi Benayoun, đã giữ lại 1 điểm quý giá cho đội bóng vùng Merseyside.

Highlight trận đấu Liverpool – Arsenal 21/04/2009:

Manchester United 8-2 Arsenal

Arsenal khởi đầu mùa giải 2011/2012 với những kết quả khó được các cổ động viên chấp nhận, vì trước trận gặp Man United ở vòng 3, đội bóng thành London chỉ có vỏn vẹn 1 điểm sau 2 trận đấu đầu tiên. Và chuyến làm khách trên sân Old Trafford quả thực là 1 cơn ác mộng.

Với những bất lợi về nhân sự, Pháo thủ đã nhận thất bại thứ 2 từ đầu mùa, nhưng tất cả không nghĩ đến tình cảnh lại tồi tệ như thế. Kết thúc hiệp 1, tỷ số đã là 3-1 cho đội chủ nhà. Tuy nhiên, sang hiệp 2 Arsenal tiếp tục nhận thêm một cơn mưa bàn thua, ngày cuối tuần đáng phải quên của các cổ động viên.

Trận đấu kết thúc với tỷ số kinh hoàng 8-2 cho Manchester United, trong đó có cú hattrick của Wayne Rooney.

Highlight trận đấu Manchester United – Arsenal 28/08/2011:

Chelsea 3-5 Arsenal

Bước vào vòng đấu thứ 10 của mùa giải 2011/2012, Arsenal có phong độ bết bát với 4/9 trận thua từ đầu mùa, trong khi Chelsea cũng vừa nhận thất bại muối mặt trên sân của QPR ở vòng đấu trước đó. Với lợi thế sân nhà, đội bóng của Villas Boas nắm sự chủ động và tràn lên tấn công, và hiệp một kết thúc với tỷ số 2-1 cho nửa xanh thành London.

Ở quãng nghỉ giữa hai hiệp đấu, không biết Arsene Wenger đã nói những gì mà các Pháo thủ bước vào hiệp 2 với bộ mặt hoàn toàn khác. Bắt đầu cuộc lộn ngược dòng của Arsenal là Andre Santos, với pha xâm nhập vòng cấm và tung cú dứt điểm cực kỳ quyết đoán. Sau đó là sự thăng hoa của Robin Van Persie.

Nhưng Theo Walcott đã kịp nâng tỷ số lên 3-2 trước khi tiền đạo người Hà Lan hoàn thành cú hattrick ở phút 85 và 92. Khép lại màn hủy diệt ngay tại sân Stamford Bridge.

Highlight trận đấu Chelsea – Arsenal 29/10/2011:

Arsenal 5-2 Tottenham

Trước trận lượt về vòng 26 mùa giải 2011/2012, Tottenham đang bay cao với vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, và đứng ngay trên Arsenal một bậc. Thậm chí trận lượt đi, họ đã đánh bại Pháo thủ với tỷ số 2-1 ngay tại sân nhà. Cộng với sự sa sút phong độ của Arsenal, nên Tottenham có thừa quyết tâm đánh bại đại kình địch ngay tại sân Emirates.

Vì vậy, Gà trống đã “nhanh tay nhanh chân” ghi liền 2 bàn thắng để vươn lên dẫn trước đối thủ, Louis Saha mở tỷ số ở phút thứ 4, và cựu pháo thủ Adebayor nhân đôi cách biệt ở phút 34 của trận đấu. Và đó là tất cả những gì Tottenham Hotspur làm được.

Bacary Sagna mở màn cơn ác mộng của Gà trống bằng pha rút ngắn tỷ số ở phút 40, tiếp theo là Van Persie và Tomas Rosicky, lần lượt ghi thêm 2 bàn thắng nữa cho Arsenal. Chưa muốn dừng lại, Theo Walcott đã kịp lập một cú đúp cho riêng mình, trước khi trọng tài Mike Dean thổi hồi còi kết thúc trận đấu.

Highlight trận đấu Arsenal – Tottenham Hotspur 26/02/2012:

Ngoài những trận đấu ấn tượng kể trên, giai đoạn 2008/2012 còn chứng kiến nhiều trận cầu của Pháo thủ có tỷ số khiến các cổ động viên phải trầm trồ.

  • Arsenal 4-4 Tottenham Hotspur: 30/10/2008.
  • Everton 1-6 Arsenal: 15/08/2009.
  • Arsenal 6-2 Blackburn: 04/10/2009.
  • Arsenal 6-0 Blackpool: 21/08/2010.
  • Newcastle 4-4 Arsenal: 05/02/2011.
  • Blackburn 4-3 Arsenal: 17/09/2011.
  • Arsenal 7-1 Blackburn: 04/02/2012.

Đọc thêm:

Giai đoạn Arsenal gắn liền với “Chú Tư”

Dĩ nhiên, thăng hoa trong tấn công và mong manh trong khâu phòng ngự sẽ không tốt lành gì với Arsenal. Những cú sảy chân không mong muốn luôn khiến Pháo thủ rơi vào tình thế phải đua top 4, và không thể nào nghĩ đến vị trí số 1 trên bảng xếp hạng.

Trước khi bước vòng 33 mùa giải 2009/2010 trên sân của Tottenham Hotspur, Arsenal chỉ cách ngôi đầu bảng đúng 1 trận thắng, và tràn trề cơ hội vô địch. Nhưng ở trận đấu đó, Gà trống đã tận dụng lợi thế sân nhà và giành trọn 3 điểm trước đại kình địch. Từ đây, Pháo thủ tiếp tục không thắng, và đành chấp nhận vị trí thứ 3 chung cuộc.

Ngay mùa giải năm sau, những khẩu pháo lại rơi vào tình trạng tương tự, cũng ở vòng 33, và cũng là đối thủ Tottenham Hotspur. Trận hòa 3-3 cùng với hàng loạt kết quả không tốt sau đó, khiến Arsenal chấm dứt hy vọng bám đuổi Manchester United, và kết thúc mùa giải với vị trí thứ 4 đầy thất vọng.

Ở tất cả các mùa giải ở giai đoạn 2008/2012, Pháo thủ luôn luôn cán đích ở vị trí trong top 4, dù cho họ có rơi vào tình thế đua vô địch hay nằm ở giữa bảng xếp hạng đi chăng nữa. Một vị trí trong 4 đội dẫn đầu luôn dành cho Arsenal, nhưng tất nhiên, đó không phải là ngôi vô địch.

Cũng vì nguyên do đó, biệt danh “chú Tư” bắt đầu gắn liền với đội bóng thành London, trong một thời gian dài về sau. Và nó chẳng hề dễ chịu chút nào với các cổ động viên của Arsenal.

Arsene Wenger cùng ký ức đẹp với Arsenal
Arsene Wenger cùng những ký ức đẹp với Arsenal. Ảnh: Internet

Khoảng thời gian 2008 – 2012 chứng kiến một Arsenal đầy sự lãng mạn của người đàn ông trưởng thành, nhưng lại sở hữu sự mong manh dễ vỡ của một đứa trẻ ngây thơ. Arsenal khi đó khiến bao nhiêu trái tim say đắm bởi lối chơi quyến rũ, nhưng cũng mang lại nhiều thất vọng bởi những vấp ngã đau đớn không báo trước.

Đó là những ký ức thực sự đặc biệt về một Arsenal, mà cổ động viên Pháo thủ muốn quên cũng không được, muốn nhớ cũng không xong. Giai đoạn có một Arsenal “hồng nhan” nhưng “bạc phận”.

Xem thêm

HLV Park Hang-seo: "Tôi là HLV hạnh phúc nhất thế giới 5 năm qua"

Tối 2/2, HLV Park Hang-seo tổ chức buổi giao lưu để cảm ơn sự ủng hộ của người hâm mộ Việt Nam. Ông có nhiều chia sẻ xúc động trong sự kiện.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận